/ 128
472

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 102

 

Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Mời xem đoạn thứ 88 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, văn tự chỉ có tám chữ:

Thưởng phạt bất bình. Dật lạc quá tiết.” (Thưởng phạt chẳng công bằng, hưởng lạc quá độ.)

Câu này nói hai sự việc, trong chú giải nói rất hay “hoặc quá nhẹ hoặc quá nặng”. Chữ “thất” có nghĩa là sai lầm, là nói về việc thưởng phạt. “Chỉ cần hơi phạm sai lầm một chút, sẽ là chẳng có công bằng”. Thưởng và phạt muốn làm được đến công bằng quả thật là một việc không dễ dàng, tiêu chuẩn của điều này trong thế pháp gọi là pháp luật, trong Phật pháp gọi là giới luật. Người chấp pháp không những phải hiểu được pháp luật mà còn phải thông tình đạt lý, gọi là “tình, lí, pháp”. Ba sự việc này nếu bạn đều có thể nhìn thấy thấu triệt thì bạn mới có thể làm đến viên mãn. Nếu có sai lầm một chút thì sẽ không công bằng, không giữ được lẽ công bằng.

Những câu tiếp theo nói càng nghiêm trọng hơn: “Chẳng giữ công đạo, lòng người không phục, như thế không chỉ chẳng thể biểu dương công lao, trừng phạt tội lỗi, mà còn tạo thành oán hận chất chứa, chuốc lấy tai họa”. Câu này nói rất nặng, đều là nói sự thật.

Chúng ta xem lịch sử từ xưa đến nay trong và ngoài nước, đặc biệt là sự hưng suy của triều đại, sự tồn vong của quốc gia vào thời điểm đó vô cùng rõ ràng. Người có chức vụ mà thưởng phạt không công bằng thì sẽ tạo nên sự oán hận trong lòng dân, sau cùng đến nỗi không thể sửa chữa sai lầm được nữa. Mức độ nhỏ là một gia đình, một đoàn thể nhỏ, ngày nay gọi là công ty, hãng xưởng. Làm ông chủ doanh nghiệp, nếu sự thưởng phạt của bạn đối với nhân viên rất công bằng thì nhân viên cấp dưới nhất định sẽ vui vẻ phục tùng bạn, họ có thể tận trung, tận tâm tận lực cống hiến cho bạn. Nếu thưởng phạt không công bằng, chỉ căn cứ theo sự yêu ghét của bản thân, lấy tiêu chuẩn này để thưởng phạt thì lòng người sẽ không phục, đến sau cùng nhất định mọi người sẽ rời bỏ bạn. Cho nên bất luận là sự nghiệp lớn hay nhỏ, lâu dài hay tạm thời nếu muốn làm tốt việc này thì tương đối không dễ dàng. Điều này là đại học vấn, không những là học vấn mà còn phải có kinh nghiệm phong phú. Chúng ta xử sự đãi người tiếp vật trong thường ngày không thể không chăm chỉ học tập điều này. Khi hoằng pháp lợi sanh Phật pháp cũng không thể xa lìa nguyên tắc này.

Thế nhưng thế đạo ngày nay so với thời xưa khó khăn hơn nhiều. Người thời xưa đều có cơ duyên tiếp nhận giáo dục của Thánh Hiền, ngày nay gọi là giáo dục nhân văn, đọc sách rõ lý. Nói cách khác, người xưa đối với hết thảy sự lý nhân tình tương đối thông đạt, tương đối khách quan, người và người chung sống với nhau dễ dàng dung hòa. Xã hội ngày nay không được như vậy, giáo dục về nhân văn, luân lý, đức hạnh có thể nói là đã bị xóa bỏ toàn bộ. Điều mọi người chúng ta tiếp thu là sự giáo dục của chủ nghĩa công lợi phương Tây, cho nên tình người rất bạc bẽo, rất cạn cợt. Điều này không chỉ là đối với người ngoài mà ngay cả đến quan hệ giữa cha con, anh em của chính mình cũng vô cùng lệch lạc. Điều này trong xã hội hiện đại chúng ta nhìn thấy quá nhiều rồi. Ví dụ như tranh đoạt tài sản để lại, tài sản phân chia không công bằng, tranh chấp đến tòa án. Những việc thế này chúng ta thường xuyên nghe thấy, thường xuyên nhìn thấy, nhưng vào thời xưa rất hiếm khi nhìn thấy, ngày nay đã trở thành một việc bình thường, thường có thể nhìn thấy. Điều này vào thời xưa sẽ là đại bất hiếu, đại bất kính, người hiện nay đâu biết được. Người xuất gia có đạo tràng, lão Hòa Thượng viên tịch rồi thì để lại một số sản nghiệp, các đồ đệ của ông không thể khoan dung lẫn nhau, đôi bên tranh đoạt, cũng tranh chấp đến tòa án. Những sự việc này trong lịch sử thời xưa chưa từng nghe nói qua. Trong lịch sử việc anh em trong nhà tranh chấp tài sản thỉnh thoảng cũng có, nhưng người xuất gia tranh chấp tài sản thì trong lịch sử không có ghi chép, thế nhưng ngày nay chúng ta thường xuyên nghe thấy, cũng thường xuyên nhìn thấy. Điều này vô cùng bất hạnh, lòng người bất bình, oán hận tích tụ, khi phát ra sẽ là tai họa, đây là điều chúng ta không thể không lưu ý, không thể không chú ý cẩn thận để mà đối đãi.

Câu tiếp theo là “hưởng lạc quá độ”, câu này nói về hưởng lạc. Con người có ai mà không mong cầu hưởng thụ? “Lạc” là đại dục, dục vọng lớn của con người. Trong chú giải cũng giải thích rất hay và trích dẫn trong phần “Khúc Lễ” của Lễ Ký một câu nói: “Chớ nên hưởng lạc đến tột cùng, đừng nên phóng túng dục vọng”. Đây là giáo huấn của Thánh Hiền nhân. Hưởng lạc nhất định phải có tiết chế, không được phép quá độ, nếu quá độ sẽ như thế nào? Sẽ là “lạc cực sanh bi” (vui hết mức thì sanh buồn), kết quả sẽ là tương phản, cho nên nhất định phải biết tiết chế. Nói về “dục”, con người có dục vọng nhưng không thể phóng túng dục vọng, không được phép buông thả, buông thả thì tai họa sẽ đến.

/ 128