/ 128
789

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 100

 

Chư vị đồng học, xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 87:

Lỗ lược trí phú. Xảo trá cầu thiên.” (Cướp bóc để trở nên giàu có. Xảo trá cầu thăng quan lên chức).

Chúng ta đọc qua một lần phần chú giải trong Vựng Biên hàng đầu tiên: “Nói đến lỗ lược chẳng phải là do dùng phương thức chiến tranh để chiếm đoạt thì làm sao các vị đoạt được, những kẻ làm quan bóc lột dân chúng, lén bòn rút công quỹ, hoặc bọn cường hào ác bá cho vay nặng lãi đều là lỗ lược, dùng kiểu ấy để làm giầu ắt sẽ dẫn đến những chuyện nhà tan, cửa nát, gia đình chia lìa, vợ gào con khóc có thừa, há có thể an hưởng ư”.

Đoạn này đã đem ý nghĩa của hai từ “lỗ lược” nói rất thấu triệt, việc này trong nhà Phật thuộc về “giới trộm cắp”. Phạm vi của “trộm cắp” vô cùng rộng, bất luận là dùng thủ đoạn và phương thức gì để đoạt lấy tài vật của người khác, hoặc giả là bóc lột lợi ích của người khác thì đều thuộc về trộm cắp. Quả báo của trộm cắp rất là nghiêm trọng. Nếu Phật không nói thì người thế gian đích thực không cách gì lý giải được. Trong kinh luận Phật đã nói vô cùng rõ ràng, cũng nói rất nhiều. Nếu chúng ta trộm cắp tài vật của một người thì tội đó tương đối nhẹ, tương lai phải trả nợ thì chỉ trả có một người. Nếu là công trình thiết bị công cộng, như người thế gian thường gọi là kẻ tham quan ô lại thì những thứ mà họ xâm đoạt là tiền thuế của nhân dân, là tài vật của quốc gia, nếu kết tội thì tương lai phải trả nợ, tất cả những người nộp thuế đều là chủ nợ của người này, sự việc này phiền phức quá lớn. Chúng ta hãy nhìn xem những chủ nợ này là ai, chủ nợ có bao nhiêu người vậy? Nếu là công trình công cộng thì chủ nợ là nhân dân của cả nước, bạn nói xem phải làm sao đây, đến khi nào thì bạn mới có thể trả xong? Nghiêm trọng hơn việc này nữa là Phật nói “vật của thường trụ”, chính là tài vật trong tăng đoàn. Trong Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói rất hay, Phật nói tội ngũ nghịch thập ác thì Phật còn có cách để cứu, nhưng tội trộm cắp đồ vật của thường trụ thì Phật không thể cứu. Vì sao vậy? Vì những tài vật trong các công trình công cộng của tự viện, phạm vi của nó chính là mười phương thường trụ, số chủ nợ nhiều hơn số người trong một quốc gia rất nhiều, tất cả những người xuất gia trong tận hư không khắp pháp giới đều có phần, số lượng của những chủ nợ này còn nhiều hơn tất cả các loại chúng sanh trên địa cầu này cộng lại rất nhiều rất nhiều lần, số lượng này không một người nào có thể tính toán ra được. Nhưng ngày nay người xâm đoạt tài vật của tự viện am đường đều không biết sự lợi hại này, không hiểu quả báo này, chúng ta đọc kinh Phật, thâm nhập kinh tạng, mới hiểu được tình trạng thật sự này.

Phật dạy chúng ta bố thí, dạy chúng ta buông xả, bố thí là nhân của phước đức, bạn có thể tu nhân, đương nhiên sẽ có thể chứng quả, bạn có thể có được quả báo của nó. Trong các kinh luận đã nói rất nhiều, bố thí tài thì được quả báo tài phú, thế nên tài phú nhất định không phải là có thể dùng phương thức không chính đáng nào đó mà tranh đoạt được. Việc này trước đây chúng tôi cũng đã nói qua rất nhiều rồi, dùng bất kỳ thủ đoạn nào để giành được tài phú thì cũng đều do trong mạng của bạn có mà thôi, trong mạng của bạn không có thì dù có dùng thủ đoạn nào đi nữa cũng không thể có được. Đạo lý này các vị phải nên nghiên cứu Liễu Phàm Tứ Huấn thật nhiều. Liễu Phàm Tứ Huấn được lưu thông rất rộng, quyển sách này cũng rất dễ dàng có được, hãy đọc cho thật kỹ, nghiên cứu thật tỉ mỉ thì bạn sẽ hiểu thôi.

Con người, chúng sanh lục đạo, ai mà không có dục vọng chứ? Ai mà không muốn có được tài phú? Ai mà không muốn được thông minh trí huệ? Ai mà không mong cầu được khỏe mạnh sống lâu? Đây là dục vọng lớn của chúng sanh trong lục đạo. “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng” (trong cửa Phật có cầu ắt có ứng) đây là thật không phải là giả. Phật đã dạy chúng ta đạo lý của cầu đắc, dạy cho chúng ta phương pháp để cầu đắc, nếu chúng ta tu học như lý như pháp, bạn nhất định có thể được xứng tâm vừa ý, tất cả những gì bạn mong cầu nhất định có thể đạt được. Nếu là sự khẩn cầu vô lý, như đoạn này đã nói thì đây là “ác tâm chiếm đoạt”, đã đi ngược lại với phương pháp và đạo lý, nên dù đạt được thì vẫn là do trong mạng của bạn có, bạn nói xem việc này có phải là oan uổng hay không? Chẳng qua cũng chỉ là lấy trước thời hạn những thứ mà trong mạng đã có mà thôi. Thí dụ như nói trong mạng của bạn phát tài, 50-60 tuổi mới phát tài, nhưng vì bạn đã dùng thủ đoạn không chính đáng, khi mới 30-40 tuổi thì đã được tài phú rồi, chẳng qua lấy sớm mà thôi, chỉ có thể làm được đến đây, nhưng nghiệp tội mà bạn đã tạo ra đã khiến những thứ mà trong mạng của bạn đáng có được, như là tài phú, thông minh trí huệ, hoặc là khỏe mạnh sống lâu đều bị việc này làm tổn giảm đi rất nhiều, đích thực là được không bằng mất, chúng ta phải hiểu đạo lý thâm sâu trong đó.

/ 128