THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 106
Các vị đồng học xin chào mọi người.
Ở trên bàn có để hai câu hỏi, đại khái là người ta đã fax đến đây. Một vị từ Hawaii đã gửi câu hỏi đến, ông có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất ông hỏi về tam quy y. Ở trong tam quy y có nói “Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh”, chữ chúng sanh này là chỉ chúng sanh pháp giới. Hết thảy chúng sanh tận hư không khắp pháp giới đều bao gồm trong đó. Câu sau cùng là “Thống lý đại chúng, nhất thiết vô ngại” cũng như vậy. “Thống lý đại chúng” ở đây nghĩa hẹp là chỉ Tăng đoàn, còn nghĩa rộng là chỉ hết thảy chúng sanh trong pháp giới. Câu sau cùng “Hòa nam Thánh chúng” thì ông không hiểu, “hòa nam” là lễ kính, “Thánh chúng” là chỉ đệ tử Phật, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, đối với tất cả những Thánh chúng này chúng ta chí kính đối với họ. “Hòa Nam Thánh chúng” chính là ý nghĩa như vậy, là thể hiện chí kính đối với hết thảy Thánh chúng. Ông nói có đồng tu đến thăm Tịnh Tông Học Hội, mang theo một số kinh sách, đĩa VCD của các cư sĩ và Pháp sư của các đoàn thể khác, họ để lại ở học hội, ông hỏi phải xử lý như thế nào? Những thứ này chủ yếu là phải xem nội dung của nó, nếu không nói vấn đề gì bài xích Tịnh Độ thì đều có thể lưu thông. Nếu bài xích Tịnh Độ, đề xướng những pháp môn tu học khác, e là sẽ ảnh hưởng nhiễu loạn đến sự tu trì của các đồng tu thì chúng ta có thể không tiếp nhận. Còn nếu đã tiếp nhận rồi thì hãy gửi tặng đến những đạo tràng tương ưng, ví dụ liên quan đến Thiền tông thì hãy tìm những đạo tràng Thiền tông mà tặng cho đạo tràng của họ, Mật tông thì tặng cho đạo tràng Mật Tông, xử lý như vậy là tốt nhất, việc giải hành nhất định phải tương ưng.
Còn có vị này tên là Huệ Diễn, ông là đồng tu đến từ Học Phật Xã Kansas-Mỹ, đang cùng nhau nghiên cứu Di Đà Yếu Giải, gặp phải vài vấn đề. Ông hỏi: “Thưa Sư phụ, trong băng ghi âm Di Đà Yếu Giải có nói đến ở thế giới Tây Phương Cực Lạc một ngày là một kiếp ở thế giới này của chúng ta, không biết tin tức này là từ đâu?”. Việc này, độ dài ngắn của thời kiếp, chúng ta hiểu được chân tướng của nó, đây là hiện tượng được sinh ra trên khái niệm, không phải là thực tại. Một kiếp có thể thu gọn thành một sát-na, một sát-na có thể chuyển thành vô lượng kiếp, cho nên “niệm kiếp viên dung”. Hiểu được vấn đề này thì đối với sự sai biệt về độ dài ngắn của thời gian sẽ không có vấn đề gì lớn nữa. Vậy ở trong kinh nói “sanh vào biên địa nghi thành 500 năm thì mới có thể hoa khai kiến Phật”, việc này chúng ta cần phải chú ý. Cách nói 500 năm này, rốt cuộc là theo cách tính ở Tây Phương Cực Lạc hay là theo cách tính của chúng ta? Chúng ta biết ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ngày tháng năm, đây là trong kinh đã nói, chúng ta phải nên hiểu đạo lý này. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc bởi vì hết thảy chúng sanh không có vọng tưởng phân biệt chấp trước nên cũng không có ngày giờ tháng năm. Vậy thì nói 500 năm chính là nói ở chỗ chúng ta, là cách nói 500 năm ở thế gian chúng ta, không phải là ở thế Giới Cực Lạc, ở thế Giới Cực Lạc thì không có ngày tháng năm.
Vấn đề thứ hai ông nói: “Sư phụ đã từng nói đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật chỉ cần 3-4 kiếp thì có thể thành tựu. Bởi vì thế giới Cực Lạc đến nay cũng mới có 10 kiếp. Nhưng “chư thượng Thiện Nhân câu hội nhất xứ”, Sư phụ nói đây là biểu thị Đẳng Giác Bồ-tát siêu vượt hơn một nửa trong số đó, nên có lẽ 3-4 kiếp thì có thể đã trở thành Đẳng Giác Bồ-tát. Ở trong kinh Thế Tôn đã nêu ra với chúng ta là 10 kiếp, vậy thì con số 10 kiếp này có phải là chỉ thời gian ở thế giới này của chúng ta. Theo như căn cứ vào cách giải thích này thì thế giới Cực Lạc đối với chúng sanh ở đó mà nói thì thế giới Cực Lạc mới thành lập được 10 ngày mà thôi. Căn cứ theo cách nói của Sư phụ thì đến nơi đó chỉ có ba bốn ngày thì đã có thể trở thành Đẳng Giác Bồ-tát, mà cũng vừa là công phu tu chứng của bản thân, không biết cách suy luận như vậy có hợp lý hay không ạ?”. Những suy luận này đều là vọng tưởng, đều là vọng tưởng phân biệt chấp trước. Nếu chúng ta có thể xả vọng tưởng phân biệt chấp trước thì có thể tương ưng với thế giới Cực Lạc, việc này vô cùng vô cùng quan trọng. Mười kiếp, chúng ta nghĩ nơi đó Đẳng Giác Bồ-tát vượt hơn một nửa về số lượng, là từ chỗ này mà quan sát, có lẽ là có cái hiện tượng như vậy. Đây là nói rõ thành Phật ở thế giới khác thì phải trải qua ba đại a-tăng-kỳ kiếp, đến thế giới Cực Lạc thì thời gian rút ngắn lại vô cùng nhiều, việc này đem lại cho chúng ta sự khích lệ rất lớn. Nhưng sự thật này quyết không phải là vọng ngôn, cho nên ngay cả Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền ở Thế giới Hoa Tạng đều cầu nguyện vãng sanh Tịnh Độ, thế nên chúng tôi nghĩ chắc chắn là có đạo lý này.