/ 128
515

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 104


Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Chiều ngày hôm qua chúng tôi từ Toowoomba về lại nơi đây, đã nhận được bản fax của Tịnh Tông Học Hội Hoa Tạng-Đài Bắc nói cho tôi biết tôi có một người bạn cũ tối hôm trước đã qua đời. Ông năm nay có lẽ cũng hơn 80 tuổi, là một đồng liêu thân cận nhất của tôi ở Đài Loan. Quê cũ của chúng tôi cùng một khu vực thôn làng, là những làng nông thôn nhỏ, làng của tôi và làng của ông có thể nhìn thấy nhau, khoảng cách đại khái là 3-4 dặm đường. Người Trung Quốc xưa gọi là 3-4 dặm, đại khái chỉ khoảng chừng 2 km theo cách nói ngày nay. Bao nhiêu năm nay ở Đài Loan chúng tôi qua lại như huynh đệ, chăm lo lẫn nhau, thời gian đầu khi đến Đài Loan, đồng hương, đồng học và bạn bè cũng không ít, những vị lão bằng hữu thâm giao năm mươi mấy năm nay, dường như là ba phần tư đều đã không còn nữa rồi. Con người nếu như không trải qua những sự việc như vậy thì sẽ không dễ dàng gì mà nghiêm túc phản tỉnh.

Cũng như ngày hôm qua chúng ta đã nghe Nguyệt Quế tiên sinh nói là: “Đến khi già rồi, đến khi sắp đi rồi, mới bắt đầu suy nghĩ cuộc đời này rốt cuộc là mình đã làm được những gì?”. Cũng chân thực muốn vì xã hội làm một chút việc tốt, muốn làm một số việc có ý nghĩa, thời thanh niên còn tráng kiện đều không nghĩ đến những việc này, đều lơ là cho qua, đến khi già rồi mới nghĩ đến thì tinh thần và thể lực đều đã suy yếu. Đúng như câu nói: “Tâm có dư mà sức thì không đủ”, cho nên ông đã vô cùng cảm khái. Không những chúng ta thể hội được, chúng ta cũng có thể suy nghĩ đến, xưa nay trong ngoài nước có biết bao nhiêu người đến cuối đời mới sám hối, lao tâm khổ trí dặn dò, phó thác cho người trẻ tuổi, dạy bảo cho con cháu đời sau. Từ xưa đến nay, không ai mà không như vậy, nhưng những người trẻ tuổi thì chỉ nghe qua tai chứ không để ở trong tâm. Khi chúng tôi còn trẻ, gặp được những người lớn tuổi, họ cũng dạy bảo và khuyên nhủ chúng tôi, chúng tôi nghe xong cũng gật đầu, cũng rất bội phục, nhưng không để những việc đó ở trong tâm thì càng khó áp dụng việc đó vào trong cuộc sống.

Chúng ta hãy tỉ mỉ mà quan sát, từ xưa đến nay, những người có thành tựu, cuộc đời này họ sống có ý nghĩa, có giá trị thì thực tế chính là họ có thể nghe và chịu tin những gì người lớn tuổi chân thành khuyên bảo, họ chịu tiếp nhận lời khuyên bảo, “y giáo phụng hành”, cho nên mới có thành tựu. Đến khi tuổi tác đã cao, người thân quyến thuộc, bằng hữu đều qua đời rồi, vào lúc này mới chân thật hiểu được cảm giác bùi ngùi vô hạn.

Những người tu học thế xuất thế pháp có thành tựu đều là lúc tuổi tác còn trẻ. Trong nhà Phật chúng ta, chúng ta nhìn thấy xưa nay các Cao tăng Đại đức, hơn một nửa đều là thành tựu trước 30 tuổi. Trong nhà Phật gọi là khai ngộ, tu hành chứng quả. Nhân vật điển hình thì có Đại sư Lục Tổ Huệ Năng của Thiền Tông, Ngài tiếp nhận y bát của Ngũ tổ, lúc đó ngài mới có 24 tuổi, sau đó Ngài sống ẩn dật trong nhóm thợ săn hết 15 năm. Đại khái năm 40 tuổi thì Ngài mới có thể bước ra hoằng pháp lợi sanh. Mười lăm năm trong nhóm thợ săn là 15 năm chân tu, việc tu hành này đúng như nói là: “trọng thực chất, không trọng hình thức”.

