THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 128
Các vị đồng học, xin chào mọi người!
Xin mời mở Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 124. Chúng ta xem trong đại khoa là đoạn thứ bảy, Thái Thượng “kết luận và động viên”, đây là đoạn tổng kết động viên của chúng ta, là đoạn lớn thứ bảy:
“Cố cát nhân, ngữ thiện, thị thiện, hành thiện, nhất nhật hữu tam thiện, tam niên thiên tất giáng chi phúc. Hung nhân, ngữ ác, thị ác, hành ác, nhất nhật hữu tam ác, tam niên thiên tất giáng chi họa. Hồ bất miễn nhi hành chi.” (Do vậy, người cát tường nói lời lành, xem điều lành, làm điều lành, mỗi ngày có ba điều lành thì ba năm trời ắt ban phước cho. Còn kẻ ác nói lời ác, xem điều ác, làm điều ác, mỗi ngày có ba điều ác, ba năm trời ắt sẽ giáng họa. Sao không cố gắng thi hành vậy thay?)
Đoạn phía trước là “sửa lỗi hướng thiện”, là một đoạn rất quan trọng. Trong chú giải nói rất nhiều, rất trọng yếu, cũng đã trích dẫn một số phương pháp sám tội trong Liễu Phàm Tứ Huấn và của cổ Đại Đức, rất đáng để chúng ta tham khảo, rất đáng để chúng ta học tập.
Hôm nay chúng ta học đến phần tổng kết, chữ “cố” có ý nghĩa là tổng kết toàn văn. “Cát nhân” là cát hung họa phước, cũng là người thiện mà chúng ta thường nói đến, gọi là người thiện vẫn còn chưa thỏa đáng, gọi là phước nhân, người rất có phước báo, như vậy chữ “cát” sẽ vô cùng xác đáng với chữ “phước báo”, người rất có phước báo. Người có phước nhất định hội đủ ba điều kiện, ba điều kiện này một là ngữ thiện, tức lời nói thiện, tiêu chuẩn của thiện chính là thập thiện nghiệp đạo mà Phật nói cho chúng ta. Chú giải ở đây cũng chú thích rất hay: “Ngữ thiện” là lời phi lễ chớ nói, thích nói điều tốt lành của người khác, khơi gợi thiện tâm của người. Ba câu này nói rất hay, nói cách khác, lời không nên nói thì nhất quyết không nói, lời phi lễ chớ nói. Thích xưng tán người khác, thích nói điều tốt lành của người khác, nhất định không đố kỵ, không che giấu, nói điều tốt lành của người khác, khơi gợi thiện tâm của người. Đó là có thể thường giáo huấn hết thảy chúng sanh, giúp đỡ hết thảy chúng sanh đoạn ác tu thiện, khuyên bảo hướng dẫn hết thảy chúng sanh hiểu rõ thế nào là thiện, thế nào là ác, điều này vô cùng quan trọng, đây là “ngữ thiện”. Thái Thượng ở đoạn trên một mực dạy bảo chúng ta tích công lũy đức, điều quan trọng nhất của tích công lũy đức chính là ngữ thiện. Thật ra rất nhiều người tâm địa cũng tốt, làm người cũng rất tốt, thế nhưng lời nói không cẩn thận nên tất cả công đức đều trôi mất đi từ lời nói, bạn nói xem đáng tiếc biết bao. Cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta “khéo giữ ba nghiệp”, đặt khẩu nghiệp ở vị trí đầu tiên, điều này không thể nói không có đạo lý. Bạn xem Thái Thượng cũng đặt “ngữ thiện” lên vị trí hàng đầu, không hẹn mà trùng ý với Kinh Vô Lượng Thọ. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”. Phía trước chúng tôi đã nói rồi, không những không thể nói mà nhất quyết không để điều ác của người khác vào trong tâm mình. Đặt điều ác của người khác vào trong tâm mình thì tâm của chúng ta bị ô nhiễm rồi, đây là việc làm rất oan uổng. Tâm của chúng ta vốn dĩ là thiện, cùng với chư Phật Như Lai không hai không khác, tâm của chúng ta hiện nay vì sao lại biến thành như thế này? Nhất định không thể trách người khác. Cái lỗi oán trời trách người rất lớn, trách là trách chính mình không tốt, vì sao lại mang những việc bất thiện của người khác để vào trong