THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 108
Các vị đồng học xin chào mọi người.
Mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 96:
“Khí thuận hiệu nghịch, bội thân hướng sơ.” (Bỏ thuận theo nghịch. Phản bội người thân thuộc, chạy theo người ngoài).
Đây đều là ác hạnh, trong chú giải thường dẫn dụng giáo huấn của người xưa: “Thạch Thước là người nước Vệ đời Châu đã nói: Vua có nghĩa, bầy tôi trung thành, cha nhân từ, con hiếu thảo, anh yêu thương, em kính mến; đó là sáu điều thuận thảo”. Nói “thuận” nói “nghịch” đều nói vô cùng cụ thể, đây là nhà Nho nói. Nhà Phật nói càng sâu hơn, nói càng thấu triệt hơn. Nhà Phật lấy Pháp Tánh làm tiêu chuẩn, nhà Nho thì lấy “Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ” làm tiêu chuẩn. Chúng ta nói thế pháp và xuất thế pháp thông thường khác biệt ở chỗ này. Con người có thể thuận theo thế pháp thì được phước báo thế gian, có thể thuận pháp tánh thì được phước báo xuất thế gian không gì sánh được. Xuất thế gian thì Phật đã nói rất nhiều, chúng ta cũng nên hiểu xuất thế gian không lìa thế gian, nhất định bao gồm thế gian ở trong đó, thế nhưng thế gian pháp thì không thể bao gồm xuất thế gian. Ở đây còn có sự khác biệt sâu cạn rộng hẹp, rộng thì có thể bao hàm hẹp, sâu thì có thể bao hàm cạn, chúng ta phải biết đạo lý này. Phật thường dạy chúng ta, căn bản của tu hành là Tam Phước, Lục Hòa, đây là đại căn đại bổn. Mười một câu ở trong Tam Phước nếu chúng ta có thể tùy thuận thì đây là hướng đạo, hướng về đại đạo Bồ-đề. Nếu chúng ta trái nghịch thì chẳng những thiện pháp thế gian không thể thành tựu mà vĩnh viễn đọa trong ba đường ác. Những sự lý này các đồng tu chúng ta đều rất rõ ràng.
Gốc của thuận nghịch là ở hiếu kính, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, hai câu này là căn bản của thế xuất thế gian mà đại Thánh đại Hiền đã dạy cho chúng ta, tùy thuận Pháp Tánh, tùy thuận “Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ”. Chư Phật Như Lai giáo hóa hết thảy chúng sanh là từ chỗ này mà bắt đầu, cũng từ đây mà viên mãn, hiếu kính đạt đến chỗ viên mãn thì thành Phật. Chúng ta cũng có thể nói, nền giáo dục của nhà Phật triệt để từ đầu cho đến cuối chính là “hiếu kính” mà thôi. Phật đem hiếu kính mở rộng ra, ở trong giới kinh thường nói: “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”, đây là đem “hiếu dưỡng phụ mẫu” mở rộng ra đến hết thảy chúng sanh trong tận hư không pháp giới. Chúng ta ở trong Kinh Hoa Nghiêm xem thấy câu “Nhất thiết chúng sanh, tình dữ vô tình giai ngã thiện tri thức” (tất cả chúng sanh hữu tình và vô tình đều là thiện tri thức của ta). Thiện tri thức mà trong Kinh Hoa Nghiêm nói chính là người thầy, không những hết thảy chúng sanh hữu tình trong hư không pháp giới là thầy của ta, mà chúng sanh vô tình cũng là thầy, đây là đem “Hiếu thân tôn sư” nói đến cứu cánh viên mãn. Chúng ta nếu có thể thực hiện những sự việc này thì người này thành Phật rồi. Nếu chăm chỉ nỗ lực thực hiện mà vẫn chưa đạt đến viên mãn thì người này được gọi là Bồ-tát, nếu thực hiện được đến cứu cánh viên mãn thì gọi là Phật. Trái ngược lại những giáo huấn này thì người này là phàm phu. Chúng sanh lục đạo nói hiếu kính thì không thể đạt đến mức hiếu kính hết thảy chúng sanh, chỉ dừng ở mức hiếu kính cha mẹ và sư trưởng của mình mà thôi. Thậm chí nói đến mức: “Tôn kính nuôi dưỡng cha mẹ mình và tôn kính nuôi dưỡng cha mẹ của người khác. Thương yêu nuôi dạy con của mình và thương yêu nuôi dạy con của người khác” thì cảnh giới này đã là không tệ rồi. Chúng ta luôn bị giới hạn trong quốc gia của chính mình, trong một quần tộc, không thể đạt đến giống như trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “bất phân quốc độ”. “Quốc độ” mà kinh này nói là rất lớn, đó là quốc độ của chư Phật. Mỗi khu vực mà một vị Phật giáo hóa là một đại thiên thế giới, không phân quốc độ, không phân quần tộc, không phân tín ngưỡng tôn giáo, chân thành thanh tịnh bình đẳng mà tận hiếu, tu kính. Đây là Phật pháp Đại Thừa.
Do đó, học Phật là phải học cho giống Phật, niệm Phật thì phải thường nghĩ nhớ đến Phật. Phật có tâm như thế nào? Phật động ý niệm gì? Cuộc sống của Phật ra làm sao? Phật xử sự đối người tiếp vật như thế nào? Chúng ta phải thường nghĩ đến việc này, như vậy thì gọi là niệm Phật. Niệm Phật tuyệt đối không phải là chỉ ở trên miệng, đó chỉ là Phật hiệu. Nếu chỉ là Phật hiệu thì giống như ca hát mà thôi, ý nghĩa là gì thì vẫn mù mờ không hiểu, bạn làm sao có được thọ dụng chứ? Niệm danh hiệu của Phật, nghĩ tưởng đến tâm của Phật, nghĩ tưởng đến hành nghi của Phật, nghĩ tưởng đến Phật làm thế nào xử sự đối người tiếp vật, đây gọi là chân niệm Phật. Quán tượng niệm Phật là nhìn thấy tượng Phật cũng phải nhớ nghĩ đến những sự việc này. Cho nên chúng ta phải biết niệm, niệm được lâu rồi thì ý niệm của chúng ta sẽ chuyển biến thành ý niệm của Phật, tâm của chúng ta biến thành tâm Phật, hạnh của chúng ta biến thành hạnh Phật. Tâm của Phật là hiếu, hạnh của phật là kính, hai chữ này đã bao gồm hết thảy vô lượng vô biên pháp môn mà chư Phật Như Lai đã nói. Chúng ta là đệ tử của Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, tự mình nhất định phải nên biết, chúng ta là hình tượng của Phật, là đại biểu của Phật. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày rốt cuộc là có mấy phần giống Phật? Chúng ta có thể làm được một phần hai phần thì đã không tệ rồi, làm được 100% thì bạn thành Phật rồi. Nếu bạn làm được khoảng 30-40% thì bạn thật sự là Bồ-tát, chúng ta phải y giáo phụng hành.