THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 115
Các vị đồng học! Xin chào mọi người.
Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 105:
“Cốt nhục phẫn tranh. Nam bất trung lương. Nữ bất nhu thuận.” (Ruột thịt giận dữ, tranh chấp. Trai không trung lương. Gái chẳng nhu thuận)
Ngày hôm qua chúng ta đã đọc qua câu này. Chúng ta nhìn thấy mười mấy chữ này rồi suy nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Vì sao lại có nhiều tai nạn đến như vậy? Nguyên nhân căn bản thì mười mấy chữ này đã nói rõ ràng minh bạch rồi. Nếu không thể chuyển đổi tâm hạnh của chúng ta thì khổ nạn nhất định là tăng chứ không giảm, nhất định không có ngày chuyển biến tốt. Có lẽ sẽ có đồng tu hỏi: “Tôi có thể sửa sai nhưng người khác thì không thể, vậy thì có tác dụng gì?”. Ý niệm này vẫn là chưa giác ngộ, cũng không phải là người thông minh. Mọi người đều tranh nhau đi về hai con đường là địa ngục và ngạ quỷ, mọi người đều đi như vậy thì tôi chỉ còn có cách đi theo thôi. Đây chẳng phải là người ngu si hay sao? Mọi người đều đi vào địa ngục, còn ta có thể giác ngộ, quay đầu lại đi về hướng Bồ-tát đạo, đây là may mắn biết bao. Thế nên chúng ta ngày nay, bất luận là người khác có thể sửa đổi hay không, chúng ta phải từ nơi chính mình mà bắt đầu sửa đổi. Bản thân chúng ta có thể sửa lỗi, sửa đổi triệt để thì chính là “tự độ độ tha” mà trong Phật pháp đã nói.
Chúng ta không nên cho rằng ta và người không có liên quan gì. Có quan hệ mật thiết rất lớn! Chúng ta ngày ngày niệm kệ hồi hướng “Nhược hữu kiến văn dã, tức phát Bồ-đề tâm” (Nếu có người thấy nghe, đều phát tâm Bồ-đề). Có “kiến” có “văn”, trong số những người như vậy cũng sẽ có 1-2 người sau khi nghe thấy rồi thì họ phát Bồ-đề tâm. Phát Bồ-đề tâm thì sẽ sửa lỗi đổi mới, sẽ tạo ra sự ảnh hưởng đối với xã hội. Đặc biệt là đối với những thiên địa quỷ thần mà mắt thịt của chúng ta không thể nhìn thấy, quỷ thần nhìn thấy được thì cũng tán thán. Ác thần nhìn thấy vẫn là tán thán, bạn thật hiếm có. Cho nên ngày nay sự việc cấp bách nhất chính là phân biệt rõ lẽ đúng sai, chấm dứt tranh luận. Đây là tùy bệnh cho thuốc đối với xã hội hiện nay của chúng ta.
Hôm nay cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã đưa cho tôi xem một quyển sách nhỏ tên là Sư Tử Hống. Trong đó có không ít bài văn, đều là những bài phê bình một cách nghiêm khắc đối với bản hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Quyển sách đó của họ tôi nghe nói đã được gửi đến rất nhiều tòa soạn báo và tạp chí, yêu cầu họ cho đăng tải. Tạp chí cũng đăng tải rồi và trách tôi đã tuyên dương bản hội tập này. Tôi tuyên dương bản hội tập này cũng có điểm tốt. Tôi tôn sư trọng đạo. Lão sư của tôi dạy tôi học quyển sách này, dạy tôi tuyên dương quyển sách này. Tôi có lòng tin đối với lão sư. Nếu tôi làm sai, đọa địa ngục thì điều thứ nhất đó là có thể làm tấm gương cho xã hội đại chúng, cả một đời không trái nghịch với lão sư. Hành nghi cả một đời của lão sư tôi đều nhìn thấy, tôi kính phục, tôi bội phục đến năm vóc sát đất. Hành nghi cả một đời của lão sư Ngài bất luận là đạo đức văn chương hoặc là sự tu trì, cho đến việc hoằng pháp hộ pháp thì rất nhiều người xuất gia đều không sánh bằng. Cho nên ngày nay dù người trong thiên hạ đều chỉ trích tôi thì tôi cũng không thay đổi. Nếu tôi thay đổi thì tôi chính là nghịch thầy phản đạo, tôi sai rồi. Các vị có thể phê bình, các vị có thể sỉ nhục hủy báng, tôi thì không thể. Bởi vì các vị không phải là học trò của Ngài, tôi là học trò của Ngài. Con thì không thể nói lỗi của cha. Học trò thì không thể nói lỗi của lão sư. Tôi có thể làm tấm gương tốt như vậy, tôi nghĩ cũng là đủ rồi. Cho dù đọa địa ngục tôi cũng hoan hỷ. Tôi hy vọng tất cả mọi người trên thế giới đều biết hiếu thân, đều biết tôn sư, diệt trừ sự phân tranh. Thế nên người khác đối với tôi như thế nào thì tôi cũng không đáp lại một câu. Người khác đánh tôi, tôi không đánh trả lại. Mắng tôi, tôi cũng không mắng lại. Tôi không có học vấn, không có trí huệ, không có đức hạnh, những điều mà lão sư dạy tôi, tôi cả đời phụng hành, tôi nhất định cả đời không trái nghịch.
