/ 128
712

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 116


Kính thưa các vị đồng học, xin chào mọi người. Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 107:

Mỗi háo căng khoa. Thường hành đố kỵ” (Thường thích khoác lác, kiêu căng. Thường hay ganh tỵ). Trong chú giải dẫn dụng lời của cổ đức. “Lão Tử nói: “Chẳng tự cho là đúng mà sự thật đúng sai được phơi bày rõ rệt. Chẳng tự cho là mình đã bỏ công tốn sức mà tự nhiên là có công lao. Chẳng tự kiêu căng tự đại mà sẽ được kẻ khác xem trọng”. Kinh Dịch chép: “Đạo trời khiến cho những gì quá tràn đầy sẽ bị hao hụt, để bù đắp cho sự khiêm tốn. Đạo đất khiến cho những gì viên mãn sẽ được chuyển sang chỗ khiêm hạ. Quỷ thần phá hoại sự kiêu căng tràn đầy hòng tạo phước cho người khiêm tốn”. Do khiêm tốn mà được mọi người tôn kính, thanh danh, phẩm đức tỏa rạng. Người giữ phận nhún nhường, không ai có thể vượt hơn được! Bậc quân tử luôn giữ trọn phẩm đức khiêm tốn, nhún nhường. Đại Vũ chẳng kiêu căng, chẳng kể công, luôn nói “hàng ngu phu ngu phụ ai nấy đều có một điểm tài năng tốt đẹp hơn ta”. Vua đục đẽo Long Môn, dẹp trừ Y Khuyết, đất đai được sửa sang tề chỉnh, ứng hợp theo lẽ trời, công lao phủ trùm muôn đời. Châu Công chẳng kiêu căng, chẳng tiếc tài năng, nhọc lòng khiêm hư tiếp đãi bậc hiền sĩ, búa mẻ Đông chinh, rốt cuộc giữ yên nhà Châu”. Đây là trích dẫn những sự tích từ cổ thư và của người xưa để chứng minh. Phía sau là kết luận. “Vì thế nói: “Bậc đại Thánh đại Hiền chân chánh luôn dè dặt, kiêng sợ như vào vực sâu, như đi trên băng mỏng, dốc trọn hết tinh thần để thực hiện”.

Đoạn này cũng là lỗi lầm thường hay phạm phải ở trong cuộc sống thường ngày. Bản thân chúng ta có phạm phải hay không? Không thể không có. Chỉ là có sự khác biệt ở trên mức độ mà thôi. Nếu chân thật có thể tiêu trừ những thói hư tật xấu thì đức hạnh của chính mình liền có nền tảng. Nếu trong tâm vẫn còn có sự bất bình thì chúng ta phải biết ở trên đức hạnh đã không còn gốc rồi, không có gốc rễ. Nói cách khác, bất luận là cầu học hay tu đạo thì đều có một chướng ngại nghiêm trọng. Tóm lại mà nói là chúng ta phải khiêm hư cung kính. Từ trong khiêm kính mới có thể chân thật có thành tựu.

Phía sau còn một đoạn nói đến “đố kỵ”. “Đố kỵ thì nam lẫn nữ đều có”. Đây là thường tình của con người. “Nam nhân nhìn thấy người khác có công danh thì đố kỵ, nhìn thấy người khác giàu sang cũng đố kỵ. Địa vị mà gần với mình thì tâm đố kỵ cũng sinh ra. Sợ người khác chen lấn mình. Tài năng cao hơn mình cũng đố kỵ”. Trong chú giải cũng có tổng kết rằng: Đều là do tâm lượng quá nhỏ, đều là do lòng dạ nông cạn, hẹp hòi mà ra. Chúng ta ngày nay nói là tâm lượng quá nhỏ, không thể bao dung người khác. Đây đều là do việc học chưa có căn bản, học mà không được thọ dụng. Nếu chân thật học vấn có nền tảng và thọ dụng thì sẽ giống như lời Phật nói: Không những không đố kị, không ngạo mạn; khiêm hư mà còn có thể tu tùy hỷ công đức. Nhìn thấy người có tài năng cao hơn mình thì nhất định có thể nhường lại cho người tài, không có chuyện đi cạnh tranh. Anh làm tốt hơn tôi thì tôi phải nhường cho anh, chức quyền địa vị đều nhường cho anh. Vì sao vậy? Như vậy thì nhân dân mới được phước, xã hội mới được phước. Có thể vì chúng sanh mà suy nghĩ, vì xã hội mà suy nghĩ, vì nhân dân mà suy nghĩ thì bạn sẽ nhường. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Đây là đức lớn, là đại thành tựu. Vì sao vậy? Thành tựu của người khác chính là thành tựu của chính mình. Bản thân ta không bằng người, nếu chức quyền địa vị này không chịu nhường cho người khác là đang hại chúng sanh. Các vị hãy nghĩ đến nhân quả, nhân quả chính là đọa địa ngục. Ta có thể nhường cho người khác, người khác làm tốt hơn ta, có thành tựu hơn ta thì đây chính là thành tựu của ta. Trong nhà Phật. Ấn Tông và Lục Tổ chính là một tấm gương rất tốt. Ấn Tông ở phương Nam là một cao Tăng đại Đức đương thời. Đồ chúng tín ngưỡng Ngài không biết bao nhiêu mà kể. Sau khi gặp được Lục Tổ, Ngài thế độ cho Lục Tổ. Ấn Tông là thầy thế độ cho Lục Tổ. Ngài biết Đại sư Lục Tổ Huệ Năng có đức hạnh và sự tu trì cao hơn mình. Sau khi thế độ xong, Ngài ngược lại còn bái Lục Tổ làm thầy. Đem địa vị nhường lại cho Lục Tổ để Đại sư Huệ Năng có thể giáo hóa hết thảy chúng sanh ở Phương Nam. Các vị hãy nghĩ xem, thành tựu đó rốt cuộc là thành tựu của Huệ Năng hay là thành tựu của Ấn Tông? Thực tại mà nói, từ trên hình thức là thành tựu của Đại sư Huệ Năng, nhưng từ trên thực chất mà nhìn thì là thành tựu của Ấn Tông. Thành tựu của Ấn Tông quyết không thể thấp hơn của Huệ Năng. Đây là một đức lớn, người thông thường không thể làm được. Không phải là người có đức hạnh chân thật thì làm không được. Trong thế pháp thì chúng ta xem vào thời xưa có Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Thành tựu của Quản Trọng kỳ thực là thành tựu của Bào Thúc Nha. Đó là việc nhường thành tựu lại cho người Hiền, mà bản thân mình không phải tốn công sức, người khác làm thay mình, đây chân thật là thành tựu. Cho nên Phật dạy chúng ta tu “tùy hỷ công đức”. Tùy hỷ công đức chính là đối trị với những lỗi lầm ngạo mạn, đố kỵ. Trong xã hội hiện tại của chúng ta, bất luận là trong thế pháp hay Phật pháp, vẫn luôn khư khư giữ lấy chức vị của mình, đến chết cũng không nhường cho ai. Đây là lỗi lầm của tuyệt đại đa số.

/ 128