413

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 125

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời mở Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 118, những đoạn tiếp theo là tổng kết của quả báo thiện và ác. Mời xem kinh văn:

Như thị đẳng tội, tư mệnh tùy kỳ khinh trọng, đoạt kỳ kỷ toán. Toán tận tắc tử. Tử hữu dư trái, ương cập tử tôn.” (Đối với các tội như thế, thần Tư Mệnh tùy theo tội nặng hay nhẹ mà trừ bớt tuổi thọ của người gây tội. Tuổi thọ đã hết, sẽ phải chết. Đã chết mà còn chưa hết nợ thì con cháu phải gánh tai ương)

Chúng ta chia nhỏ những câu này ra làm hai đoạn. Đoạn phía trước là chỉ rõ “tội báo”, hai câu phía sau là nói riêng biệt về “dư ương”. “Đối với các tội như thế”, đây là tổng kết của những đoạn kinh văn phía trên mà chúng tôi đã dùng rất nhiều thời gian để giảng nói. Đây là tạo ác, tạo tác rất nhiều ác nghiệp. Những điều trong Cảm Ứng Thiên đã nói hầu như đều là những tội nghiệp trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta bất tri bất giác tạo ra. Vì sao lại tạo tác như vậy? Ở phía trước chúng ta cũng đã nghiên cứu thảo luận qua. Tổng kết nguyên nhân không ngoài hai loại: Một là tập khí từ vô thủy kiếp đến nay, là tập khí xấu. Trong Bách Pháp Minh Môn Luận, đây là tài liệu thuộc về Phật học thường thức của Phật giáo chúng ta, bất luận là học tông phái nào thì đều phải học tập theo. Trong cuốn sách nhỏ này Phật nói với chúng ta: hết thảy chúng sanh trong tám thức gồm năm mươi mốt loại tâm sở hữu pháp, ác tâm sở hữu pháp có hai mươi sáu loại, thiện tâm sở hữu pháp có mười một loại. Bạn xem tỷ lệ này không chỉ vượt hơn một nửa, hơn nữa sức mạnh của thiện tâm sở pháp lại yếu ớt, còn sức mạnh của ác tâm sở pháp rất mạnh, điều này chúng ta thường gọi là thói quen xấu ác. Trong nhà Phật gọi là ác tâm sở gồm sáu loại căn bản phiền não và hai mươi loại tùy phiền não, bất tri bất giác chúng liền khởi hiện hành, cho nên con người dễ tạo ác là có đạo lý.

Từ trên ngoại duyên mà nói, đặc biệt là xã hội ngày nay, ác duyên thì nhiều, thiện duyên thì ít, sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới có thể nói là không có cái nào không khiến cho chúng ta tạo ác. Bên trong có tập khí phiền não nghiêm trọng, bên ngoài có sự cám dỗ lôi kéo của ác duyên thì họ làm sao mà không tạo tội nghiệp được chứ? Khi tạo tội nghiệp thì không biết, đến lúc quả báo hiện tiền thì kinh sợ, lúc này sợ hãi cũng không kịp nữa rồi. Cho nên chúng ta là những người hiếm có trong số ít người vô cùng may mắn có thể đọc được những lời giáo huấn này của Phật. Sau khi đọc rồi thì nên sanh khởi sự cảnh giác cao độ, biết được sự đáng sợ của sự việc này, hậu quả không thể lường được. Con người có thể có tâm kinh sợ thì tự nhiên họ sẽ không dám tạo nghiệp, nghĩ đến sự đáng sợ của quả báo thì không dám tạo tác nữa. Niệm niệm có tâm kính sợ mới có thể phòng ngừa việc tạo tội. Niệm niệm có thể nghĩ đến Phật Bồ-tát, Thánh Hiền nhân dạy bảo chúng ta phải chăm chỉ tu thập thiện nghiệp, chúng ta muốn mong cầu thiện quả thì nhất định phải đoạn ác tu thiện. Tâm ác, ý niệm ác, hành vi ác mà mong cầu thiện quả thì làm gì có đạo lý này. Sách Cảm Ứng Thiên này chúng ta sắp đọc hết rồi, đến đây là phần tổng kết, không phải là tổng kết trong sách mà chúng ta phải nghiêm chỉnh phản tỉnh, làm tổng kết từ trong khởi tâm động niệm và lời nói việc làm. Sau đó mới thật sự hiểu rõ là: không thể không tu thiện, không thể không đoạn ác, vậy thì cuộc đời này của chúng ta vẫn còn có thể cứu. Nếu tiếp tục mê hoặc điên đảo như trước đây, tùy thuận vọng tưởng phân biệt chấp trước của bản thân thì quả báo được nói ở phía trước nhất định không thể tránh khỏi.

