/ 128
512

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 127


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời mở Cảm Ứng Thiên, bắt đầu xem từ đoạn thứ 122, đây là tổng kết của Cảm Ứng Thiên. Trong Khoa Đề là đoạn thứ năm phần “Suy gốc nhớ nguồn”.

Phù tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi nhi cát thần dĩ tùy chi. Hoặc

tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi nhi hung thần dĩ tùy chi.” (Hễ dấy thiện niệm, tuy chưa làm lành, cát thần đã đi theo. Tâm móng niệm ác, tuy chưa làm ác, hung thần đã theo.)

Hai câu nói này tuyệt đối không phải là lời nói khuyến thiện, nhất định không phải là lời hù dọa người, mà là đạo lý chân thật, là sự thật chân thật, chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải nhớ kỹ. Có câu “Ngẩng đầu ba thước có thần minh”. Chữ “tâm” là chỉ cho ý niệm, ý niệm thiện, tuy là bạn vẫn chưa làm được, bạn có một thiện niệm, thiện hạnh của bạn vẫn chưa thể hiện ra, thế nhưng chư Phật Bồ-tát, thiên địa quỷ thần đã nhìn thấy rồi. Đối với một người luyện khí công thông thường mà nói thì họ có thể thấy khí. Ở Trung Quốc có không ít những người có năng lực đặc biệt, họ có thể nhìn thấy hào quang của người khác. Quả thật không chỉ là người mà bất kỳ một vật thể nào cũng đều có khí, đều có hào quang, tâm thiện thì hào quang tốt, hào quang rõ ràng, màu sắc của hào quang đẹp. Trước đây có một số người có khả năng đặc biệt nói với tôi, hào quang của Phật Bồ-tát là sắc vàng, hào quang màu vàng, màu trắng đều tốt. Hào quang màu xám, màu đen đều là không tốt, đó là lòng dạ hiểm ác, tà ác. Cho nên thông thường họ đều có thể nhìn thấy, phân biệt người này là người thiện hay là người ác. Những người có khả năng đặc biệt này thông thường có một đặc điểm chung là tâm địa thanh tịnh. Chúng tôi đã từng nói chuyện với họ, hỏi họ là năng lực này của bạn liệu có thể bị mất đi hay không? Họ nói: có thể, tuổi tác càng lớn thì năng lực dần dần sẽ mất đi. Họ nói nếu biết quá nhiều những sự việc trong xã hội, thì tâm địa bị ô nhiễm. Đa số những người có năng lực này đều là người trẻ tuổi, khoảng hai mươi tuổi, trước hai mươi tuổi và sau ba mươi tuổi thì có rất ít. Chỉ cần họ giữ được tâm thanh tịnh thì năng lực này có thể duy trì, một khi bị danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần làm ô nhiễm thì năng lực này lập tức bị mất đi. Đạo lý này là chính xác, nó giống với thiền định và tam muội trong nhà Phật chúng ta nói đến. Vì vậy bạn có thể đắc định, bạn có thể đắc tam muội, năng lực này là năng lực vốn có. Hay nói cách khác, hết thảy chúng sanh đều có. Năng lực của chúng ta vì sao mất đi? Là do từ sáng đến tối nghĩ ngợi lung tung, vọng tưởng phân biệt chấp trước làm mất đi bản năng của chúng ta, chúng ta cần phải hiểu được đạo lý này. Ấn Quang Đại sư trong cả cuộc đời Ngài cực lực đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn. Sách Liễu Phàm Tứ Huấn dạy chúng ta nhận thức nhân quả, tin sâu nhân quả, dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, tiêu chuẩn của thiện ác. Ngài đề xuất cho chúng ta Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, An Sĩ Toàn Thư. Ba bộ sách này xem ra hình như đều không phải là Phật pháp, thật sự mà nói ba bộ sách này có thể cứu được xã hội hiện nay, có thể cứu được tai nạn của chúng sanh, hiệu quả còn nhanh hơn, rõ ràng hơn so với kinh Phật, vì sao vậy? Tiêu chuẩn của thiện ác Phật nói với chúng ta đều phân tán trong rất nhiều kinh luận, bạn cần phải xem rất nhiều kinh luận thì bạn mới hiểu được. Những bộ sách này đã tập trung lại toàn bộ nghiệp nhân quả báo, bạn đọc bộ sách này tương đương với đọc vài trăm bộ sách. Đặc biệt là chú giải của Vựng Biên, toàn bộ tiêu chuẩn của thiện và ác trong tư tưởng “Nho Thích Đạo” ở Trung Quốc đều được tập hợp ở trong bộ sách này. Đây là bộ sách hay, đối với người hiện nay mà nói, chỉ tiếc là văn tự hơi thâm sâu, tuy đã cố gắng đơn giản hóa nó, làm cho dễ hiểu hơn nhưng rốt cuộc vẫn là văn ngôn văn. Cho nên lần này chúng ta có được duyên phần này, mọi người cùng nhau làm một cuộc nghiên cứu thảo luận. Những chú giải được nêu ra trong cuộc thảo luận nghiên cứu này vẫn là con số rất ít, nếu muốn giảng hết những chú giải này vậy thì phải cần thời gian rất dài. Thế nên chú giải rất nhiều nhưng chúng ta thường chỉ lấy một hoặc hai điều, giới thiệu cho mọi người những ý nghĩa trọng điểm nhất.

