/ 51
973

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

 

Lời trần tình

 

  Có lẽ không một Phật tử Đại Thừa nào không biết kinh Hoa Nghiêm là một bộ kinh vô cùng cao sâu, huyền diệu, thường được xưng tụng là “cảnh giới của các vị Pháp Thân Bồ Tát, là căn bản pháp luân của Phật pháp”. Trước nay, đã có nhiều vị pháp sư hoặc thiện tri thức giảng giải kinh này, nhưng có lẽ, theo sự thấy biết hạn hẹp của mạt nhân, chưa có vị nào chú trọng giảng giải kinh này theo quan điểm của pháp môn Niệm Phật. Các bài giảng về kinh Hoa Nghiêm của lão sư phụ Tịnh Không quá dài, quá rộng, quá sâu, chẳng thể nào có đủ thời gian để chuyển ngữ toàn bộ sang tiếng Việt được. Chúng tôi quyết định chọn chuyển ngữ phẩm Tịnh Hạnh này, vì đây là một phẩm kinh có mối quan hệ thân thiết với sự hành trì trong cuộc sống của mỗi liên hữu Tịnh Độ chúng ta. Đối với mỗi hành vi, mỗi cử chỉ, kinh đều dạy những cách quán tưởng, suy niệm tương ứng, khiến cho tâm tưởng của chúng ta luôn trụ trong tịnh niệm. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi, dường như phần lớn những bài kệ trong Tỳ Ni Nhật Dụng đều trích từ phẩm này. Ba câu Tam Tự Quy trong khóa tụng hằng ngày cũng trích từ phẩm này. Có lẽ sau phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, phẩm Tịnh Hạnh có lợi ích to tát đối với hành nhân Tịnh nghiệp vì nó giúp cho chúng ta luôn dấy khởi tịnh niệm trong từng hành động bình phàm trong cuộc sống. Mạt nhân trộm nghĩ, phẩm Tịnh Hạnh chính là những hướng dẫn cụ thể để có thể vận dụng Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong cuộc sống hằng ngày, tối thiểu là thực hiện năm nguyện đầu. Thêm nữa, do vị tổ thứ bảy của Tịnh Tông là Tỉnh Thường đại sư đã tự trích máu chép phẩm Tịnh Hạnh, và đặt tên Liên Xã do ngài sáng lập là Tịnh Hạnh Xã, càng đáng cho chúng ta quan tâm học tập phẩm kinh này. Thượng nhân thượng Tịnh hạ Không giảng phẩm này từ tập 1463 đến tập 1576 mới hoàn tất. Do Ngài dùng bản chú giải Hoa Nghiêm Kinh Sớ của Thanh Lương đại sư và Hoa Nghiêm Hợp Luận của Lý Trưởng Giả để giảng phẩm này, cảnh giới và ngôn từ quá sâu, văn tự của Tổ và Lý đại sĩ quá gọn, quá súc tích, mạt nhân khôn xiết sợ hãi, chỉ sợ chính mình do nghiệp chướng sâu dầy, đầu óc tăm tối, tam độc lừng lẫy, sẽ chuyển ngữ lời Tổ, lời thầy sai be bét, đến nỗi vô hình trung biến cam lộ thành độc dược, nhưng vì lòng tham pháp, cứ đánh liều chuyển ngữ. Ngưỡng mong Tam Bảo từ bi gia hộ, chẳng đến nỗi tạo nên nghiệp chướng trọng đại, hại mình, hại người, tội khôn xiết kể! Nếu việc làm liều lĩnh này có thể giúp ích phần nào cho sự tu trì của các liên hữu, nguyện do công đức ấy, sẽ cùng nhau vãng sanh Cực Lạc.

Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa đê đầu, hiệp chưởng kính bạch

 

Tập 1463

 

 Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem kinh bổn “phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một”. Trong phần Sớ, Thanh Lương đại sư đã khai thị:

 

(Sớ) Thích thử nhất phẩm, ngũ môn phân biệt, sơ lai ý.

(疏)釋此一品,五門分別,初來意。

(Sớ: Giải thích phẩm này, chia thành năm môn khác nhau. Thứ nhất là ý nghĩa vì sao có phẩm này).

 

Vì sao có phẩm này? Phẩm kinh này do đâu mà có? Chúng ta học tập, trước hết phải biết điều này. Đại sư bảo:

 

(Sớ) Lai ý giả, phù dục giai diệu vị, tất tư thắng hạnh. Hữu Giải vô Hạnh, hư phí đa văn. Cố tiền phẩm minh Giải, thử phẩm biện Hạnh.

(疏)來意者,夫欲階妙位,必資勝行,有解無行,虛費多聞。故前品明解,此品辨行。

(Sớ: Ý nghĩa duyên khởi của phẩm này: Phàm muốn đạt lên địa vị mầu nhiệm, ắt phải cậy vào hạnh thù thắng. Có Giải mà chẳng có Hạnh, sẽ phí uổng đa văn. Do vậy, phẩm trước phẩm này (tức phẩm Bồ Tát Vấn Minh) nói về Giải, phẩm này biện định Hạnh).

 

[Lời Sớ của phẩm này] tổng cộng có ba đoạn, đây là đoạn thứ nhất. Học Phật thì mục tiêu của chúng ta là mong làm Phật, mong thành Phật. “Dục” (欲) là chúng ta mong mỏi, “giai” (階) là hy vọng đạt tới, [tức là] đạt tới quả vị Như Lai. Nếu muốn đạt tới quả vị ấy, nhất định phải cậy vào sự tu hành thù thắng. Có Giải mà chẳng có Hạnh, xác thực là sẽ phí uổng công sức đa văn! Chúng ta học tập hằng ngày, học rồi thì sao? Chẳng làm được! Chẳng làm được thì cũng như chẳng nghe!  

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51