Chúng ta phải sâu sắc thể hội, Đại đức bên Giáo Hạ cũng như vậy. Hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta ngày nay vượt hơn những Đại đức xưa thật sự rất nhiều, nhưng thành tựu của chúng ta vĩnh viễn đứng sau các Ngài. Chúng ta không thể không cảnh giác, không thể không hiểu rõ, phải làm thế nào mới có thể đột phá được? Các Đại đức xưa nay trong Tông Môn, Giáo Hạ, Hiển Giáo, Mật Giáo, không ai không khuyên chúng ta phải phá hai chướng, hai chướng đó là: kiến - tư phiền não. Kiến hoặc thì cổ Đại đức gọi là lý chướng, tư hoặc thì gọi là sự chướng. Lý chướng thì tương đối dễ phá, sự chướng thì tương đối khó khăn. Tiểu Thừa đem kiến tư phiền não phân chia trong tam giới gọi là 88 phẩm kiến hoặc, 81 phẩm tư hoặc. Cách nói của Đại Thừa thì nhiều điều mục hơn, nhưng dù là Đại Thừa hay Tiểu Thừa thì cũng có thể giải quyết được dễ dàng.

Tôi còn nhớ lúc trước chúng ta đã thảo luận qua một cách tường tận mấy lần rồi. Ở trong kiến hoặc thì nhất định phải rõ lý, lý đã minh bạch rồi thì chướng ngại này liền đột phá được, đột phá được rồi thì chính là “siêu phàm nhập Thánh”. Việc tu học của chúng ta chân thật là có thành tựu, chân thật nhập được vào cảnh giới Phật, đây là người sơ học. Ở trong pháp Tiểu Thừa thì chứng quả Tu Đà Hoàn, Đại Thừa Viên Giáo thì là Bồ-tát Sơ Tín Vị. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói 51 cấp bậc, bạn đạt được Bồ-tát Sơ Tín Vị. Ở đây rốt cuộc là cảnh giới như thế nào? Đó là không còn chấp trước cái thân này là ta, nói cách khác, đã nhìn thấu được cái “ta” và cái “của ta” rồi, buông được rồi thì được cái cấp bậc này. Lợi ích thù thắng của nó là tuy không thể siêu vượt lục đạo, nhưng vĩnh viễn không đọa tam đồ. Nếu tu học Tịnh Tông cầu sanh Tịnh Độ thì nhất định nắm chắc phần. Tuy sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là nằm ở giữa Phàm Thánh Đồng Cư Độ và Phương Tiện Hữu Dư Độ, nhưng nếu công phu tốt thì đến Phương tiện Hữu Dư Độ, công phu kém một chút thì vãng sanh Thượng Bối Đồng Cư Độ cũng có thể được sanh tử tự tại. Sanh tử tự tại là không còn bị nghiệp lực trói buộc nữa, muốn vãng sanh sớm một chút vẫn được. Nếu thương xót hết thảy chúng sanh, có duyên với chúng sanh, trì hoãn cái thân này lại để giáo hóa chúng sanh, vãng sanh chậm hơn vài năm cũng không chướng ngại gì, đây gọi là sanh tử tự tại. Chúng ta học Phật, nếu không đạt được trình độ này, có thể nói là chúng ta không thành tựu. Chúng ta niệm Phật vãng sanh, vậy hỏi bạn là bạn có nắm chắc hay chưa? Chúng ta có sự cảnh giác này hay không? Trước mắt đây là khóa trình hàng đầu mà chúng ta cần phải chăm chỉ nỗ lực. Đơn giản mà nói là làm thế nào để buông xả ngã chấp? Khởi tâm động niệm vẫn còn vì mình thì đây là sai lầm nghiêm trọng, là đang vun bồi cho ngã chấp.

/ 128