tâm của mình? Không có ai bắt bạn phải để vào trong tâm, khiến cho tâm thuần thiện của bạn trở nên bất thiện, tâm bất thiện thì lời nói làm sao có thể thiện được? Cho nên cái gốc chính là tại tâm. Đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian dạy chúng ta tu hành là “tu từ căn bản”, căn bản là gì ? Căn bản là tâm, tâm của người và tâm của Phật là đồng một tâm. Chúng ta trong kinh luận đọc thấy tâm của Phật là “không có một mảy may bất thiện xen tạp”, đây là tâm Phật. Còn tâm của phàm phu, thiện thì ít mà bất thiện thì nhiều, cho nên mới biến thành lục đạo, mới biến thành tam đồ, tam đồ lục đạo từ chỗ này mà có. Từ hôm nay chúng ta hiểu rõ đạo lý này thì cần phải nhanh chóng xả bỏ những điều bất thiện trong tâm của chính mình, loại bỏ đi những điều đó, buông xuống. Chúng ta cần phải giống như Phật dung nạp hết thảy thiện pháp trong hư không pháp giới thì người này liền thành Phật, chuyển phàm thành Thánh. Tiêu chuẩn của thiện và bất thiện, Phật đưa ra cho chúng ra mười điều là thập thiện nghiệp đạo. Sau khi chúng tôi cùng với chư vị học tập viên mãn Cảm Ứng Thiên thì chúng ta lại tiếp tục học tập Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh. Tiêu chuẩn mà Phật đặt ra cho chúng ta, tiêu chuẩn đó cũng có cái gốc. Nếu bạn không biết cái gốc đó thì cho dù tu thập thiện như thế nào đi nữa cũng chỉ là phước báo nhân thiên mà thôi, tu không viên mãn. Gốc vẫn là ý niệm, ý niệm của phàm phu là tự tư tự lợi, dùng tự tư tự lợi để đoạn thập ác tu thập thiện thì nhất định không viên mãn, cũng có được quả báo, quả báo là phước báo nhân thiên, điều này cần phải biết. Trong lịch sử Trung Quốc, người có phước báo lớn nhất ở trong mấy ngàn năm nay chính là hoàng đế Càn Long. Nói về phước báo trong lịch sử Trung Quốc không ai có thể vượt qua ông. Ông làm hoàng đế sáu mươi năm lại còn làm thái thượng hoàng bốn năm, quả thật đúng là “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải”. Trong lịch sử Trung Quốc không tìm thấy có người thứ hai như vậy, ông cũng được trường thọ, cho nên ông tự gọi mình là “thập toàn lão nhân”. Thật vậy, thập toàn là ngũ đại đồng đường, có người nào có được phước báo lớn như vậy chứ? Các vị cần phải hiểu phước báo này là chưa xả bỏ tự tư tự lợi, tu thập thiện nghiệp có thể hưởng được phước báo lớn như vậy, thế nhưng cần phải hiểu được là không thể ra khỏi tam giới, không thể thoát ly luân hồi thì sau khi bạn hưởng hết phước rồi, những tội nghiệp mà bạn đã tạo trong đời này, tội báo này vẫn sẽ hiện tiền, lục đạo luân hồi là như vậy mà ra. Sau khi học Phật, hiểu rõ đạo lý, chân tướng sự thật này thì chúng ta không còn tiếp tục làm cái việc ngu ngốc này nữa, đem ý niệm tự tư tự lợi chuyển đổi trở lại, hết thảy đều vì chánh pháp cửu trụ. Vì sao vậy? Là vì chỉ có chánh pháp mới có thể giác ngộ tâm của chúng sanh, có thể khiến cho hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh, công đức này không thể nghĩ bàn. Phật và đại Bồ-tát liệu có đi làm hoàng đế Càn Long không? Sẽ không, vì sao vậy? Đó là hưởng phước, không thể thành tựu công đức thù thắng, công đức thù thắng là gì? Chính là giáo hóa chúng sanh, vì vậy Phật Bồ-tát nhất định dùng thân phận lão sư để xuất hiện ở thế gian. Chúng ta tôn xưng Thích-ca Mâu-ni Phật là “Bổn Sư”, là vị thầy bổn sư của chúng ta, Ngài tuyệt đối sẽ không làm chính trị, cũng tuyệt đối không làm ngành công thương, sẽ không làm việc này, mà toàn tâm toàn lực cứu độ hết thảy chúng sanh khổ nạn.