/ 128
631

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 113


Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời xem đoạn 101 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Quyển sách này tổng cộng có một 124 đoạn. Chúng tôi hy vọng có thể giảng viên mãn sớm hơn một chút. Có rất nhiều câu hỏi, nên làm lỡ rất nhiều thời gian, do đó chúng tôi sẽ thu xếp trả lời những câu hỏi này vào một thời gian khác.

Đoạn này có bốn câu: “Đoản xích hiệp độ. Khinh xứng tiểu thăng. Dĩ ngụy tạp chân. Thái thủ gian lợi.” (Thước non, thước thiếu, cân nhẹ, thưng non. Đồ giả xen lẫn hàng thật. Dùng thủ đoạn để kiếm lợi gian trá).

Chú giải vừa mở đầu liền nói: “Bốn câu đều nói về chuyện của phường tiểu nhân tham lợi. Thước, đồ đo lường, thưng, cân vv… là những thứ dùng để lượng định giá trị của mọi vật, được mọi người đồng ý. Người đời có hai cách thức: Nhập vào thì gắng làm sao cho to, xuất ra thì gắng sức cho nhỏ; nhập vào thì chú trọng sao cho nặng, xuất ra thì cố ý giảm nhẹ. Lập tâm như vậy, chỉ mong chiếm tiện nghi cho chính mình nào có biết: Chiếm nửa phần tiện nghi, sẽ tổn một phần phước đức! Huống hồ ích ta, tổn người, ắt bị tai ương, bị thiêu đốt bởi lửa sét cõi trời. Tuy nhiên, chưa chắc đều là như thế, cũng có khi chủ nhân chẳng biết, mà chắc là do con em hoặc tôi tớ trông xem việc thâu vào, xuất ra đã ngấm ngầm làm như vậy, tội ấy rốt cuộc quay về chủ nhân, chớ nên không xem xét tường tận.”

Đoạn văn này đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch ý nghĩa của bốn câu trên rồi. Người thế gian, những sự việc như thế này ở trong xã hội ngày nay có quá nhiều, hầu như là nhiều không kể xiết. Còn như chuyện lấy giả làm thật thì thời xưa cũng có, thế nhưng rất ít. Hiện nay ngay đến thuốc men, muốn mua thuốc thật cũng không dễ dàng. Tôi còn nhớ có một năm tôi ở nước Mỹ, đến cửa hàng thuốc đông y mua hai viên thuốc thanh nhiệt giải độc. Sau khi về đến nhà mở ra xem thì một viên trong đó là giả. Bạn nói xem còn có cách nào không chứ? Khi tôi ở Hồng Kông, rất nhiều đồng tu Hồng Kông nói với tôi, mua hàng hóa ở Hồng Kông, nếu không phải là người trong nghề thì sẽ không mua được hàng thật. Phong khí xã hội đã đến mức độ thế này, khiến chúng ta nhớ đến lời quỷ thần đã từng nói: “Trên trời không an toàn, dưới đất cũng không thể ở”. Câu nói này rất có đạo lý. Quỷ thần đều tụ hội cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Điều này cũng giống với điều mà lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói với các học trò bên cạnh Ngài vào buổi chiều hôm trước khi vãng sanh một ngày: “Thế giới đã loạn rồi, chư Phật Bồ-tát, Thần Tiên có đến cũng không cứu được, con đường sống duy nhất là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”. Đây là lời nói của người chân thật có đức hạnh, có thành tựu, có tâm từ bi.

Ở đây có đoạn nói: “Nhân tâm thế đạo đã thay đổi rồi”. Hàng hóa trong thị trường gần đây thì hầu như hàng giả nhiều hơn hàng thật. Nhìn từ điều này thì đây cũng là nhân tâm thế đạo bị biến đổi rồi. Phàm những vật dụng như đồ ăn thức uống, thuốc men thì đều có hàng giả, hơn nữa số lượng hàng giả nhiều hơn hàng thật, kẻ buôn bán những thứ ấy là phường chôn vùi lương tâm, hại người không chi hơn nổi. Còn như kẻ sử dụng bạc giả, ngày nay là dùng tiền giả, làm giả những giấy tờ này thì tội ác càng sâu, trời sẽ tru diệt càng nhanh chóng hơn. “Trời tru” là ý nghĩa gì vậy? Chính là người nước ngoài nói đến ngày tận thế. Cho nên phàm chúng ta làm việc gì thì đều phải suy nghĩ có xứng đáng với trời đất, với lương tâm hay không? Câu nói này quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Chúng ta khởi một ý niệm thì ý niệm này có nên có hay không? Có thể xứng đáng với trời đất và lương tâm hay không? Có thể xứng đáng với vô vàn chúng sanh hay không? Nếu bản thân chúng ta giác ngộ được điều này là bất thiện, vậy thì lập tức chặn đứng nó lại, nhất định không tái phạm nữa. Đoạn cuối có một bài thơ của người xưa là:

