/ 128
551

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 105


Đêm Giao thừa tối hôm qua là chúng ta lại qua một năm nữa hội họp tại nơi này. Ngày hôm qua các vị cũng đã nhìn thấy thật là hiếm có. Lý hội trưởng đã sắp xếp thịnh tình, chúng tôi vô cùng cảm kích, tôi hiểu rõ ông là dụng tâm Bồ-tát, cố hết sức để nắm lấy cơ duyên cho chúng ta học tập đa nguyên văn hóa trong thời khắc bắt đầu của một thế kỷ mới.

Hôm qua là tiết mục Nguyên Tiêu đoàn viên đầu tiên của chúng ta ở nơi này. Ở Trung Quốc vào thời xưa, tết Nguyên Tiêu là trong một năm chúng ta vì người nhà, hoặc là vì dòng tộc mà cầu phước, mong muốn trong một năm này mỗi một người đều được viên mãn tròn đầy. Trong thế kỷ 21 này, tư tưởng và cuộc sống của mỗi người đều thừa nhận được sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nên đã có sự thay đổi rất lớn. Nói cách khác, qua một thế kỷ thì phương thức đời sống đã có một sự chuyển biến rất lớn. Do vậy mà Phật đã dạy chúng ta tự hành hóa tha thì phải khế cơ khế lý. Lý thì vĩnh hằng bất biến, nhưng Cơ thì cần phải thuận theo thời vận, người hiện tại nói là theo trào lưu thời đại. Nếu đi ngược lại với trào lưu thời đại thì nhất định sẽ hành không thông. Nói cách khác theo Phật pháp là tổ tổ tương truyền một phương pháp này. Trong quá khứ có thể thích ứng, nhưng những năm cuối của thiên niên kỷ này thì không còn thích hợp để sử dụng, cho nên cần phải có sự cải tiến rất lớn. Như Phật giáo khi truyền đến Trung Quốc thì triều Đường đã làm một sự cải cách rất lớn. Hai vị Đại sư là Bách Trượng và Mã Tổ đã khai sáng ra chế độ Tòng Lâm, kiến lập một số quy tắc thích hợp với hoàn cảnh tu học của người Trung Quốc, nên Phật pháp tại Trung Quốc có thể phát dương quang đại. Từ thời Đại sư Bách Trượng đến nay có lẽ cũng gần 1.500 năm. Đến ngày nay lại cần phải có một sự cải cách to lớn nữa để thích hợp với hình thái xã hội trong thế kỷ 21 này, đây là việc cần thiết.

Phật Pháp có thể chuyển biến hư không pháp giới chính là bởi vì Phật pháp không có định pháp. Phật pháp có nguyên lý nguyên tắc bất biến, nhưng trên phương thức thì lại không có một định pháp nhất định. Phật pháp không phải là bảo thủ, không chịu thay đổi, mà là tùy thời tùy thế. Đúng như trong kinh Phật đã nói, “hằng thuận chúng sanh tùy hỷ công đức”, là Phổ Hiền Bồ-tát đã dạy chúng ta. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật đã dạy chúng ta “Tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”, những điều này đều là giáo huấn chân thật, trí huệ chân thật.

Đương nhiên việc cách tân không phải là một chuyện dễ dàng, chân thật là cần phải có đại trí huệ, đại đức hạnh. Trong Phật pháp nói nhất định phải là người tu hành đã khai ngộ chứng quả thì mới có thể làm được. Phàm phu nhất định không thể làm được, phàm phu không có trí huệ này, không có đức năng này. Nhưng chúng ta ngày nay sống trong thời đại này, đúng là một giai đoạn giao thoa giữa thời đại cũ và mới. Từ đó có thể thấy trách nhiệm sứ mệnh của đồng tu xuất gia chúng ta càng trọng đại, không phải là một thời đại thông thường. Từ thiên niên kỷ này trở về sau, kỳ thực Phật trong Kinh Pháp Hoa đã có sự khai thị, trong quá khứ chúng tôi đã từng giảng qua “Đại ý Kinh Pháp Hoa”, hình như là có băng ghi âm, lúc đó thì chưa có ghi hình, khi nào cảm thấy cần thiết chúng tôi sẽ tìm cơ hội để giảng lại một lần nữa. Phật nói: “Thời kỳ mạt pháp phải hoằng dương Đại Thừa”. Đại Thừa thích hợp với căn cơ của con người thời mạt pháp. Vì sao vậy? Vì Đại Thừa rất rộng mở, ngày nay gọi là tự do dân chủ mở cửa, đây là pháp Đại Thừa. Pháp Tiểu Thừa thì bảo thủ.

Nguyên tắc mà Phật dạy cho chúng ta, mọi người đều biết rất rõ về “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” trong “Tứ hoằng thệ nguyện”. Do đó chúng ta phải đem bổn ý Phật độ chúng sanh mở rộng ra đến hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới, phải thường có tâm lượng độ chúng sanh, phải có trí huệ độ chúng sanh, phải có năng lực độ chúng sanh. “Phật thị môn trung bất xả nhất nhân”, chúng ta phải có cái tâm này, phải có tâm độ lượng lớn này, không phân quốc gia. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy các tộc loại, tôn giáo đều bình đẳng được độ như nhau, đây chính là đa nguyên văn hóa mà con người ngày nay nói, chúng ta phải có thể thể hội được.  

Chúng tôi hai năm nay ở tại Singapore, qua lại với những dân tộc những tôn giáo khác nhau, đây mới chỉ là bắt đầu, chỉ hai năm mà có được thành quả tốt như vậy, chín đại tôn giáo ở Singapore giống như người một nhà. Mọi người trong các vị đều có thể nhìn thấy. Hôm qua trưởng lão của Ấn Độ giáo đã đặc biệt lên chúc phúc chúng ta. Chúng tôi rất cảm động, vốn dĩ đại biểu của chín đại tôn giáo là Lý đạo trưởng lên chúc phúc, [nhưng] trưởng lão của Ấn Độ giáo đã đặc biệt chúc phúc cho chúng ta. Các vị nhìn thấy chúng ta ở cùng với nhau thân thiết như vậy, phổ độ chúng sanh thì cần phải dựa vào người lãnh đạo của các tôn giáo, dựa vào các nhà truyền giáo của các tôn giáo, chúng ta xây dựng nhận thức chung, mục tiêu của chúng ta là xã hội an định, thế giới hòa bình, nhân dân hạnh phúc.

/ 128