/ 128
535

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 111


Đây là câu hỏi của cư sĩ Trương Lệ Lữ ở Hawaii, xem tên thì có lẽ là một nữ cư sĩ, bà có một vấn đề, vấn đề này cũng là vấn đề chung trong xã hội hiện nay của chúng ta. Tôi xin đọc qua, bà nói: “Con đối với việc nghi ngờ hiểu lầm, đấu đá lẫn nhau của người thế gian mà cảm thấy nản lòng và mệt mỏi, có lúc cảm thấy đau lòng mà rơi nước mắt, con thiết nghĩ bản thân mình không lanh lợi, trong lúc nói chuyện thường khiến người khác hiểu lầm, hơn nữa lại không biết dùng cách khéo léo để giải thích, con rất muốn buông bỏ cuộc sống này. Vì sao con lại có cảm giác như vậy? Con phải nên làm thế nào đây?”. Chúng tôi đọc xong câu này thì lập tức nghĩ đến đây là vấn đề chung của xã hội. Bà không biết cách nói chuyện, trong lúc nói chuyện thường đắc tội với người khác. Những sự việc như vậy rất nhiều, hiện nay trong xã hội có mấy người biết nói chuyện chứ? Vì sao lại không biết nói chuyện? Vì bạn đã học nói chuyện qua lần nào đâu. Việc nói năng cũng cần phải học. Hiện nay đâu có ai học qua. Họ đương nhiên không biết cách nói chuyện rồi. Ngôn ngữ, âm thanh, cách diễn đạt không thỏa đáng, thái độ không thỏa đáng, dẫn đến việc người khác hiểu lầm, sự việc này quá nhiều rồi. Cho nên bất luận là trong phương diện cuộc sống, phương diện công việc, phương diện xử sự, nơi nơi đều gặp phải chướng ngại, chướng ngại là từ chỗ này mà ra. Nếu bạn muốn truy tìm nguyên nhân thì do họ chưa được nhận qua giáo dục. Xã hội ngày xưa rất tường hòa, giữa con người với nhau rất tương thân tương ái, chung sống hòa thuận. Vì sao ngày xưa lại có tình trạng như vậy? Người xưa đã dạy, các vị hãy suy nghĩ xem Khổng phu tử dạy học, Ngài dạy học có bốn khoa mục, khoa mục thứ nhất là đức hạnh, khoa mục thứ hai là ngôn ngữ, là dạy bạn cách ăn nói. Việc này người xưa có dạy. Việc dạy học của nhà Nho, từ thời Hán Võ Đế đã chế định ra chính sách giáo dục của quốc gia, tuân theo sự chỉ đạo của học thuyết Khổng Mạnh, mãi cho đến đời nhà Thanh, hơn hai ngàn năm cha mẹ dạy con cái, bậc tôn trưởng dạy hậu bối, thầy dạy học trò. Mỗi một người trưởng thành đều có sứ mạng dạy bảo người đời sau, từng lời nói hành động của bản thân đều phải làm tấm gương tốt cho người đời sau, lo sợ có điều bất thiện ảnh hưởng đến đời sau. Người xưa có cái tâm như vậy, có hành trì như vậy, dành sự yêu thương và niềm kỳ vọng sâu sắc cho đời sau. Những lãnh đạo của chính phủ, những vị lãnh đạo địa phương ngày xưa, các vị xem cái mão mà họ đội trên đầu giống như bậc thang vậy. Phần ở phía trước thì thấp, phần ở phía sau thì cao, cái mão này gọi là “Tiến Hiền Quan”. Ý nghĩa là gì? Phía trước là đời của chúng ta, phía sau là nói đời sau, hy vọng đời sau cao hơn đời này của chúng ta, để bạn đội cái mão này là bạn luôn nhớ đến việc phải chăm lo cho đời sau, phải vun bồi cho thế hệ mai sau, phải yêu thương đời sau, làm tấm gương tốt cho đời sau. Hoàng đế là lãnh tụ cao nhất thì không đội loại mão này, trên mão của vua là bằng phẳng, vì sao vậy? Nghĩa là người lãnh tụ tối cao phải dùng tâm bình đẳng để đối đãi với hết thảy đại chúng, không thể có cao thấp. Cái mão của người lãnh tụ thì ở phía trước có những chuỗi ngọc, chuỗi ngọc đó giống như cái rèm cửa, địa vị càng cao thì chuỗi ngọc càng nhiều, hoàng đế thì có mười hai sợi, quan đại phu là năm sợi, ý nghĩa là gì? Người ở địa vị cao nhất khi xem sự tình không nên xem quá rõ ràng, vì xem quá rõ ràng thì người bên dưới không thể nào làm việc, chỉ cần không có sai sót gì lớn là được rồi. Các chuỗi ngọc đó bạn hãy chú ý mà xem, ở hai bên còn có hai nút để bịt lỗ tai, hai quả cầu bằng bông là để bịt lỗ tai, nghĩa là cũng không nên nghe mọi việc quá rõ ràng. Vì vậy cách thiết kế y mão của người xưa chính là một trí huệ cao độ, là nghệ thuật cao độ, là dạy cho bạn cách khoanh tay mà trị nước. Các cấp cán bộ dưới quyền của bạn đều đã xử lý mọi việc tốt đến như vậy rồi, bạn chỉ cần gật gật đầu là được, đó là giáo học. Ngày nay, thế giới động loạn đến như vậy, là vì giáo dục không còn nữa, toàn thế giới đều không còn nữa, thật là bi ai. Chúng ta vô cùng may mắn gặp được Phật pháp, tiếp nhận giáo dục của Phật-đà, nội dung của nền giáo dục Phật-đà còn phong phú hơn, tường tận hơn nhiều so với giáo dục của Nho gia. Thế nhưng hiện tại người học Phật cũng không nhiều, vậy thì cũng hết cách rồi, bạn đã đem những gì bạn học hoàn toàn tách rời khỏi công việc và đời sống của chính bạn. Vậy thì Phật học đã biến thành thứ vô dụng rồi. Hơn nữa cũng không biết nền giáo học của Phật mỗi câu mỗi chữ đều có thể áp dụng thực tiễn vào trong đời sống của chúng ta, hoàn toàn có thể dung hợp thành một thể với đời sống, không ai biết được điều này. Giữa tôn giáo với tôn giáo hình tượng không như nhau nhưng đạo lý chỉ là một, hiện tại cũng không có người hiểu được.

/ 128