/ 128
674

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 118

 

Các vị đồng học! Xin chào mọi người.

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 110:

Tác vi vô ích. Hoài cáp ngoại tâm.” (Làm chuyện vô ích. Ngầm đổi lòng thay dạ).

Trong chú giải cũng nói rất hay: “Vạn sự trong thế gian, chớp mắt đã thành rỗng không”. Người có đầu óc trầm tĩnh một chút thì đều có thể thể hội được. Đặc biệt là chúng ta sống trong thời đại loạn thế, hồi tưởng suy nghĩ lại mấy mươi năm qua của chính mình, phiêu bạt bất định. Đây là thể hội việc “chớp mắt đã thành rỗng không” vô cùng vô cùng sâu sắc. Tôi trong mấy mươi năm qua vẫn còn nhớ được những sự việc ở quê hương khi còn nhỏ. Từ lúc 9 tuổi đã rời khỏi quê hương và không quay trở lại lần nào. Mỗi một nơi mà tôi ở, tôi cũng đã ở mấy mươi thành phố và khu vực. Sâu sắc mà thể hội việc đến thế gian này là để làm khách, là đến để du lịch. Trong Kinh Bát-nhã Phật đã nói: “Bất khả đắc”, “vô sở hữu”. Chúng tôi đã thể hội được rất sâu rất sâu. Phật đã nói với chúng ta duy chỉ có tích đức hành thiện, vì nhân dân mà phục vụ, giúp đỡ đại chúng giải quyết khốn khổ thì những việc này đời đời kiếp kiếp đều có thể mang theo. Cho nên cổ Thánh tiên Hiền dạy bảo chúng ta, những gì mang đi được phải nên làm nhiều một chút, thứ không mang đi được thì không nên làm. Tài sản không mang đi được, vợ con không mang theo được, những thứ vật chất mà bạn ưa thích về mặt thọ dụng cũng đều không mang đi được. Nếu cứ dụng tâm để làm những việc này thì sai rồi. Chúng ta hãy nhìn xem thế gian này, những người làm sai như vậy có bao nhiêu? Đâu đâu cũng là như vậy. Đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian đều dạy bảo chúng ta phải làm những việc mà có thể mang theo. Tích công lũy đức là từ đâu mà làm? Trong hết thảy kinh luận Phật dạy chúng ta phát Bồ-đề tâm. Thế nào là Bồ-đề tâm? Rất ít người có thể nói được rõ ràng, nói được minh bạch. Nhà Nho dạy học ở trong quá khứ là từ khi trẻ nhỏ được 7-8 tuổi thì phải đọc Tứ Thư. Cương mục mà trong sách Đại Học đã nói với chúng ta chính là Bồ-đề tâm mà Phật pháp đã nói.

Tổng vụ của Tịnh Tông Học Hội chúng ta là cư sĩ Lý Văn Phát gần đây sắp kết hôn. Tôi đã gửi tặng ông một món quà. Ông muốn tôi viết vài chữ tặng cho ông. Tôi đã viết 8 chữ để chúc phúc cho ông, khuyến khích ông, đặt kỳ vọng vào ông. Tám chữ này bốn chữ đầu là “Trị Bình Sơ Cơ” (nền tảng trước hết của việc bình trị). E rằng hiện nay những người hiểu được những chữ này rất ít. Nghĩa là “nền tảng trị quốc bình thiên hạ” là ở tại gia đình. Bốn chữ phía sau là “Đại Đạo Chi Thủy” (khởi nguồn của đạo lớn). Đại đạo là gì? Là đạo thành Phật, là đạo chuyển phàm thành Thánh, đây là bắt đầu. Hôn nhân là việc đại sự, gia đình là nền tảng của thế xuất thế pháp. Hiện tại chúng ta đọc đoạn này ở trong Cảm Ứng Thiên cũng toàn nói về gia đình. Cho nên Thánh Hiền thế xuất thế gian giáo hóa chúng sanh điều gì vậy? Dạy chúng ta làm người. Người chưa được tiếp nhận giáo dục của Thánh Hiền thì không biết làm người. Người không biết làm người thì sẽ tạo nghiệp. Quả báo của tạo nghiệp là ở trong ba đường ác. Năm xưa tôi ở Đài Trung cầu học, tôi thỉnh cầu Lý lão sư giảng Lễ Ký cho chúng tôi. Chúng tôi đã thỉnh mời dường như là đến 6-7 lần, Lý lão sư mới nhận lời. So với việc khải thỉnh Ngài giảng các kinh luận khác thì không như nhau. Những kinh luận khác vừa khải thỉnh thì lão sư liền nhận lời ngay. Ngài không muốn giảng nên sau đó đã nói với chúng tôi nguyên nhân là vì sao. Ngài nói: “Ta giảng cho con nghe thì con có chịu học không?”. Lễ Ký nếu ở trong Phật pháp mà nói là “hành kinh”, là bạn phải làm được, phải áp dụng thực tiễn. Giảng cho bạn mà bạn không thể thực tiễn, vậy thì thôi, chi bằng không giảng. Số lần chúng tôi khải thỉnh quá nhiều, lão sư đã miễn cưỡng nói với chúng tôi. Câu đầu tiên lão sư đã nói với mọi người: “Ta giảng Lễ Ký không phải là để cho các con hiểu lễ. Mục tiêu không phải là chỗ này. Mục tiêu ở đâu? Là hy vọng các con ở trong xã hội khi làm người không đến nỗi bị người ta ghét bỏ. Mục đích là ở chỗ này.”. Đây là đem mức độ của lễ hạ xuống mức thấp nhất. Bạn có thể hiểu được một chút lễ thì ở trong xã hội không đến nỗi bị người khác chán ghét, sẽ không bị người khác chán bỏ. Chúng tôi đã học được một chút cũng rất chăm chỉ nỗ lực đi làm. Ở trong xã hội đã làm được viên mãn chưa? Vẫn không viên mãn. Trong xã hội này người ghét chúng tôi vẫn còn rất nhiều, người hiểu lầm cũng còn rất nhiều, người hủy báng rất nhiều. Nguyên nhân do đâu? Chúng tôi quay đầu lại phản tỉnh chính mình, là tôi làm chưa đủ tốt. Vĩnh viễn là đang phản tỉnh. Chư Phật Như Lai, Khổng Phu Tử, Mạnh Phu Tử là đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian. Các Ngài đã làm đủ tốt chưa? Người hiện tại hủy báng Phật vẫn còn rất nhiều, người sỉ nhục Khổng lão phu tử chúng tôi cũng thường nghe thấy. Nghĩa là ngay đến Chư Phật Như Lai hay là người như Khổng Tử mà vẫn làm chưa đủ tốt, không thể khiến cho người trong cả thiên hạ đều tán thán. Thế nhưng nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà hướng thiện.

/ 128