Kinh văn nói “Đối với các tội như thế”, đây là tổng kết của cả đoạn lớn về sự “tạo ác” cũng là giáo huấn quan trọng nhất trong Cảm Ứng Thiên. “Thần Tư Mệnh tùy theo tội nặng hay nhẹ”, “Thần Tư Mệnh” là nói quỷ thần, người ngày nay không tin quỷ thần. Sự việc này không phải là nói không tin thì không có, tin thì có. Nếu vậy thì sự việc này giải quyết dễ dàng rồi, chúng ta không tin thì không có. Không tin nhưng vẫn có quỷ thần, họ thật sự tồn tại, Tư Mệnh quỷ thần có rất nhiều. Cõi dục giới có thiên thần, Đạo giáo gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, trong Phật pháp gọi là Đao Lợi Thiên chủ. Thông thường các tôn giáo khác gọi là Thượng Đế, là vị thần lớn hơn thần Tư Mệnh, còn có các vị thần kế tiếp, còn có rất nhiều thiên thần, có cả quỷ thần. Sáu căn của chúng ta tiếp xúc không đến được họ, thế nhưng họ nhìn thấy chúng ta rất rõ ràng. Cho nên có câu “Ngẩng đầu ba thước có thần minh”, câu nói này là thật không phải là giả. Gần với chúng ta nhất là thần Tam Thi, phía trước chúng tôi đã nói qua, giới thiệu qua rồi, trong kinh Phật nói với chúng ta có hai vị thần thường xuyên ở cùng với chúng ta, một giây một phút cũng không xa rời, một vị là “Đồng Sanh”, vị kia là “Đồng Danh”. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta họ đều nhìn thấy, họ đều ghi chép, đều làm báo cáo. Chúng ta làm việc thiện, tạo việc ác thì họ làm chứng. Nhất định không được cho rằng chúng ta khởi tâm động niệm không có người biết, cách nghĩ này sai rồi. Con người có vận mạng, cho nên khi xem tướng đoán mạng, người chân thật cao minh sẽ đoán rất đúng. Các vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, bạn xem Khổng tiên sinh đoán vận mạng cho Viên Liễu Phàm vô cùng chuẩn xác, không phải đối với một người mà đối với tất cả mọi người đều đoán được rất chuẩn xác. Điều này nói rõ con người có vận mạng, vận mạng từ đâu mà có vậy? Nên biết vận mạng là do trong đời quá khứ chúng ta đã tạo nên những thiện nghiệp và ác nghiệp. Nghiệp lực chi phối vận mạng, vận mạng không phải do quỷ thần chi phối, không phải do thần Tư Mệnh chi phối mà do chính mình chi phối. Bản thân mình có thể đoạn ác tu thiện thì vận mạng của bạn đương nhiên tốt. Nếu bạn không kiêng sợ mà tùy thuận theo tập khí phiền não của chính mình, không việc ác nào mà không làm, vậy thì vận mạng của bạn đương nhiên sẽ không tốt. Phật Bồ-tát không thể tăng hay giảm một mảy may nào cho chúng ta được, thần Tư Mệnh cũng không có quyền lực để tăng hay giảm, giống như nhân viên tư pháp, nhân viên chấp pháp của thế gian chúng ta không thể tùy tiện tăng thêm tội danh của một người, không được phép, cũng không được phép tùy thuận theo ý mình để thưởng hay phạt một người nào đó. Nhất định là khi họ có cống hiến, làm rất nhiều việc tốt đối với xã hội thì nhân viên chấp pháp chính phủ khen thưởng họ, nếu họ tạo tác ác nghiệp thì căn cứ vào ác nghiệp, hành vi việc làm của họ mà trừng phạt họ. Từ đây có thể biết, tuy họ là chủ quản chấp hành việc thưởng phạt nhưng họ không có quyền lực tùy tiện khen thưởng hay trừng phạt người thông thường mà nhất định phải dựa vào hành vi việc làm của người dân đó. Thần Tư Mệnh cũng là như vậy, cho nên “tùy theo tội nặng hay nhẹ”, tùy theo việc làm, tạo tác ác nghiệp nặng hay nhẹ của chúng ta “mà trừ bớt tuổi thọ của người gây tội”.