/ 128
638

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 114


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Tịnh Tông Học Hội Quán-Thế-Âm ở Đài Bắc đã nỗ lực tổ chức một lớp bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Cư sĩ Triệu Tông đã mời tôi có đôi lời nói với mọi người. Đến nay, có thể nói là gần một thế kỷ rồi, Đại đức trong Phật môn, bất luận là xuất gia hay tại gia đều kêu gọi nhanh chóng bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp. Từ đây có thể thấy, việc bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp là nhận thức chung của đại chúng. Người xưa nói rất hay, “Người có thể hoằng đạo, đạo không thể hoằng người”, sự hưng suy của Phật pháp mấu chốt là ở nhân tài. Chúng ta từ trên lịch sử mà nhìn, thời đại Tùy Đường, cao Tăng đại Đức xuất hiện lớp lớp. Cho nên Phật pháp đã có tình trạng vô cùng hưng vượng. Lại xem thế kỷ này của chúng ta, trong 100 năm qua Phật pháp đã suy vi. Đến ngày nay thì đã suy vi đến mức cùng cực rồi. Nguyên nhân của việc suy vi là ở đâu? Nhân tài hoằng pháp không có. Xin nói với các vị là: nhân tài hoằng pháp mà không có thì người tu hành chứng quả cũng không có. Đây là nhân tố nhất định. Vì sao lại nói người tu hành chứng quả không có vậy? Vì con người không rõ Phật pháp, không hiểu đạo lý, thậm chí là ý nghĩa của danh từ thuật ngữ cũng không thể hiểu. Thử hỏi họ tu như thế nào đây? Họ chứng như thế nào đây? Đại sư Thanh Lương giảng giải Kinh Hoa Nghiêm cho chúng ta đã đem toàn kinh phân ra thành bốn phần là: tín, giải, hành, chứng. Tín giải còn không thể thì làm sao có thể hành chứng chứ? Cho nên thế gian nhất định cần phải có người thầy tốt thì chúng sanh mới có khả năng hành chứng.

Tôi từ lúc học Phật cho đến nay cũng đã gần 50 năm rồi, không lúc nào không khuyên bảo mọi người trong tứ chúng đồng tu phải phát đại Bồ-đề tâm, phải học giảng kinh, phải học tu trì. Tuy đã tận tình khuyên bảo, thế nhưng người có thể chân thật tiếp nhận không nhiều. Lão sư Lý dạy học 38 năm ở Đài Trung cũng là ngày ngày kêu gọi, ngày ngày khuyên bảo. Người nghe thì nhiều, người nghe xong mà gật đầu cũng nhiều, nhưng trở về thật làm thì rất ít. Nguyên nhân là gì? Khi chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu thì hiểu ra được một chút. Thứ nhất là, thời gian huân tu đối với Phật pháp còn quá ít. Mỗi một tuần giảng kinh một lần. Một tuần giảng kinh 1-2 lần. Lúc trước ở Đài Trung, một lần giảng kinh chỉ có khoảng 45 phút. Một lần giảng một tiếng rưỡi là vì phải phiên dịch ra tiếng Đài Loan, Lý lão sư ở Đài Trung mỗi lần giảng kinh đều có phiên dịch. Các đồng học giảng kinh cũng có phiên dịch. Cho nên trên thực tế một giờ rưỡi mà đem chia ra làm hai thì chỉ còn 45 phút mà thôi. Một tuần lễ mà chỉ huân tập thời gian ngắn như vậy, còn sự huân tập của phiền não tập khí thì lại quá nhiều, chống đỡ không nổi. Cho nên chúng ta hãy xem ghi chép trong các sách xưa. Người xuất gia tại gia ngày trước tu hành 3 năm, 5 năm là có người khai ngộ, có người chứng quả. Vì sao hiện tại lại không có? Tỉ mỉ mà quan sát, ngày xưa mỗi ngày họ nghe kinh 8 giờ đồng hồ. Mỗi ngày tu trì 8 giờ đồng hồ. Sự huân tập tập trung đến như vậy thì chẳng trách là 3 năm 5 năm họ liền có thành tựu. Chúng ta ngày nay cứ xem như là Lý Bỉnh Nam lão cư sĩ đang dạy học ở Đài Trung thì cũng thật sự là “một ngày ấm áp, mười ngày lạnh giá”. Một tuần lễ mà lão sư và các đồng học giảng kinh cộng lại cũng chỉ được một giờ rưỡi đồng hồ. Sức mạnh này làm sao có thể thắng nổi phiền não tập khí? Làm sao có thể thắng nổi sự dụ hoặc của xã hội? Cho nên không thể thành tựu.

