/ 51
450

Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một, Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 2

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

Tập 1465

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống! Chúng ta xem tiếp đoạn thứ tư là Giải Phương (解妨, giải trừ những chướng ngại) trong lời Sớ của Thanh Lương đại sư. Đoạn này lại chia thành sáu tiểu đoạn; hôm qua chúng ta đã học tập tới đoạn thứ tư, hôm nay bắt đầu xem từ đoạn thứ năm. Trước hết, tôi đọc lời Sớ một lượt, để quý vị thấy đúng chỗ.

 

(Sớ) Hựu sở tạo thành hạnh, giai thí chúng sanh, bất khởi Nhị Thừa chi tâm, an nhẫn cường nhuyễn lưỡng cảnh, hoặc tăng thiện phẩm, tâm bất dị duyên, diệu đạt tánh Không, thiện xảo hồi chuyển, giai nguyện lợi vật, đồng thú Bồ Đề. Nhị Thừa, thiên ma sở bất năng động, thiện tri dược bệnh, quyết đoán vô sai, tức Thập Độ Tề Tu chi hạnh dã.

(疏)又所造成行,皆施眾生,不起二乘之心,安忍強軟兩境,或增善品,心不異緣,妙達性空,善巧迴轉,皆願利物,同趣菩提,二乘天魔所不能動,善知藥病,決斷無差,即十度齊修之行也。

(Sớ: Lại nữa, đối với những hạnh đã tạo thành (Phổ Hiền Hạnh) đều thí cho chúng sanh, chẳng khởi tâm Nhị Thừa. An trụ, chịu đựng nghịch cảnh và thuận cảnh, tăng trưởng phẩm hạnh tốt lành, tâm chẳng duyên theo điều gì khác, khéo thấu đạt tánh Không, chuyển biến thiện xảo, luôn nguyện lợi lạc chúng sanh cùng tiến đến Bồ Đề. Nhị Thừa và thiên ma đều chẳng thể động, khéo biết cách chữa bệnh, quyết đoán chẳng sai lầm. Đấy chính là Thập Độ Tề Tu Hạnh).

 

 Chúng ta xem đoạn thứ năm này. Như chúng ta đã đọc trong những phần trước, có Sự Hạnh, Lý Hạnh, Trí Hạnh, Đại Bi Hạnh, Bi Trí Vô Ngại Hạnh, Chỉ Hạnh, Quán Hạnh, Chỉ Quán Song Vận Hạnh, Giả Quán, Không Quán, Trung Quán, Tam Đế Quán Hạnh. Hôm nay, chúng ta đọc đoạn này, chính là Thập Độ Tề Tu Hạnh. Do vậy, chúng ta có thể biết: Trí, Hạnh, Nguyện tuy một mà ba, tuy ba mà một! Trong Hạnh có Trí và Nguyện, trong Nguyện có Trí và Hạnh, trong Trí có Hạnh và Nguyện. Đó là hạnh của Pháp Thân Bồ Tát, hạnh của Đại Thừa Bồ Tát.

  Chúng ta xem đoạn văn này, “sở tạo thành hạnh”. “Tạo” (造) ở đây là tạo tác. Chúng ta đã hiểu rõ ý nghĩa chữ Hạnh. Trong ấy, có Trí và Nguyện. Chúng sanh tạo tác, bất luận là khởi tâm động niệm, hay sự tạo tác bằng ngôn ngữ; nói thật ra, chẳng có Trí, chẳng có Nguyện, mà có gì? Có nghiệp, thường nói là thiện nghiệp, ác nghiệp, và vô ký nghiệp (nghiệp chẳng thiện, chẳng ác). Chúng sanh khởi tâm động niệm, không gì chẳng là nghiệp, không gì chẳng là tội!

