/ 128
409

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 126

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời mở đoạn thứ 120 của Cảm Ứng Thiên:

Hựu uổng sát nhân giả, thị dịch đao binh nhi tương sát dã.” (Lại còn những kẻ giết oan người khác, sẽ đổi lại bị giết trong chiến tranh).

Đoạn phía trước đã giảng về việc “cướp ngang tài vật của người khác”. Sự việc này thuộc về trộm cắp, trộm cắp nhất định phải mắc nợ, mắc nợ rồi đương nhiên phải trả nợ. Phật nói rất rõ cho chúng ta, những điều Phật nói đều là sự thật: nhân quả thông ba đời. Vì vậy nợ tiền thì phải trả tiền.

Đoạn này nói về sát sanh, sát sanh là nợ mạng, nợ mạng nhất định thì phải đền mạng. Từ đó có thể biết “giết” và “trộm” đích thực là tự hại chính mình, nhất định không chiếm được chút tiện nghi nào, một chút lợi ích nào ở điều này. Nếu như chúng ta hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì nhất định không làm những việc như vậy. Ngược lại, không trộm cắp thì được đại phú quý, không sát sanh thì được trường thọ. Bạn nghĩ xem phú quý, mạnh khỏe, sống lâu đều là những thứ mà con người mong cầu, vì sao lại tạo những ác nghiệp này làm tổn hại đến tài mệnh của chính mình, điều này ngu si đến cực điểm. Trong chú giải nói rất hay, tuy là nói không nhiều nhưng quả thật có thể nhắc nhở chúng ta phải xem trọng sự thật này.

Chú giải nói “thượng ngôn hoạnh thủ” nghĩa là phần trước nói về chuyện ngang ngược chiếm đoạt tài vật của người khác, “nhi dĩ uổng sát kế ngôn giả” thì kế đó nói về chuyện chết chóc oan uổng. “Chuyện giết chóc oan uổng thường là do khởi nguồn từ yêu mến tài sản, tiếc nuối tài sản mà ra”. Từ xưa đến nay trong và ngoài nước, chúng ta nghe được những sự việc như vậy quá nhiều rồi, nhìn thấy cũng rất nhiều. Đặc biệt là vào thời cận đại này, chúng ta hầu như ngày nào cũng đều nhìn thấy từ thông tin của báo chí, tạp chí.

So với câu nói của Mạnh Tử: có khác gì so với chính mình ra tay giết đâu, thì ngữ ý giống nhau, đều là lời trực tiếp, thẳng thắn nhất. Nói đại lược về nguyên do của chuyện giết chóc oan uổng thì có bảy điều”. Việc giết người oan uổng có bảy thí dụ. Con người, đây là trong kinh Phật nói, mạng có thân mạng, có huệ mạng. Giết người, thông thường chỉ biết là đoạn thân mạng của người khác, còn có một loại khác là chướng ngại huệ mạng của người khác, đoạn huệ mạng của người khác, tội lỗi đó còn nặng hơn so với tội giết thân người. Đạo lý và sự thật này quả thật nếu không phải đại Thánh đại Hiền thì không thể nói ra. Giết thân mạng người, thông thường theo thế tục thì có cách nói như thế này: sau bốn mươi chín ngày họ lại đi đầu thai. Nếu họ bị người khác giết oan, phước lộc của họ vẫn chưa hết thì họ lại đầu thai vào cõi người, hai mươi năm sau lại là một trang hảo hán. Điều này là nói hiện tượng luân hồi nhân quả tuần hoàn, đây là sự thật, họ sẽ đến báo thù. Bạn xem lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, hình như ở phía cuối quyển sách nhỏ Cốc Hưởng Tập có ghi một đoạn công án, một câu chuyện: Có một người, con người này cũng có thể nói là tương đối có thiện căn, người này có thể nhớ được sự việc của đời trước. Ông bị Quốc Dân Đảng giết chết nên căm hận Quốc Dân Đảng. Quốc Dân Đảng vì sao lại giết ông? Vì ông làm thổ phỉ, bị họ bắt rồi xử bắn. Sau khi chết, ông lại đầu thai, cũng không đến nỗi tệ, lại đến cõi người, vào Đảng Cộng Sản và đi giết Quốc Dân Đảng, oan oan tương báo, giết đi giết lại không bao giờ ngừng dứt. Bạn giết người khác, người khác lại giết bạn. Đây là số ít những người có thể nhớ được sự việc của đời quá khứ. Hãy đem nghiệp nhân quả báo nói ra, gặp được người hiểu rõ khai thị cho họ, nói rõ cho họ, bản thân họ cũng tự suy nghĩ là sự việc này làm không được như pháp, không được đúng đắn. Thánh Hiền nhân dạy chúng ta hành vi chính đáng chính là “Oan gia nên giải không nên kết”, hà tất phải kết oán với người. Tận lực hóa giải oan kết, mọi người đều chung sống hòa bình, cùng nhau giúp đỡ hợp tác, điều này tốt biết bao. Hà tất phải đòi nợ trả nợ, lại muốn oan oan tương báo hay sao? Ân oán hết đời này đến đời khác chính là nhân tố đầu tiên trong quả báo luân hồi. Nói tóm lại, những điều này đều sanh khởi từ tham sân si mà ra, cho nên Phật gọi “tham sân si” là tam độc phiền não. Ba cái độc này nếu không tiêu trừ thì không những luân hồi vô tận kiếp mà vĩnh viễn không thể rời khỏi ba đường ác. Trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói rất hay, chúng ta thường xuyên đọc tụng, cần phải ghi nhớ. Bồ-tát từ bi độ chúng sanh trong đường ác, chỉ cần bạn có một mảy may thiện căn thì Bồ-tát đều giúp đỡ bạn siêu sanh, bạn lại được thân người, [nhưng] không bao lâu lại trở về đường ác, bạn không thể từ cõi người siêu sanh lên trên, mà xoay một vòng từ cõi người lại trở về ba đường ác. Hiện tượng và nhân quả này, chúng ta nhìn thấy rất rõ, chỉ cần bạn bình lặng quan sát một chút thì ở ngay xung quanh chúng ta, ở ngay trước mắt chúng ta, chúng ta có thể không cảnh giác sao? Không cảnh giác là ngu si, vẫn tùy thuận theo phiền não, vẫn tùy thuận theo tập khí, điều này trong kinh gọi là “kẻ đáng thương xót”, gọi là “nhất xiển đề”. “Nhất xiển đề”, “kẻ đáng thương xót” không phải nói người khác, trong kinh Phật từng câu từng chữ đều là nói chính chúng ta, chúng ta phải nên cảnh giác, phải nên giác ngộ. Ở chỗ này, trong chú giải lấy bảy thí dụ cho chúng ta.

/ 128