/ 128
638

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 107


Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 94:

Tham mạo ư tài, khi võng kỳ thượng. Tạo tác ác ngữ, sàm hủy bình nhân.” (Tham lam, xằng bậy đoạt tiền của, lừa dối bề trên. Nói lời ác độc, gièm chê, hủy báng người lành).

Bốn câu này, trong lần giảng trước chúng tôi đã giới thiệu qua hai câu đầu. Hôm nay chúng ta sẽ xem tiếp hai câu sau. Hai câu phía sau trong chú giải viết rất hay, sau khi chúng ta đọc xong thì biết được lỗi này rất nghiêm trọng. “Sàm ngôn” chính là “lưỡng thiệt”, là “ỷ ngữ” mà ngày nay chúng ta nói. Trong bốn loại lỗi của miệng thì hai loại này nặng hơn, đương nhiên bất kỳ một loại nào cũng có liên quan đến bốn loại lỗi lầm này. Trong chú giải đã nói với chúng ta, “Con người dẫu có lỗi, cũng sẽ quanh co che giấu”. Câu nói này rất quan trọng, Thánh Hiền thế xuất thế gian, không ai không dạy người tích công lũy đức, việc tích công lũy đức này chính là có thể tha thứ lỗi lầm của người khác, phải bắt đầu hạ thủ từ chỗ này.

Từ xưa đến nay hết thảy chúng sanh dễ phạm nhất là khẩu nghiệp, cho nên trong kinh giáo Thế Tôn đã dạy “khéo giữ ba nghiệp” thì khẩu nghiệp vẫn luôn xếp ở hàng đầu, dụng ý này chúng ta phải nên biết, phải có thể thể hội được. Tôi cũng thường khuyên bảo các đồng tu không nên tùy tiện nói lỗi của người khác, nguyên nhân là gì? Lỗi lầm của bản thân chúng ta quá nhiều, bản thân mình có lỗi vậy thì có tư cách gì nói lỗi của người khác? Đây là lý thường tình, đợi đến ngày nào đó chính mình không còn lỗi nữa, tôi sâu sắc tin tưởng lúc đó bạn nhất định cũng sẽ không nói lỗi của người khác. Không những Phật Bồ-tát dạy bảo chúng ta như vậy, mà chúng ta hãy xem Tổ sư Đại đức, hiền nhân của thế gian cũng như vậy, khi người có lỗi lầm các Ngài cũng linh hoạt uyển chuyển giúp họ che giấu. Hãy xem những lời nhà Nho, hiền nhân quân tử của thế gian đã nói, nếu người này vốn dĩ không có tội lỗi, bạn lại muốn dựng chuyện gièm pha, bịa đặt ra việc gì đó để hủy báng họ, sỉ nhục họ thì sự độc hại này thậm chí còn hơn cả đao phủ, còn hơn cả hổ sói, tạo tác này là tội nghiệp cực nặng. Người ta vốn dĩ không có tội, bạn lại ở đó đặt điều dựng chuyện, hãm hại người khác. Người nghe bạn đặt điều thị phi hơn một nửa là người ngu si, không có năng lực phân biệt đúng sai tà chánh, nên nhẹ dạ cả tin lời của bạn, tin đó là thật. Hậu quả phát sinh thật sự không thể nào tưởng tượng được.