Càng thêm gian xảo, càng nghèo khó,

Trời vốn chẳng dung kẻ dối gian,

Nếu nhờ gian xảo mà giàu có,

Thế gian kẻ ngốc đói bò càng

Đây là một bài thơ của người xưa, chúng ta xem bài thơ này, lời bài thơ nói có ứng nghiệm hay không? Hình như người ngày nay càng gian, càng xảo thì họ càng giàu có. Cho nên người tin nhân quả ít đi. Họ cho những câu chuyện nhân quả không có bằng chứng, nhìn thấy trên thế gian có nhiều người tích đức tu thiện nhưng lại rơi vào hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ, người làm điều phi pháp hình như là dương dương tự đắc. Ngày nay đây là hiện tượng phổ biến trong xã hội của Trung Quốc và nước ngoài. Sự việc này chỉ có Phật mới nói rõ ràng. Vì sao lại có hiện tượng này? Phật đã nói: Những người làm điều phi pháp mà giàu sang là do đời trước họ tu đại phước báo. Tuy rằng ngày nay họ càng gian xảo thì càng bị tổn phước, nhưng sau khi tổn phước thì họ vẫn còn dư phước, họ vẫn còn một chút phước, họ hưởng dư phước của họ. Nhất định không phải là làm điều phi pháp thì có thể được phước báo, không có đạo lý này. Người tích đức tu thiện hiện nay vẫn rất nghèo khổ là do đời trước không tu phước. Nếu họ không tu phước thì cuộc sống của họ so với hiện tại sẽ còn khó khăn hơn. Chúng ta nghĩ xem, những lời Phật nói là có đạo lý. Nếu những người đời trước tu phú quý, họ không làm điều phi pháp, an phận thủ thường thì phước báo của họ lớn, phước báo của họ hưởng không hết. Sau khi thọ mạng của cuộc đời này kết thúc, phước báo của họ chưa hưởng hết thì đời sau vẫn có đại phước báo. Mặc dù đời sau không tu phước nhưng chỉ hưởng phước thôi cũng không hưởng hết. Nếu trong đời này họ có thể tiếp tục tu phước thì đời đời kiếp kiếp phước báo là không cùng tận. Tiếc là người thế gian ngày nay không đọc kinh Phật, không những không đọc kinh Phật mà sách Thánh Hiền cũng đều không đọc. Không chỉ là không đọc sách Thánh Hiền mà còn không chịu nghe lời nói tốt lành. Khi nghe thấy lời nói của người khuyến thiện, họ lập tức lảng tránh, liền đi ra chỗ xa. Nếu dạy họ làm điều phi pháp, họ sẽ vui mừng tiếp nhận, thân cận người xấu mà xa rời thiện tri thức. Cho nên chúng ta biết phước báo của họ sẽ hưởng không lâu, đúng như người xưa thường nói là “ngắn ngủi như chớp mắt”. Nếu phước báo lớn thì có thể hưởng cả đời, phước báo nếu không đủ lớn thì sẽ suy khi đến tuổi trung niên và tuổi già. Điều này chúng ta ngày nay cũng nhìn thấy rất nhiều trong xã hội. Bốn mươi, năm mươi tuổi đã suy bại rồi, công ty phá sản, nợ nần chồng chất, chạy trốn khắp nơi, đây là điều gì ? Là do phước báo đời quá khứ không dầy, nên khi làm điều phi pháp thì phước báo sẽ hết rất nhanh. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều người làm điều phi pháp, đến cuối đời, bảy mươi, tám mươi tuổi mà phước báo vẫn rất lớn, đó là do trong đời quá khứ họ tích lũy phước báo rất sâu dày. Tuy rằng họ làm nhiều việc ác, tổn phước, nhưng vẫn không bị tổn hết, nền tảng của họ quá dày. Hiểu rõ đạo lý này thì chúng ta liền biết được chính mình cần phải làm thế nào, nên phải tu học thế nào, nên phải dạy người ra sao.

/ 128