328

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 3

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

Tập 1467

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh, phẩm thứ mười một, [xem phần] Hợp Luận của Lý Trưởng Giả.

 

(Luận) Tương thích thử phẩm, ước tác tứ môn phân biệt. Nhất thích phẩm danh mục, nhị thích phẩm lai ý, tam thích phẩm Tông Thú, tứ tùy văn thích nghĩa.

(論)將釋此品,約作四門分別。一釋品名目,二釋品來意,三釋品宗趣,四隨文釋義。

(Luận: Để giải thích phẩm này, chia thành bốn môn phân biệt: Một là giải thích tên gọi của phẩm này, hai là giải thích ý nghĩa vì sao có phẩm này, ba là giải thích về Tông Thú của phẩm này, bốn là dựa theo kinh văn để giải thích ý nghĩa).

 

Trong đoạn mở đầu này, Lý Trưởng Giả[1] đã chia đại ý của lời giải thích phẩm này thành bốn đoạn. Đầu tiên là giải thích tựa đề của phẩm này, chúng ta xem lời Luận:

(Luận) Nhất thích phẩm danh mục giả, hà cố danh vi Tịnh Hạnh Phẩm?

(論) 一釋品名目者,何故名為淨行品。

(Luận: Một là giải thích tên gọi của phẩm kinh này. Vì sao gọi là phẩm Tịnh Hạnh?)

 

Trước hết, nêu ra tên gọi của phẩm này. Vì sao phải gọi là phẩm Tịnh Hạnh? Dưới đây là lời giải thích.

 

(Luận) Dĩ vô thỉ chư kiến, vô minh, tham, sân, si, ái, kim dĩ phát Bồ Đề tâm, tín nhạo chánh pháp, đốn phiên chư kiến, thành kỳ đại nguyện, trưởng đại bi môn.

(論)以無始諸見無明貪瞋痴愛,今已發菩提心,信樂正法,頓翻諸見,成其大願,長大悲門。

(Luận: Do từ vô thỉ, đã có các kiến giải [sai lầm], vô minh, tham, sân, si, ái, nay đã phát Bồ Đề tâm, tin ưa chánh pháp, nhanh chóng đổi các kiến chấp thành đại nguyện, tăng trưởng đại bi môn).

 

Lời giải thích rất dài, chúng ta đọc đến đoạn này. Cứ học tập từng đoạn một! Hết thảy chúng sanh, đặc biệt là chúng sanh trong lục đạo, luân lạc trong lục đạo đã từ vô thỉ kiếp tới nay. “Chư kiến” (諸見): “Kiến” (見) là kiến giải sai lầm, chúng ta nói là Kiến Tư phiền não. “Chư kiến” là Kiến phiền não; tiếp đó, “vô minh tham, sân, si, ái” chính là Tư phiền não. Vì thế, nói gộp lại là Kiến Tư phiền não. Vì chúng ta có Kiến Tư phiền não, Kiến Tư phiền não là nghiệp nhân thứ nhất của lục đạo luân hồi; chỉ cần Kiến Tư phiền não chẳng đoạn, quý vị sẽ chẳng thoát khỏi lục đạo luân hồi. Chẳng thoát ra, đương nhiên là lưu chuyển nhiều kiếp dài lâu! Dài lâu chẳng biết đến cỡ nào! Thời gian chẳng phải là xét theo tháng, ngày, năm để tính, mà là dựa theo kiếp số để tính. Lưu chuyển bao kiếp dài lâu trong lục đạo, sanh sanh, tử tử, chẳng xong, chẳng hết! Khi nào quý vị sẽ có thể thoát ly? Khi nào quý vị giác ngộ, phát Bồ Đề tâm, sẽ thoát ly. Đối với câu này, chúng tôi chẳng cần phải rườm lời!

  Trong “chư kiến”, đầu tiên là Thân Kiến, [nghĩa là] chấp trước cái thân là ta. Biên Kiến: Nay chúng ta nói Biên Kiến là “tương đối”. Khởi ý niệm có ta, tương đối với ta là kẻ khác, có lớn, sẽ có nhỏ, có dài, bèn có ngắn, có tròn đầy, sẽ có thiếu hụt! Xác thực là chúng ta sống trong thế giới tương đối. Các khoa học gia ngoại quốc đã sáng chế học thuyết Tương Đối Luận. “Tương đối” là lục đạo luân hồi; hễ thoát khỏi lục đạo luân hồi, sẽ chẳng có tương đối nữa! Do vậy, có những kiến giải sai lầm, tức là Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, Tà Kiến. Các kiến giải của chúng ta thảy đều là sai lầm, đức Phật chia chúng thành năm loại lớn ấy. Quý vị khởi tâm động niệm, có cách nhìn như thế nào đi nữa, chắc chắn chẳng thoát khỏi phạm vi ấy (phạm vi của năm loại kiến giải trên đây). Quý vị có cách nghĩ như thế nào đi nữa, chắc chắn chẳng vượt khỏi phạm vi của tham, sân, si, mạn, nghi.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net