466

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 117

 

Các vị đồng học! Xin chào mọi người.

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 109:

Khinh mạn tiên linh. Vi nghịch thượng mệnh.” (Khinh rẻ tổ tiên. Vi phạm mệnh lệnh của bề trên).

Trong câu này “tiên linh” là tổ tiên. Trong chú giải nói rất đơn giản mà rõ ràng, ngôn ngữ tuy đơn giản, nhưng ý nghĩa vô cùng sâu rộng. “‘Tiên linh” là hương linh tổ tiên. Phàm tẫn liệm vô lễ, cư tang không theo chế định của lễ nghi, chẳng nhanh chóng an táng, trai giới, cúng quải chẳng có lòng thành, chẳng siêng năng thăm viếng, quét dọn mộ phần, miếu thờ không ngăn nắp, hương đèn khi có khi không, đều là khinh mạn!”. Đây là nêu ra vài ví dụ. “Ôi! Nguồn nước, cội cây, há dám quên bẵng? Nếu kẻ nào phạm sai sót đối với chuyện này, tôi chẳng biết nên gọi hạng người đó là gì nữa?”. Câu sau cùng này vô cùng cảm thán. Những lời này chính là bản chất nòng cốt trong nền văn hóa Trung Hoa, là hạt nhân. Thế nhưng ở những nước Phương Tây thì lại xem rất nhẹ. Họ không có quan niệm này, cũng chính là nói họ không có quan niệm về hiếu đạo. “Hiếu - Đễ - Trung - Tín” trong quan niệm của họ là vô cùng mờ nhạt. Việc này hoàn toàn trái ngược với văn hóa Phương Đông.

Người Trung Quốc hiện đại dường như đã bị người Phương Tây đồng hóa rồi. Người Trung Quốc ngày xưa trong quan niệm của họ nhìn mọi người đều là người tốt, hết thảy mọi việc đều là việc tốt. Thế nhưng trong quan niệm của người ngoại quốc thì ngược lại 180 độ. Người ngoại quốc khởi tâm động niệm thì người khác đều là người xấu, không có việc gì là tốt, nên họ nhất định muốn bạn phải đưa ra rất nhiều chứng cứ chứng minh bạn là người tốt. Việc này thật sự khác với chúng ta. Quan niệm căn bản là việc tế tổ, yêu thương cha mẹ, kính nhớ tổ tiên. Người ngoại quốc đối với việc tế tổ của chúng ta thì hoài nghi không hiểu nổi. Họ thường hỏi “Tổ tiên đã mấy trăm năm, mấy ngàn năm rồi, bạn cũng chưa gặp mặt qua thì bạn tế họ để làm gì? Họ không biết bạn, bạn cũng không biết họ”. Cho nên họ cảm thấy rất ngạc nhiên. Nhưng chúng ta là người uống nước nhớ nguồn, chúng ta có nguồn, có cội. Nguồn cội này là từ tổ tiên xa xưa, cách đây mấy ngàn năm mấy vạn năm. Nguồn gốc của chúng ta là từ đâu mà ra? Chúng ta vô cùng xem trọng đối với việc này. Có nên xem trọng hay không? Phải nên. Vì sao nói là phải nên? Giống như một cây đại thụ, bản thân chúng ta giống như những chiếc lá trên cây, chúng ta phải tìm về gốc. Cái lá này từ đâu mà ra? Cái lá này sinh ra từ chồi lá, sinh từ chồi cây. Chồi cây là từ đâu mà ra? Là từ cành nhánh mà mọc ra. Vậy cành cây là từ đâu ra? Cành cây là từ thân cây mà ra, thân cây thì từ gốc mà ra, gốc thì từ rễ mà ra. Phải tìm về gốc rễ. Sau đó mới biết cả cây đại thụ là một. Người ngoại quốc không hiểu đạo lý này, cũng không hiểu các phương pháp này.

Trong kinh giáo Đại Thừa, Phật đã nói với chúng ta: Hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới cùng với chính mình là một thân. Cả cây đại thụ giống như pháp thân, bản thân chúng ta giống như một cái lá ở trên cây đại thụ này mà thôi. Cái lá này và cả cây đại thụ là một thể, không phải là hai thể. Chúng ta thì gọi là cây đại thụ còn trong nhà Phật thì gọi là “pháp thân”. “Thập phương tam thế Phật cộng đồng nhất pháp thân, nhất tâm nhất trí huệ”. Cho nên Phật mới đi tìm căn nguyên. Trong kinh thường nói: “Triệt pháp để nguyên” (thấu triệt nguồn pháp). Hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sinh, biết được giữa người với người, giữa người với hết thảy chúng sanh là mối quan hệ gì. Việc này các tôn giáo khác đều không nói rõ ràng đến như vậy, không nói minh bạch đến như vậy. Học thuật thế gian cũng không đạt đến. Cổ Thánh tiên Hiền của Trung Quốc cũng nói đến, tuy là nói đến chỗ gốc rễ nhưng không nói được rõ ràng. Đối với thân và cành thì có thể nói tương đối rõ ràng, nhưng đi sâu hơn thì lại rất mơ hồ. Phật pháp nói rất rõ ràng. Thánh Hiền chỉ nói đến chỗ yêu thương con người, còn Phật pháp thì nói đến chỗ hết thảy chúng sanh. Không phải chỉ một thế giới này của chúng ta, mà là tận hư không khắp pháp giới, vô lượng vô biên thế giới, hết thảy chúng sanh và chúng ta là cùng một căn, một bản. Căn là gì? Là “tâm” mà trong Phật pháp thường nói. Còn bản là gì? Bản là “thức” mà Phật pháp đã nói. Kinh Hoa Nghiêm nói hư không pháp giới hết thảy chúng sanh duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Tâm và thức là căn bản.