/ 128
539

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 120

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người.

Hôm nay các đồng học ở Bắc Kinh đã nêu ra 7 vấn đề. Chúng tôi xin sử dụng thời gian này để giải đáp.

Vấn đề thứ nhất: “Có một vị cư sĩ bị bệnh. Bác sĩ nói lành tính hay ác tính khả năng chỉ là một nửa, đây là việc vẫn chưa thể xác định được. Ông vì đến Singapore cho nên không nhập viện. Ông đã ở trước Bồ-tát phát nguyện là sẽ niệm Bạch Y Đại Sĩ thần chú, đồng thời sẽ in 1.200 quyển kinh này. Xin hỏi Sư phụ là ông nên làm như thế nào? Vì khi đó nhất thời không suy nghĩ kỹ nên đã phát nguyện. Hiện tại ông không biết là nên chuyên niệm Phật hiệu hay là y theo sự phát nguyện mà làm? Thỉnh Sư phụ chỉ điểm cho ông”. Việc con người sanh bệnh lúc trước trong lúc giảng giải chúng tôi đã nói qua nhiều lần rồi. Nguyên nhân của việc sanh bệnh quy nạp lại không ngoài ba điểm. Thứ nhất là việc ăn uống ngủ nghỉ của chúng ta không phù hợp. Người xưa đã nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Cho nên trong đạo dưỡng sinh thì đối với việc ăn uống ngủ nghỉ nhất định phải nên chú ý, có thể giảm thiểu những bệnh tật về sinh lý. Loại thứ hai là bệnh oan nghiệp, là do oan gia trái chủ tìm đến thân của chúng ta. Giống như các vị đã xem Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, Ngộ Đạt Quốc sư đã bị ghẻ mặt người, loại này thuộc về bệnh oan nghiệp. Bệnh oan nghiệp thì thuốc không cách nào chữa trị mà cần phải điều giải. Oan gia trái chủ rời khỏi bạn thì bệnh liền khỏi. Loại thứ ba là bệnh nghiệp chướng, chính mình trong đời quá khứ hoặc ngay trong đời này đã tạo ra nhiều nghiệp bất thiện, việc này rất phiền phức. Y dược không có tác dụng gì, điều giải cũng không ích gì. Loại bệnh này nhất định cần phải chân thành sám hối. Nếu chân thành sám hối thì đích thực có thể khiến bệnh khổ rời khỏi bạn. Những thí dụ này ở Singapore rất nhiều. Trong thực tế ở những khu vực khác trên thế giới chúng ta cũng thường nghe nói người mắc những bệnh như ung thư, họ có lòng tin chăm chỉ tu học, không để sự việc này trong tâm thì bệnh này tự nhiên sẽ khỏi. Các vị cũng nhìn thấy cư sĩ Lý Mộc Nguyên của Cư Sĩ Lâm, đây là một thí dụ hay nhất. Mười năm trước ông đã mắc bệnh ung thư, tế bào ung thư đã lan rộng ra tất cả các bộ phận trong nội tạng rồi. Bác sĩ nói ông chỉ còn sống được ba tháng mà thôi. Trong tình huống như vậy ông liền buông xuống vạn duyên, đến Cư Sĩ Lâm làm nghĩa công. Sống một ngày, niệm Phật một ngày, cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, không có tạp niệm thứ hai nào. Sau ba tháng thì không có chuyện gì nữa. Sáu tháng sau, sức khỏe vẫn rất tốt, đi kiểm tra thì phát hiện bệnh ung thư đã không còn nữa. Bác sĩ nói đây là kỳ tích. Các vị xem ông hiện nay đã sống được 10 năm rồi mà sức khỏe càng ngày càng khỏe hơn, siêu vượt hơn những người thông thường. Cho nên tôi cũng thường nói bạn có bệnh mà bác sĩ trị khỏi bệnh cho bạn, trên thực tế không phải là bác sĩ trị khỏi. Rất nhiều bác sĩ đều đồng ý với cách nói của tôi. Đó là lòng tin của bạn đã trị khỏi bệnh cho bạn. Bạn có lòng tin đối với bác sĩ, nói loại thuốc này rất có hiệu quả. Nếu bạn đối với bác sĩ này hoài nghi không tin tưởng thì dù bác sĩ giỏi đến đâu cũng không thể trị bệnh cho bạn được. Từ chỗ này chúng ta có thể hiểu, trong kinh Phật nói với chúng ta “cảnh tùy tâm chuyển”. Thân thể này của chúng ta là cảnh, là tùy tâm mà chuyển. Nếu tâm của bạn thường xuyên cảm thấy bản thân mình có bệnh thì người dù không bệnh cũng nhất định sẽ sanh bệnh. Vì sao vậy? Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh mà. Bạn ngày ngày nghĩ tưởng đến bệnh thì bệnh liền đến. Người ngày ngày niệm Phật, ngày ngày tưởng nhớ đến Phật thì làm sao sanh bệnh được chứ? Vì vậy bạn phát cái nguyện niệm Bạch Y Thần Chú cũng được, chỉ cần dùng tâm chân thành để niệm thì sẽ linh, thành tắc linh. Bạch Y Thần Chú từ xưa đến nay có rất nhiều người nói là giả, không phải là thật. Thế nhưng bất luận là thật hay giả chỉ cần bạn có lòng thành thì sẽ có cảm ứng. Vì vậy, niệm Quan Âm Bồ-tát cũng được, niệm A Di Đà Phật cũng được, phải có lòng tin kiên định, không nên để ý suy nghĩ về bệnh trong tâm nữa, như vậy thì được. Không nên nhớ nghĩ đến bệnh mà nhớ nghĩ đến Phật, nhớ nghĩ đến Bồ-tát, nhớ nghĩ chính mình phải chăm chỉ y chiếu theo lời giáo huấn của Phật Bồ-tát mà tu hành. Niệm Bạch Y Đại Sĩ, Bạch Y Đại Sĩ là Quan Thế Âm Bồ-tát. Chỉ niệm danh hiệu Ngài, niệm thần chú này của Ngài thì có hiệu quả hay không? Hiệu quả rất mỏng. Thế nào mới có hiệu quả? Phải noi theo đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của Quan Thế Âm Bồ-tát thì công đức này là vô lượng vô biên. Vì sao vậy? Vì bạn đã trở thành Quan Thế Âm Bồ-tát rồi, bạn không còn là phàm phu nữa, hiệu quả này mới thù thắng. Cho nên chúng ta học Phật thì phải học giống như Phật, phải học trở thành Phật. Việc này rất quan trọng. Không phải ngày ngày niệm Phật là được rồi, niệm suông không có ích gì, mà nhất định phải làm cho được. Ta niệm được ta phải làm được. Đây là chuyển phàm thành Thánh.

/ 128