Khởi tâm động niệm của chúng ta thì chư Phật Bồ-tát và thiên địa thần minh đều nhìn thấy rất rõ ràng, rất minh bạch. Người có thể lừa gạt những chúng sanh ngu muội, nhưng không thể lừa được Phật Bồ-tát, không thể lừa gạt được thần minh. Nghiệp thiện nghiệp ác mà bạn đã tạo nhất định sẽ có quả báo tương ứng. Chú giải vừa mở đầu là: “Nêu ra chữ Tâm nhằm dạy mọi người mầm mống thiện ác, ngõ hầu mọi người sẽ biết cẩn thận từ chỗ khởi nguồn”. Đây chính là tu hành cần phải bắt đầu từ căn bản, chuyển ác thành thiện cần phải biết chuyển từ nguồn gốc. Căn gốc chính là khởi tâm động niệm, chuyển đổi từ chỗ này thì đây là người thượng thượng thừa. Người thuần thiện, nhất định được chư Phật, long thiên thiện thần bảo hộ. Người học Phật cũng biết phải đoạn ác tu thiện, thế nhưng khi cảnh giới hiện tiền thì không khống chế được, vẫn tạo ác nghiệp. Nguyên nhân này do đâu? Thứ nhất là đọc kinh quá ít, sức mạnh huân tập Phật pháp không kháng cự nổi tập khí phiền não, nhân tố là ở chỗ này. Cho nên giáo học căn bản của Phật là dạy chúng ta đọc tụng Đại Thừa, ngày ngày phải đọc kinh. Đọc kinh là thân cận Phật Bồ-tát, nghe giáo huấn của Phật Bồ-tát. Chúng ta hàng ngày đọc Cảm Ứng Thiên là thân cận đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian, điều này vượt qua giới hạn của tôn giáo. Chúng ta ngày nay tiếp xúc với chín tôn giáo lớn ở Singapore, chín tôn giáo lớn này đều khuyên người đoạn ác tu thiện. Cho nên chúng ta đọc Cảm Ứng Thiên, tin tưởng Cảm Ứng Thiên, dựa vào Cảm Ứng Thiên để sửa đổi lỗi lầm của chính mình thì có thể được Thần Thánh của chín tôn giáo lớn phù hộ cho bạn. Chúng ta vì sao không thực hiện được vậy? Lỗi lầm đương nhiên là có, vì là phàm phu, ngày ngày cần phải sám hối. Tôi bảo các đồng học, thời khóa buổi sớm đọc kinh nhắc nhở chính mình phải nhớ thật kỹ giáo huấn của Phật Bồ-tát, những việc nào nên làm trong ngày hôm nay, những việc nào không nên làm. Những việc nên làm và không nên làm ở tại khởi tâm động niệm, ý niệm nào có thể khởi, ý niệm nào không được khởi, lời nào có thể nói, lời nào không nên nói, những việc nào có thể làm, những việc nào không nên làm, cần phải hạ công phu ở những chỗ này, đó là chân thật tu. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư bảo chúng ta phải “thật làm”, nhất định phải nghiêm khắc với chính mình. Thời khóa tối là sám hối, phản tỉnh những khởi tâm động niệm, ngôn ngữ việc làm trong ngày hôm nay của chính mình có trái với lời giáo huấn của Thánh nhân hay không? Lương tâm của chính mình có bị mê mờ hay không? Nếu lừa gạt Phật Bồ-tát, lừa gạt chúng Thần, lừa gạt chúng sanh, làm những sự việc như vậy thì quả báo nhất định ở tam đồ, tiền đồ của chính mình thì chính mình biết, không cần phải đi hỏi người khác. Trước đây có người hỏi tôi là “Liệu con có bị đọa địa ngục hay không?”