/ 128
623

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 101


Các vị đồng học, xin chào mọi người. Tối nay là đêm giao thừa Tết âm lịch của chúng ta, chúng tôi có duyên cùng hội tụ với mọi người tại đạo tràng Úc Châu, đây cũng là một nhân duyên hiếm có. Năm nay là năm Thiên Hi theo dương lịch, đúng như cái tên là 1.000 năm mới gặp được một lần. Chúng ta có thể sinh ra trong thời đại này, đây là nhân duyên tụ hội vô cùng hiếm có khó gặp. Người xưa thường nói “trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu”, câu nói này hàm nghĩa rất sâu.

Hiện tại trước mắt chúng ta gặp hai sự việc lớn. Một là ở trong đời loạn thế này, ác trược đến cùng cực, trong Kinh Phật thường nói “ngũ trược ác thế”, chúng ta ngày nay gặp phải là ác trược đến cùng cực, đây là tai nạn, chúng ta đã bất hạnh gặp phải. Một nhân duyên hiếm có khác là Phật pháp, đặc biệt là Phật pháp Tịnh Tông, không chỉ là thế Tôn đã nói với chúng ta, mà cũng có thể nói là hết thảy chư Phật Như Lai đồng thanh tuyên cáo với chúng ta, thời kỳ mạt pháp thì Tịnh Độ thành tựu. Chúng ta ở trong thời đại này có được thân người, gặp được Phật pháp, và cũng gặp được Pháp môn Tịnh Tông hiếm có khó gặp này, thông qua những năm tháng học tập của chúng ta, chúng ta càng có thêm lòng tin sâu sắc đối với Pháp môn này, đây là một thời vận đáng vui mừng. Hai loại thời vận này gộp lại thành một cũng là một việc rất hiếm có. Khi đại tai nạn hiện tiền thì chúng ta phải làm thế nào để có thể tự độ? Làm thế nào để có thể giúp đỡ người khác? Đây chính là đại sự nhân duyên mà trong nhà Phật thường hay nói, là không nằm ngoài việc này. Tự độ thì nhất định phải cầu sanh Tịnh Độ, còn độ tha thì nhất định phải khuyên bảo chúng sanh.

Phật Bồ-tát từ bi đến cùng cực, chúng ta có thể thể hội được thì không ai mà không cảm kích từ tận đáy lòng. Trong kinh luận, Phật đã đem đạo lý về sự thành tựu thù thắng của việc vãng sanh trong Tịnh Tông nói rõ với chúng ta rồi, phương pháp vãng sanh chúng ta cũng đã học rồi. Việc quan trọng nhất trước mắt là làm thế nào để tạo ra được sự chuyển biến 180 độ, chuyển ác thành thiện, chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê thành ngộ. Chúng ta không những được sanh Tịnh Độ, mà còn có thể sanh lên phẩm vị cao ở Tịnh Độ. Nhân duyên này vô cùng hiếm có, không những trong kinh Phật đã nói với chúng ta, mà Tổ sư Đại đức cũng khổ tâm tốn sức khuyên bảo chúng ta rồi. Hơn nữa trước mắt chúng ta cũng đã nhìn thấy rất nhiều người niệm Phật vãng sanh.

Trong nhà Phật thường nói “tam chuyển pháp luân”. Khai thị của Thế Tôn chính là chỉ ra cho chúng ta một con đường sáng suốt để lìa sinh tử xuất Tam Giới. Tổ sư Đại đức khuyên bảo chúng ta, chúng ta đã chính mắt nhìn thấy những người niệm Phật vãng sanh, họ đã thị hiện vì chúng ta làm ra sự chứng minh, khiến chúng ta đoạn nghi sanh tín đối với việc tu học Tịnh Tông, thiết lập lòng tin trong một đời này nhất định có thể có được thành tựu vô cùng thù thắng.