  Chúng ta thấy các vị Pháp Thân đại sĩ trong hội Hoa Nghiêm, các Ngài có khởi tâm động niệm hay không? Chẳng có! Chúng ta phải biết điều này: Khởi tâm động niệm là vọng tưởng, là vô minh phiền não. Các Ngài đã đoạn Kiến Tư phiền não và Trần Sa phiền não. Cũng có nghĩa là: Đối với hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian, [các Ngài] quyết định chẳng có phân biệt, mà cũng chẳng có chấp trước. Ngay cả tập khí phân biệt chấp trước cũng đều đoạn. Đã phá một phẩm vô minh. Vô minh là khởi tâm động niệm; [các Ngài] cũng chẳng còn khởi tâm động niệm nữa, nhưng tập khí khởi tâm động niệm hãy còn. Tiến lên cao hơn là bốn mươi mốt tầng cấp [Pháp Thân đại sĩ]. Từ Nhị Trụ, [tức là] Sơ Trụ phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, tiến lên cao hơn là Nhị Trụ. Từ Nhị Trụ cho đến Đẳng Giác, lại tiến cao hơn nữa sẽ là Diệu Giác. Chúng ta cũng gọi những cấp bậc ấy là bốn mươi tầng cấp. Bốn mươi tầng cấp ấy, xét theo Lý thì có, về Sự bèn chẳng có. Nơi Sự, hoàn toàn là pháp giới bình đẳng, xác thực là công phu có cạn hay sâu khác nhau, cũng là do tập khí vô minh từ vô thỉ dầy hay mỏng khác nhau. Đạt đến quả địa Như Lai, tức là quả địa rốt ráo, mới hoàn toàn đoạn hết [tập khí vô thỉ vô minh]. Vì lẽ đó, Đẳng Giác Bồ Tát còn có một phẩm [sanh tướng vô minh]. Sơ Trụ trong Viên Giáo đã phá một phẩm vô minh trong bốn mươi mốt phẩm, hãy còn có bốn mươi phẩm, mang theo (đới nghiệp) nhiều quá. Ý nghĩa là như thế đó.

  Đối với Hạnh của các Ngài, đã là “chẳng khởi tâm, chẳng động niệm”, cớ sao có tạo? Thành Hạnh như thế nào? Đấy là cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn. Chúng sanh có cảm, các Ngài bèn ứng. Cảm ứng quyết định là hữu duyên, chúng ta ắt cần phải ghi nhớ điều này. Trong Phật pháp thường nói: “Phật chẳng độ kẻ vô duyên”. Ai chẳng có duyên với Phật, Bồ Tát, sẽ chẳng dấy lên tác dụng cảm ứng đạo giao. Hễ dấy lên sự cảm ứng đạo giao, nhất định là hữu duyên. Duyên không nhất định là thiện duyên hay ác duyên, nhưng trong vô ký thì chẳng có duyên! Bất luận là thiện duyên hay ác duyên, thảy đều có cảm. Những điều này đều là trước khi nhập pháp giới, còn ở trong lục đạo, còn thuộc vào mười pháp giới, vì tập khí phiền não chưa đoạn hết, đương nhiên là có mối liên hệ qua lại với chúng sanh trong ấy. Chỉ cần là có qua lại, sẽ là hữu duyên. Bất luận cái duyên ấy cạn hay sâu, thảy đều khởi tác dụng cảm ứng. Vì lẽ đó, hễ chúng sanh có cảm, sự cảm ấy sẽ rõ rệt, hoặc ngấm ngầm. Chúng ta thường nói, có trường hợp là hữu tâm cầu (bọn phàm phu chúng ta cầu Phật, Bồ Tát là hữu tâm cầu), có khi là vô tâm cầu, chẳng có khởi tâm động niệm, nhưng thật ra là có cầu, cầu Phật, Bồ Tát gia trì. Hữu tâm cầu bèn có cảm ứng, mà vô tâm cầu cũng có cảm ứng. Khởi tác dụng cảm ứng giống như trong phẩm Phổ Môn đã nói: Quán Thế Âm Bồ Tát có ba mươi hai ứng thân, đáng nên dùng thân gì để đắc độ, bèn hiện thân ấy. Hiện thân thì sẽ có tạo tác, cùng chúng sanh qua lại, sẽ nhất định là có thuyết pháp. Thuyết pháp cũng là tạo tác, nhưng sự tạo tác ấy sẽ là “làm mà không làm, không làm mà làm”. Phàm phu thấy các Ngài có tạo tác, nhưng trên thực tế, các Ngài chẳng có tạo tác.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51