/ 57
443

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 4

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến


Tập 1469


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm thứ mười một, Tịnh Hạnh. Chúng ta xem tiếp phần Thích Phẩm (釋品, giải thích nội dung của phẩm này) trong bộ Hợp Luận của Lý Trưởng Giả. Chúng ta xem tiếp phần Luận ngày hôm qua, từ câu: “Hựu tùy vị tu đạo thượng phiền não” (Lại còn do phiền não trong mỗi địa vị tu đạo), đọc đoạn văn bắt đầu từ câu ấy. Xin xem lời Luận:


(Luận) Tùy vị tu đạo thượng phiền não, lục vị trung, nhất vị hữu nhị thập, lục vị cộng hữu nhất bách nhị thập, căn bản thập vô minh, giai nhân Thân Kiến, Biên Kiến, nhị kiến hữu nhị thập, cộng tùy vị tấn tu, nhiễm tịnh phiền não, tổng hữu nhất bách tứ thập.

(論)隨位修道上煩惱,六位中,一位有二十,六位共有一百二十,根本十無明,皆因身見邊見,二見有二十,共隨位進修,染淨煩惱,總有一百四十。

(Luận: Lại còn do phiền não trong mỗi địa vị tu đạo. Trong sáu địa vị, mỗi địa vị có hai mươi [món phiền não], sáu địa vị gộp thành một trăm hai mươi [món phiền não]. Mười món vô minh căn bản đều do hai kiến là Thân Kiến và Biên Kiến mà thành hai mươi [món phiền não nữa]. Cộng chung sự tấn tu trong từng địa vị và phiền não nhiễm tịnh, có tất cả một trăm bốn mươi món).


Ngày hôm qua, chúng ta đã học tới chỗ này. Nay nói tiếp:


(Luận) Vị phòng thử chướng, khởi nhất bách tứ thập nguyện, linh tấn tu giả, tùng Sơ Tín tâm, Lý Sự viên dung, đạt kỳ nguyện thể, vô khuy tự tâm căn bản tịnh trí, diệu trạch chi huệ, động tịch câu chân, bất thiên tu cố.

(論)為防此障,起一百四十願,令進修者,從初信心,理事圓融,達其願體,無虧自心根本淨智。妙擇之慧,動寂俱真,不偏修故。

(Luận: Nhằm ngăn ngừa những chướng ngại ấy, nên dấy lên một trăm bốn mươi nguyện, khiến cho người tấn tu từ cái tâm Sơ Tín, Lý Sự viên dung, thấu đạt bản thể của Nguyện, trí căn bản nơi tự tâm thanh tịnh chẳng thiếu sót, huệ chọn lựa hay khéo, động và tịch đều chân thật, chẳng tu lệch lạc vậy).


Chúng ta xem đến chỗ này. Phàm và thánh vốn chẳng hai, Lý và Sự như một. Trong các kinh Đại Thừa, đức Phật đã vô số lần nói đến chuyện này. Chúng ta ắt cần phải nhận biết từ chỗ này! Mọi người, hết thảy chúng sanh vốn là Phật, vì sao hiện thời biến thành nông nỗi này? Chúng ta thấy tình huống trong lục đạo, tam đồ, địa ngục chẳng dễ coi cho lắm, vì sao biến thành nông nỗi ấy? Chính là vì bị nhiễm phải chất độc gây nghiện! Giống như hút thuốc phiện, [thuốc phiện] có chất gây nghiện. Chất độc ấy chính là gì vậy? Tham, sân, si, mạn, nghi. Trong kinh thường nói Tam Độc, tôi nói với quý vị Ngũ Độc! Tam Độc là tham, sân, si, nhất định phải thêm vào mạn và nghi. “Nghi” (疑) là ngờ vực thánh giáo, ngờ vực nhân quả, đáng sợ lắm! Trong quá khứ, tiên sinh Châu An Sĩ đã nói hai câu rất hay: “Nhân nhân tín nhân quả, thiên hạ đại trị chi đạo dã. Nhân nhân bất tín nhân quả, thiên hạ đại loạn chi đạo dã” (Ai nấy đều tin nhân quả, đó là đạo khiến cho thiên hạ bình trị tột bậc. Ai nấy chẳng tin nhân quả, đó là đường lối dẫn đến thiên hạ đại loạn). Cụ nói hai câu ấy rất hay, đã nói toạc sự bình trị hay loạn lạc trong thế gian.

Thế gian hiện thời đại loạn, nguyên nhân gây loạn là gì? Chẳng tin tưởng nhân quả, chẳng tin tưởng giáo huấn của thánh nhân, chẳng biết chân tướng của vũ trụ và nhân sinh, hoàn toàn bị phiền não quấy phá. Phiền não nắm quyền làm chủ, tham, sân, si, mạn, nghi nắm quyền làm chủ, phiền phức khá lớn! Trong phẩm kinh này, có nói sáu địa vị; sáu địa vị ấy bao gồm Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, sáu địa vị ấy. Trong mỗi địa vị, có hai mươi món phiền não[1]. Thưa cùng chư vị, hai mươi món ấy chính là con số nói quy nạp! Nếu nói chi tiết, sẽ là vô lượng vô biên, chính là “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Thật vậy! Vô tận phiền não quy nạp thành hai mươi loại. Từ Sơ Tín cho đến Đẳng Giác, có tất cả năm mươi mốt tầng cấp, Phật pháp nói đến địa vị, trong mỗi địa vị, đều là vô lượng vô biên phiền não. Tuy nhiên, tiến cao hơn, phiền não sẽ dần dần nhẹ đi. Tuy nhẹ, số lượng vẫn nhiều ngần ấy!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 57