Chân thật muốn có một chút thành tựu thì chỉ có tự mình dụng công. Tự mình dụng công thì việc này nhất định có liên quan đến thiện căn phước đức trong đời quá khứ với nhân duyên của hiện tiền. Thiện căn phước đức trong quá khứ là gì? Ưa thích kinh giáo. Nếu bạn có tâm yêu thích hoan hỉ, việc này có thể thành công. Tôi ở dưới hội của Lý lão sư ở Đài Trung 10 năm, có thể có được một chút thành tựu chính là vì tôi yêu thích kinh giáo. Tôi mỗi một tuần nghe Lý lão sư giảng kinh 45 phút thì tôi phải dùng bao nhiêu thời gian để chuẩn bị vậy? Đại khái là phải dùng 20 đến 40 giờ đồng hồ. Tôi phải dùng thời gian nhiều như vậy để chuẩn bị, chuẩn bị để nghe giảng kinh. Ngài giảng Kinh Lăng Nghiêm, tôi vào lúc đó cũng rất chăm chỉ học tập. Tôi đã tìm được hơn 30 loại cổ chú của Kinh Lăng Nghiêm. Nếu tuần này, Lý lão sư giảng đoạn kinh nào thì tôi xem qua một lượt tất cả những ghi chú của người xưa đối với đoạn kinh đó, sau đó tôi lại nghe lão sư giảng, sau khi giảng xong tôi lại suy nghĩ xem ngài giảng có chỗ nào nói được hay. Tôi đã học tập như vậy. Cho nên thời gian của tôi không uổng phí. Nếu không có tâm nhiệt thành, yêu thích kinh giáo thì bạn sẽ giải đãi phóng dật, bạn sẽ không chịu chăm chỉ làm. Với tình trạng như vậy thì bạn làm sao có thể có thành tựu chứ? Tuổi trẻ thường ham chơi, cả đời của tôi chưa bao giờ tham dự những việc vui chơi giải trí. Trước khi tôi học Phật thì tôi thích đọc sách. Cho nên vào lúc đó, ngoài những lúc tôi đến văn phòng làm việc ra thì tôi thường đến những nơi nào vậy? Là nhà sách, thư viện. Những nơi khác thì không thể nào tìm thấy tôi. Cho nên tôi rất thân thuộc với nhà sách và thư viện. Ông chủ nhà sách rất quen mặt tôi, vì thường đến mà, rất tin tưởng tôi. Khi tôi mua sách mà quên mang tiền thì mua thiếu vẫn được, ông tin tưởng tôi. Khi tôi có tiền thì nhanh chóng đem trả ông. Ưa thích đọc sách, việc này trong Phật pháp gọi là thiện căn. Nhờ tập khí đọc sách trong quá khứ, nên dưới hội của lão sư tôi mới có được một chút thành tựu, không lãng phí thời gian. Đoạn kinh văn mà mỗi tuần lão sư giảng tôi đều tiêu hóa được hết, đều có được thọ dụng. Cho nên việc phúc giảng của tôi, cách chúng tôi học giảng kinh là phúc giảng, dường như lão sư giảng 45 phút thì tôi cũng có thể kéo dài hơn được một chút. Tôi có thể giảng được đoạn kinh đó một giờ đồng hồ. Chúng tôi đã học tập như vậy, nên mới có thể thành công. Phải phấn đấu, phải nỗ lực, phải vì toàn bộ Phật Pháp mà nghĩ, vì hết thảy chúng sanh mà nghĩ.

/ 128