Vào khoảng tháng Tư năm ngoái, ở vùng Đông Bắc đã xảy ra một sự việc vô cùng hi hữu. Ở Trường Xuân có một ngôi tự viện, Trụ trì là một tỳ-kheo ni, đã được Sơn thần của Bắc Triều Tiên đến mời đi lãnh chúng niệm Phật. Nghe nói ở phía Bắc Triều Tiên có hơn 100 vị sơn thần đang ở đó để tu học Tịnh Tông, nên muốn mời một vị xuất gia đến dẫn chúng. Đại khái là đã tìm được vị Pháp sư này, nhưng những vị thần hộ pháp không để cho bà xuất cảnh, thế là bà không đi. Đây là tin tức được nói ra từ chính miệng của vị Sơn thần, họ nói ở trên trời không an toàn, dưới đất thì không thể ở, nghĩ tới nghĩ lui vẫn là thế giới Tây Phương Cực Lạc tốt nhất. Thế là họ phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Vị Pháp sư này liền hỏi Sơn Thần, vậy các vị đã làm sơn thần bao lâu rồi? Vị sơn thần nói với bà, chúng tôi đã làm sơn thần hơn 3.000 năm rồi. Pháp sư nói hơn 3.000 năm à? Vậy là từ thời Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, tại sao lúc đó ông không theo học? Vị Sơn Thần này nói lúc đó chúng tôi không tin, hiện nay mới giác ngộ. Đây là người thật việc thật làm sự chứng minh cho chúng ta xem. Có rất nhiều quỷ thần đều đang yêu cầu được nghe kinh, niệm Phật, học Phật, chúng ta nếu như không chịu chân thật mà làm thì ngay cả quỷ thần chúng ta cũng không bằng. Cho nên sống trong thế giới ngày nay thì việc đại sự hàng đầu chính là niệm Phật cầu vãng sanh, nhất định phải đem việc lớn này làm thành sự việc hàng đầu ở trong đời này của chúng ta. Tất cả những việc còn lại đều là việc nhỏ, đều là nhỏ bé không đáng kể. Vậy phải niệm như thế nào mới chân thực nắm chắc phần vãng sanh? Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy chúng ta một phương pháp chỉ có tám chữ, “Phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Thế nào là Tâm Bồ-đề? Bồ-đề tâm là tâm chân thật giác ngộ, chân thật giác ngộ thì bạn đối với thế gian này nhất định là không có một tơ hào lưu luyến, bạn mới được gọi là giác ngộ. Nếu vẫn còn một chút gì đó lưu luyến thế giới này thì bạn chưa giác ngộ rồi. Nói cách khác, người chân thật giác ngộ thì thân tâm thế giới hết thảy đều buông xuống, đây là giác ngộ. Nếu có một sự việc gì đó vẫn chưa buông được thì bạn vẫn chưa giác ngộ, có thể chỉ vì một sự việc này mà kéo bạn quay trở lại, tiếp tục không ngừng lặn ngụp trong luân hồi. Cái gì cũng đều phải buông xuống, buông xuống không có nghĩa là mọi việc đều không làm, không quản đến nữa, vậy thì bạn sai rồi. Bạn là người học Phật tại gia thì phải đem duyên của cái nhà này buông xuống. Đây không phải là bảo bạn xuất gia, không phải ý như vậy. Bạn vẫn phải chăm lo gia đình, những việc trong gia đình thì càng phải chăm chỉ làm, càng phải có trách nhiệm hơn. Vậy buông xuống như thế nào? Là buông xuống ở trong tâm, không phải là buông xuống ở trên sự, sự không chướng ngại. Đại sư Thanh Lương ở trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói với chúng ta, “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, chướng ngại là ở đâu? Chướng ngại là ở trong ý niệm của bạn. Cho nên trong Kinh đã dạy chúng ta “nhất hướng chuyên niệm”, trong tâm chúng ta tất cả mọi lúc, mọi nơi chỉ có A Di Đà Phật, chỉ có thế giới Tây Phương Cực Lạc, vậy thì đúng rồi. Thế giới Ta-bà này không nên bận tâm với nó nữa, không nên để nó ở trong tâm, vậy thì đúng. Buông bỏ ở trên tâm thì gọi là “nhất hướng chuyên niệm”, sắc thân của chúng ta vẫn là ở tại thế gian này, vẫn chung sống với đại chúng trong xã hội.

/ 128