/ 128
735

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 112


Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Trên bàn có một số câu hỏi của các đồng học, chúng tôi trả lời đơn giản như sau:

Câu hỏi đầu tiên, đồng học hỏi là: “Lìa bốn tướng, siêu vượt lục đạo, phá bốn kiến, nhập nhất chân pháp giới, chúng ta dùng phương pháp niệm Phật nhập nhất chân pháp giới thì còn phải niệm Phật nữa không? Nếu vẫn niệm Phật thì có gọi là chấp trước không? Nếu có chấp trước thì không phải là nhất chân pháp giới, nếu không chấp trước thì niệm Phật có phải là vô tưởng định, đoạn diệt hay không?”. Tôi nghĩ nhiều người cũng có vấn đề này, không chỉ là một người. “Lìa bốn tướng, siêu vượt lục đạo, phá bốn kiến, nhập nhất chân pháp giới”, trong điều này có sự khác biệt của công phu sâu hay cạn. Công phu cạn mà phá bốn tướng, nhưng vẫn chưa thoát khỏi lục đạo, làm thế nào có thể biết điều đó? Chúng ta căn cứ vào Kim Cang Kinh Giảng Nghĩa của cư sĩ Giang Vị Nông, quả vị Tu-đà-hoàn đã phá bốn tướng nhưng vẫn chưa xuất tam giới, họ vẫn phải sanh lên cõi trời rồi sinh xuống nhân gian bảy lần mới có thể ra khỏi lục đạo. Có thể thấy phá bốn tướng có trình độ công phu sâu hay cạn không như nhau, phá bốn kiến đương nhiên cũng như vậy. Trong tứ Thánh pháp giới chính là phá bốn kiến, bốn kiến mà phá được sâu thì nhập nhất chân pháp giới, nếu chỉ phá được cạn thì vẫn là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật, điều này chúng ta nhất định phải hiểu. Nhập nhất chân pháp giới có cần phải niệm Phật không? Bạn đi hỏi Phổ Hiền Bồ-tát, hỏi Văn Thù Bồ-tát, Văn Thù Bồ-tát và Phổ Hiền Bồ-tát đều niệm A Di Đà Phật. Bạn không niệm A Di Đà Phật đương nhiên cũng có thể được. Nói cách khác nhập nhất chân pháp giới vẫn phải cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Điều này từ trước đến nay khi tôi giảng kinh đã nói rất nhiều lần rồi. Bản thân tôi hướng tâm về Tịnh Độ chính là khi đọc Kinh Hoa Nghiêm, cái tâm này mới phát khởi ra được, mới hiểu rõ. Văn Thù Bồ-tát và Phổ Hiền Bồ-tát là đẳng giác Bồ-tát của thế giới Hoa Tạng, vì sao các Ngài lại muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc? Các Ngài vãng sanh thế giới Cực Lạc là thật, không phải biểu diễn. Chúng ta đọc trong kinh Phật, trong thế giới Hoa Tạng, từ sơ trụ Bồ-tát muốn tu đến viên mãn thành Phật cần phải trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Ba đại A-tăng-kỳ kiếp là bắt đầu tính từ Viên giáo sơ trụ, thời gian trước khi chưa chứng đắc Viên giáo sơ trụ thì không được tính, phải cần thời gian dài đến như vậy. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thành tựu rất nhanh. Hay nói cách khác là rút ngắn thời gian thành tựu của bạn lại rất nhiều, cho nên Văn Thù Bồ-tát và Phổ Hiền Bồ-tát đều muốn vãng sanh, không những muốn vãng sanh mà còn khuyên bảo tất cả bốn mươi mốt địa vị pháp thân đại sĩ cầu sanh Tịnh Độ, đến bên đó thành tựu nhanh chóng, “hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Niệm Phật có gọi là chấp trước không? Việc này còn tùy bản thân bạn, chấp trước có thể niệm Phật, không chấp trước cũng có thể niệm Phật. Trong kinh thường nói: “Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, đó là không có chấp trước, không có chấp trước vậy có niệm hay không? Vẫn là niệm, Phật hiệu chưa từng ngưng nghỉ. Nếu bạn có thể không niệm, không niệm mà tâm của bạn là thanh tịnh, bạn nói xem bạn liệu có thể biến thành vô tưởng định, đoạn diệt không hay không? Đó là khi bạn không niệm Phật, tâm của bạn là vô minh. Đó chính là vô tưởng định, đoạn diệt không. Nếu trong tâm của bạn là trí huệ, đối với thế xuất thế gian, quá khứ hiện tại tương lai, hết thảy đều thông đạt minh liễu thì bạn sanh trí huệ, bạn không phải là đoạn diệt định, bạn không phải là ác thủ không (ác thủ không chỉ người theo Không Kiến ngoại đạo, chối bỏ luật nhân quả, phủ nhận lý nhân quả, cho rằng cái này cái kia đều là không). Vì vậy cần phải phân biệt giữa minh và vô minh. Nếu chúng ta là vô minh mà bạn không niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì làm thế nào đây? Cảnh giới quá cao, phàm phu chúng ta không làm được. Nếu bạn thật sự nhập vào cảnh giới này, không cần nói là công phu sâu, chỉ là công phu rất cạn thôi, nếu bạn có thể phá một chút tứ tướng tứ kiến thì hôm nay vừa mở kinh Phật ra bạn đều có thể thông đạt, bạn nhất định không có chướng ngại. Khi vừa mở quyển Kinh ra mà bạn vẫn chưa hiểu, vẫn không nói ra được thì bạn vẫn chưa phá được mảy may tứ tướng tứ kiến nào cả. Bạn không niệm Phật cầu đới nghiệp vãng sanh thì bạn có hy vọng gì chứ? Nhất định tạo lục đạo luân hồi, điều này chúng ta nhất định phải hiểu được, so sánh lợi hại được mất thì khác biệt quá lớn. Người thế nào mới thật sự có phước vậy? Là người tự biết chính mình thì người đó là người có phước. Chúng ta ngày nay không cần phải so sánh với các cao nhân thời xưa, so sánh với người cận đại thì cũng không phải là cao lắm rồi, so sánh với người trung thượng căn, chúng ta đều thua kém họ. Bạn thử xem đầu năm Dân Quốc cư sĩ tại gia Dương Nhân Sơn, Đinh Phúc Bảo, chúng ta xem trong truyện ký, các Ngài thật sự là đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường, học nhiều nghe nhiều, chúng ta làm sao mà so sánh với các Ngài được chứ. Chúng ta ngày nay đọc được bao nhiêu sách? Chúng ta có thể biết được bao nhiêu sự việc, khi vừa so sánh liền biết bản thân vẫn chưa được, biết chính mình còn kém quá xa. Những học giả đầu năm Dân Quốc này thế xuất thế pháp đều thông đạt, không chỉ thông đạt kiến thức về Trung Quốc mà kiến thức của nước ngoài họ cũng đều thông đạt. Họ đi du lịch nước ngoài, đi châu Âu, đi Nhật Bản, chúng ta ngày nay xem thường họ, không thèm để ý đến họ, tự cho mình là đúng, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp mà chính mình không hay biết. Tùy thuận tập khí phiền não, thực sự là do cái tâm mưu lợi đang hoành hành tác quái.

/ 128