THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 121
Các vị đồng học, xin chào mọi người.
Hôm nay có hơn 30 vị đồng học đến từ Phúc Châu, hơn 50 vị đồng học đến từ Bắc Kinh, các vị đến từ Đài Loan và các khu vực khác cũng hơn 30 người. Tôi vô cùng cảm tạ mọi người. Tôi biết trong số các đồng học, đặc biệt là đồng học đến từ Trung Quốc phải tốn một khoảng thời gian đi lại rất dài, tốn nhiều chi phí. Thậm chí còn có đồng tu mang nữ trang của con gái đi bán lấy tiền làm lộ phí qua bên này tham học. Đây là sự việc thật sự cảm động. Đủ thấy là sự nhiệt tình của các vị đối với việc cầu pháp, có tâm chân thành. Dù đến ở Singapore trong thời gian rất ngắn, nhưng vẫn luôn hy vọng chuyến đi này thật sự không uổng phí. Việc tu học trong Phật pháp, trước tiên phải có nhận thức chính xác đối với nó thì chúng ta mới có thể đạt được lợi ích chân thật. Mọi người đều biết, Phật giáo là do Thích-ca Mâu-ni Phật sáng lập vào khoảng 3.000 năm trước. Người Ấn Độ gọi Ngài là Phật-đà. Phật-đà có nghĩa là gì, chúng ta phải làm cho rõ ràng. Ngày xưa thì gọi là Thánh nhân, người Ấn Độ gọi là Phật-đà, nên ý nghĩa của Phật-đà chính là Thánh nhân. Danh từ này phiên dịch ra là giác giả, nghĩa là người giác ngộ chân chánh, giác ngộ viên mãn. Ở Trung Quốc ý nghĩa của chữ “Thánh” là người thấu hiểu chân tướng của vũ trụ nhân sanh, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng. Cho nên mọi người hiểu được, Phật Bồ-tát không phải là thần tiên, Phật Bồ-tát là Thánh nhân là Hiền nhân. Người Trung Quốc gọi là Thánh Hiền, người Ấn Độ thì gọi là Phật, gọi là Bồ-tát, là cùng một ý nghĩa. Trung Quốc từ xưa đến nay tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền nhân. Phật giáo của Ấn Độ cổ xưa là giáo dục. Nếu dùng lời hiện nay mà nói thì đó là giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Chúng ta xem Khổng lão phu tử và Phật-đà thực sự không khác nhau. Phu tử cũng là nhà giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Bạn xem Ngài đã nói: “Hữu giáo vô loại”. Câu nói này giống như ngày nay chúng ta nói là: “Không phân quốc độ, không phân chủng tộc, không phân tôn giáo tín ngưỡng, bình đẳng như nhau”. Thế nhưng có chỗ khác nhau giữa Khổng Tử và Phật-đà. Là chỗ nào vậy? Phu tử dạy học là “chỉ nghe đến học, chưa nghe đi dạy”. Bạn đi đến nơi của Ngài cầu học, Ngày rất hoan hỉ. Bạn không đi tìm Ngài thì thôi chứ Ngài không đi tìm bạn. Phật thì không như vậy. Dù bạn không đi tìm Ngài, Ngài vẫn đến tìm bạn, gọi là “làm người khách không mời của hết thảy chúng sanh”. Không giống nhau là ở chỗ này. Thái độ giáo hóa đối với hết thảy chúng sanh của các Ngài là không như nhau. Nội dung dạy học thì có thể nói là nguyên lý nguyên tắc tương đồng, đều là từ hiếu đạo mà bắt đầu, vẫn là viên mãn ở hiếu đạo. Nhà Nho nói hiếu, nhà Phật cũng nói hiếu. Bạn xem Tịnh Nghiệp Tam Phước vừa mở đầu thì nói với chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Hiếu thân tôn sư là tông chỉ của giáo dục Phật-đà. Triệt để hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh là mục tiêu chung cực của Phật giáo. Đây là việc mà chúng ta phải làm cho rõ ràng trước tiên.
Trong 200 năm gần đây Phật giáo mới biến thành tôn giáo. Ngày trước thì không như vậy. Ngày trước là giáo dục xã hội. Hơn 200 năm, gần 300 năm khoảng thời gian này cũng không phải ngắn. Phật giáo đã biến chất rồi, biến thành Tôn giáo. Phật Bồ-tát bị biến thành thần tiên. Mọi người đi đến các chùa chiền, am đường đều chỉ biết cầu khấn thần linh phù hộ, xem Phật Bồ-tát là thần linh. Sai rồi! Thần linh có thể phù hộ cho bạn hay không? Đây là mê tín, xác thực là mê tín. Thế nhưng việc Phật Bồ-tát có thể phù hộ cho chúng ta thì không phải là mê tín. Phật Bồ-tát và thần linh phù hộ cho chúng ta khác biệt ở chỗ nào? Phật Bồ-tát dạy bạn biết tai nạn của bạn từ đâu mà đến. Tai nạn là từ việc bạn tạo tác hết thảy bất thiện nghiệp mà chiêu cảm đến. Bạn có thể quay đầu đoạn ác tu thiện thì tai nạn của bạn liền rời xa, phước báo của bạn liền hiện tiền. Là các Ngài dạy cho bạn biết, không phải các Ngài có đặc dị công năng gì để đến bảo hộ cho bạn, không có đạo lý này. Thần tiên nói là phù hộ cho bạn chứ không dạy bạn, vậy thì đó không phải là thật. Kỳ thật, khi chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều các tôn giáo khác, chúng tôi xem kinh điển của họ. Trong kinh điển của họ cũng là dạy người đoạn ác tu thiện. Bạn hãy xem kinh Co-ran, xem Kinh Tân Cựu Ước của Ki-tô giáo và Thiên Chúa giáo. Thần linh cũng dạy bạn phải hiếu kính cha mẹ, trong kinh điển của họ đều có. Dạy bạn tôn trọng trưởng bối, yêu thương anh chị em của bạn, yêu thương hàng xóm láng giềng của bạn. Đây là việc mà chúng tôi nhìn thấy trong kinh điển của các tôn giáo khác. Đối với hết thảy người phải từ bi, phải thí xả. Có thể thấy những vị thần linh trong các tôn giáo cũng là dạy người đoạn ác tu thiện. Nếu không xem trọng sự giáo huấn, không chăm chỉ y giáo phụng hành, cứ mê muội dùng tình chấp để cầu Phật Bồ-tát thần linh đến phù hộ thì sau cùng cũng chỉ là uổng công. Sau khi hụt hẫng thì oán hận Phật Bồ-tát không linh, thần tiên không linh, lại đi hủy báng, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Vì vậy chúng tôi ngày nay tiếp xúc với rất nhiều các tôn giáo, chúng tôi đã khuyên tất cả các tôn giáo nên xem trọng việc giáo học của tôn giáo, phải xem trọng giáo dục tôn giáo.