Nhẫn nhường là điều quan trọng. Trong một sự việc, lý sự nhân quả sâu rộng vô bờ. Chúng ta có thể nhìn rõ ràng hay không? Phật ở trong kinh giáo vẫn luôn nói với chúng ta: Phật không có định pháp để nói. Phật thuyết pháp chỉ nắm lấy một nguyên tắc là trị bệnh của chúng sanh. Chúng sanh có tật bệnh gì thì sẽ dùng phương pháp đó để đối trị. Bệnh của chúng sanh mỗi thời đại đều không như nhau. Tổ sư Đại đức đời đời truyền thừa, các Ngài có trí huệ, các Ngài hiểu được hiện trạng trước mắt làm thế nào để y theo những nguyên lý nguyên tắc mà Phật-đà đã nói mà vận dụng linh hoạt, có phương pháp khéo léo. Đây gọi là phương tiện thiện xảo. Nếu không thì phương tiện thiện xảo phải giảng như thế nào đây? Thời đại triều Tống, việc cư sĩ Vương Long Thư hội tập chính là phương tiện thiện xảo. Vào thời đó số lượng các thư tịch được lưu thông rất ít. Vào triều Tống thì vẫn là dùng tay để chép lại, chưa có in ấn. Một người mà muốn trong một đời có thể đọc được hết năm loại bản dịch thì dường như là điều không thể. Ngài Vương Long Thư với thân phận, địa vị và tài phú như vậy mà cũng không cách nào thu thập được hết toàn bộ. Trong năm loại bản dịch gốc thì Ngài chỉ xem được bốn bản. Sự gian khó này có thể tưởng tượng mà biết được. Ngài là dùng tâm gì để hội tập thì chúng ta phải có thể thể hội được. Cư sĩ Long Thư đã đứng mà vãng sanh. Nếu Ngài có tội thì sao Ngài có thể vãng sanh được? Ngài làm sao có thể biết trước ngày giờ vãng sanh? Ngài làm sao có thể sinh tử tự tại được? Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi, sự tranh luận đối với bản hội tập vẫn còn vài năm. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư khi vãng sanh đã nói rằng sự tranh luận này đại khái có thể phải đến năm 2004, Ngài nói là đến cuối năm Thân thì tất cả yêu ma quỷ quái dần dần biến mất trên thế gian, chánh pháp cũng dần dần phục hưng trở lại. Thời đại này là pháp nhược ma cường. Đệ tử Phật rất đáng thương, phải chịu hết thảy sự sỉ nhục, lãnh nhận hết thảy tai nạn. Chỉ cần có lòng tin kiên cường không lay chuyển thì chúng ta có thể truyền lại ngọn lửa này. Bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ này thực tại mà nói chúng tôi vô cùng hoan hỉ. Ngày nay lưu thông nó trên toàn thế giới, chúng tôi đã thống kê sơ lược về số lượng thì đại khái cũng có khoảng 10 triệu quyển. Đây là lượng lưu thông trong 10 năm, 10 triệu quyển kinh đã được lưu thông trên toàn thế giới. Tôi nghĩ nếu ma có pháp lực thần thông lớn hơn đi nữa, muốn tiêu diệt những kinh này thì thật sự không phải là một việc dễ dàng. Huống hồ còn có Tam bảo gia trì, Long Thiên bảo hộ. Chúng tôi rất có lòng tin.