. Tôi nói bạn có đọa địa ngục hay không thì tôi không biết, bạn xem kinh Phật nhiều thì bạn liền biết được. Nếu là tội hủy báng Tam Bảo, phá hòa hợp tăng thì bạn nên đọc Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, bạn liền biết bạn có bị đọa địa ngục hay không? Không cần phải đi hỏi người khác, tự hỏi chính mình thì rõ ràng hơn hết. Trong chú giải trích dẫn Kinh Phật: “Tam giới vô biệt pháp, duy thị nhất tâm tác” (Trong ba cõi không có pháp nào khác, chỉ duy nhất do một tâm tạo thành). Trong Kinh Hoa Nghiêm, trong Kinh Đại Thừa, Phật thường nói: “Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, nhất thiết chúng sanh duy tâm sở hiện duy thức sở biến”, là do tự tánh chúng ta lưu lộ ra. Hiểu được đạo lý này thì hết thảy chúng sanh trong tận hư không pháp giới chính là bản thân mình, chúng ta phục vụ hết thảy chúng sanh chính là phục vụ cho chính mình. Nếu chỉ biết tự tư tự lợi mà quên mất chúng sanh thì đó là tự hại chính mình, vì tự tư tự lợi của cá nhân mình thì đây là cái gốc của lục đạo luân hồi. Vốn là không có những thứ này, vì sao lại biến hiện ra lục đạo luân hồi? Lục đạo luân hồi tôi đã nói rất nhiều lần rồi, là từ trong vọng tưởng phân biệt chấp trước mà biến hiện ra. Nếu chúng ta không có chấp trước thì luân hồi không còn nữa, không còn phân biệt thì thập pháp giới cũng không còn, tứ thánh pháp giới cũng không còn. Vọng tưởng không còn nữa thì nhất chân pháp giới, bốn mươi mốt địa vị pháp thân đại sĩ cũng không còn nữa, quả báo là Phật quả viên mãn rốt ráo. Cho nên lục đạo là do vọng tưởng phân biệt chấp trước mà biến hiện ra. Tứ thánh pháp giới bao gồm Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật trong thập pháp giới là do vọng tưởng phân biện biến hiện ra, các Ngài không có chấp trước. Bốn mươi mốt địa vị pháp thân đại sĩ trong nhất chân pháp giới là do vọng tưởng biến hiện ra, các Ngài không còn phân biệt không còn chấp trước, điều này Phật trong kinh đã nói cho chúng ta vô cùng rõ ràng, vô cùng minh bạch. Phật dạy mục tiêu cuối cùng cho chúng ta là dạy chúng ta chứng đắc được Phật quả cứu cánh, sự chứng đắc của Phật quả cứu cánh quan trọng nhất là ở chỗ “nhận thức”, chuyển đổi quan niệm trở lại, nhận thức điều gì là chân tướng sự thật. Nhận thức thật sự là hư không pháp giới hết thảy chúng sanh là chính mình. Bạn có nhận thức này thì tâm từ bi của bạn mới chân thật phát khởi, đại từ đại bi tôn trọng vô điều kiện đối với hết thảy chúng sanh, yêu thương bảo vệ vô điều kiện, giúp đỡ vô điều kiện, tự nhiên có thể xả mình vì người. Đại đạo lý nằm ở trong đây, phàm phu thì mê, mê ở chỗ nào vậy? Không hiểu được chân tướng sự thật, chấp trước nặng nề, tự tư tự lợi, điều này là hỏng rồi. Tự tư tự lợi, chấp trước đến mức độ nghiêm trọng thì nhất định là địa ngục, nếu có thể buông xả một chút thì được ra khỏi địa ngục, đi vào đường ngạ quỷ, đường súc sanh, chúng ta nhất định phải hiểu rõ lý và sự. Ở đây trích dẫn rất hay: “Lại nói, tùy theo duyên nhiễm hay tịnh mà tạo thành mười pháp giới”, điều này nói rõ thập pháp giới từ đâu mà có? Thập pháp giới là tùy theo duyên nhiễm hay tịnh mà tạo thành. Trong duyên nhiễm thì nhiễm là chấp trước, là kiến tư phiền não. Điều đầu tiên của kiến tư phiền não là “thân kiến”, chấp trước cái thân này là ta. Chúng ta nhất định phải xả bỏ, không bao giờ làm việc ngu ngốc này nữa.

/ 128