Trong chú giải đã lấy ra một bài thơ cổ, có một đoạn như thế này: “Lời thơ xưa rằng: Cẩn thận, đừng nghe gièm, nghe rồi, họa ương kết”. Lưỡng thiệt, ỷ ngữ nguy hại mãnh liệt nhất. Ở đây đã nêu ra vài thí dụ về quân vương mà nghe [lời gièm pha] thì đại thần sẽ bị giết. Chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều thí dụ trong lịch sử, chân thật là người trung thành vì nước, nhưng một số nịnh thần ở trước mặt vua đặt điều thị phi, vua cũng không điều tra rõ ràng chân tướng sự thật, liền giết chết người đó, việc này xưa nay trong ngoài nước không có gì là lạ. “Cha nghe [lời gièm pha] thì cha con từ mặt”, anh chị em đông, vì tranh đoạt tài sản mà ở trước mặt cha mẹ đặt điều sanh chuyện, nói người con nào đó bất hiếu, thậm chí còn tìm một số người thân quyến thuộc đặt điều sanh sự, khiến cha con đoạn tuyệt nhau. Giữa vợ chồng mà nghe lời đồn thất thiệt thì tạo thành việc ly hôn. Anh chị em mà tin vào lời đồn thì từ đó không còn qua lại nữa, thân tình liền đoạn tuyệt. Bạn bè nghe lời đồn thất thiệt thì giao tình cũng đoạn dứt. Xa hơn nữa, giữa cốt nhục nếu tin vào lời đồn thất thiệt thì cốt nhục cũng chia lìa. Cho nên bài thơ này đi đến tổng kết sau cùng là: “thân mình bảy thước cao, đi nghe ba tấc lưỡi, miệng đời như gươm đao, giết người không thấy máu”.

Trong Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh chúng ta nhìn thấy sự đố kị chướng ngại nhiễu điều sanh sự, hủy báng Pháp sư giảng kinh. Dân chúng nghe lời thất thiệt nên mất đi lòng tin đối với Pháp sư, không đến nghe kinh nữa, đây là tội “phá hòa hợp tăng” trong các tội ngũ nghịch. Trong giới kinh thì tội này sẽ đọa A-tỳ địa ngục, nghiệp tội cực nặng. Họa hại của sự gièm pha đồn thổi nghiêm trọng đến như vậy chúng ta không thể không cẩn thận. Những lời đồn đại hủy báng thường xuất hiện bên tai chúng ta, chúng ta phải có trí huệ để nhận biết.

Ngày trước tôi cùng Hàn Quán Trưởng hợp tác được 30 năm, 30 năm là khoảng thời gian tương đối dài, đương nhiên cũng thường có những lời gièm pha. Hàn Quán Trưởng là một người có trí huệ minh triết, khi bà gặp phải những sự việc như vậy thì bà đi điều tra, tìm đến ngọn nguồn sự việc. Cho nên những người nói lời thị phi gièm pha lúc ở trước mặt bà đều không dám mở miệng nói. Đây là một người minh bạch, nhất định phải truy rõ ngọn ngành, điều tra chân tướng sự thật, không nên tùy tiện một mực tin nghe. Hiện nay Hàn Quán Trưởng đã vãng sanh, chúng tôi được sự hộ trì của cư sĩ Lý Mộc Nguyên, những lời gièm pha phỉ báng này chỉ có tăng thêm chứ không giảm đi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên là một người minh bạch, là một người có trí huệ, là một người có định công, ông không điều tra đến đầu đuôi ngọn ngành giống như Hàn Quán Trưởng, ông tuyệt không tin tưởng, bất luận bạn nói như thế nào, ông nghe mà như không nghe. Như người xưa đã nói “lời đồn không qua được kẻ trí”, ông là người có trí huệ, người tin nghe lời đồn là ngu si, ngu si đến cùng cực. Trong kinh giáo Phật đã nói, nghiệp của ác khẩu sau khi chết sẽ đọa địa ngục đao binh cắt lưỡi. Trong Kinh Địa Tạng chúng ta thấy địa ngục có muôn vàn khổ báo, núi đao, vạc dầu, cắt lưỡi, đây đều là khẩu nghiệp chiêu cảm lấy, còn phải xem tạo tác của người đó ảnh hưởng lớn hay nhỏ, nếu sức ảnh hưởng lớn, thời gian ảnh hưởng dài, vậy thì sẽ rất thê thảm, đọa vào A-tỳ địa ngục vĩnh kiếp không thể ra khỏi.

/ 128