535

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 99

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người.

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 86, trong chú giải cũng chỉ có hai câu:

Cưỡng thủ cưỡng cầu. Háo xâm háo đoạt.” (Đoạt ngang, cướp cạn, thích xâm lấn, chiếm đoạt).

Hai đoạn đầu của chú giải rất quan trọng, cũng rất có ý nghĩa. Thế nào gọi là “cưỡng thủ cưỡng cầu”? Đó là “Phận mình không đáng có nhưng lại quyết lòng muốn có, đó gọi là cưỡng ép”. “Phận” là bổn phận, bổn phận của bạn là không đáng có được. Chỗ này phạm vi vô cùng rộng, danh văn lợi dưỡng ngũ dục lục trần đều bao gồm ở trong đó. Tài phú mà bạn không đáng có, bạn lại nhất định muốn có, địa vị mà bạn không đáng có được, bạn cũng nhất định muốn tranh đoạt lấy, đây gọi là “cưỡng”. Phàm là thuộc về những loại này, kỳ thực việc này có phù hợp với đạo lý nhân quả hay không? Nhất định là không phù hợp, nếu sự việc này là thật, trong mạng của bạn không có mà bạn lại nhất định muốn có, nếu bạn có được thì định luật nhân quả đã bị đánh đổ rồi.

Không những Phật pháp đã nói với chúng ta, mà Thánh Hiền thế xuất thế gian, các vị Thần thánh trong hết thảy các tôn giáo, không một ai mà không xiển dương chân lý nhân quả này. Nói cách khác, bổn phận của bạn không có, hiện nay bạn miễn cưỡng nhất định muốn có, bạn quả nhiên có được rồi, đó vẫn là trong mạng của bạn có. Nói khác đi, “phận mình không đáng được có”, nhưng hiện tại lại có. Nói cách khác, thí dụ về tài phú, trong mạng của bạn có tài phú chứ không phải hiện tại bạn có được tài phú, cũng chính là nói thời tiết nhân duyên chưa chín muồi, lúc này bạn cứ cố tranh đoạt lấy, dù bạn đoạt được thì những tài phú mà bạn lẽ ra có được trong 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa hiện tại chẳng qua là lấy sớm mà thôi, vẫn là trong mạng của bạn có sẵn. Cho nên ngạn ngữ cũng nói rằng: “Trong mạng có thì sẽ có, trong mạng không có thì đừng nên cưỡng cầu”, bạn cưỡng cầu cũng cưỡng cầu không được. Thế gian từ xưa đến nay, trong ngoài nước, người thích việc cưỡng cầu quá nhiều. Nếu 100 người cưỡng cầu, mà 100 người đều có được thì dường như có đạo lý. Thế nhưng trong 100 người cưỡng cầu, chân thật có thể có được thì chỉ một hai người mà thôi, có thể thấy đây không phải là thật. Chúng ta từ chỗ này, bình lặng mà quan sát. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói với chúng ta rất rõ ràng, nói rất thấu triệt đạo lý nhân quả, chân tướng sự thật, nhân quả báo ứng, đã lấy ra rất nhiều thí dụ. Chúng ta phải nên thấu triệt, sau đó thì ý niệm mong cầu sẽ tự nhiên mất đi, sẽ không còn nữa, đây là ý nghĩa của từ “cưỡng”, là miễn cưỡng.

Phía sau lại nói, lấy những thứ của người khác để cung cấp cho chính mình thì gọi là “thủ”. Vì chính mình mà nhờ cậy người khác thì gọi là “cầu”, người khác cúng dường ta thì đây là “thủ”. Ta xin xỏ sự giúp đỡ của người khác thì đây là “cầu”, đều không thể miễn cưỡng. Phật pháp dạy chúng ta tùy duyên tùy phận, đây là người chân thật rõ lý. Dùng quỷ kế để ngấm ngầm chiếm lấy thì gọi là “xâm”, cậy thế chiếm lấy công khai thì gọi là “ đoạt”, đạt được như thế sẽ khó mà tiêu thụ, ngay cả những gì vốn có cũng bị mất luôn. Những lời này là chân thật bất hư, nếu dùng âm mưu quỷ kế lừa gạt đạt được, đây là “xâm”, xâm lược người khác, dùng thế lực của bạn, quyền lực của bạn, địa vị của bạn, ngang ngược trắng trợn mà đoạt lấy, những việc này xưa nay trong và ngoài nước, đặc biệt là trong xã hội hiện tại dường như đã trở thành phong khí phổ biến. Người có thể cưỡng thủ cưỡng cầu, có thể xâm phạm người khác, đoạt lấy của người khác thì xã hội lại tôn xưng là anh hùng hảo hán, mọi người đều bội phục người đó rất giỏi, người đó có phương pháp. Họ không nghĩ đến việc bạn tranh đoạt được là nhất thời, bạn có thể hưởng thụ được mấy ngày chứ? Đâu biết họa hoạn đang ở phía sau, nếu chúng ta nhìn thấy họa hoạn phía sau đó là bạn phạm tội, bạn sẽ bị phán xử kết án, trong Phật pháp gọi đây là hiện báo, sau khi hiện báo kết thúc, vẫn còn có hậu báo. Trong Phật pháp có một thí dụ gọi là “hoa báo”, giống như việc hoa nở vậy, sau khi hoa nở thì kết thành quả, gọi là quả báo. Trong giai đoạn hoa báo chúng ta nhìn thấy những người này đều rất không tốt, nhưng người đời không biết cảnh giác, quả báo đều là ở ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Con người thực tế mà nói đều là đang mê hoặc điên đảo, không biết được sự đáng sợ của nhân quả.

Tiếp theo đưa ra cho chúng ta rất nhiều công án, thông thường chúng ta gọi là câu chuyện. Việc thứ nhất là: “Trịnh Tuyên nói, tôi thấy tiền bạc là món vật mà mọi người đều yêu mến, ắt sẽ tranh giành.” Họa hoạn vô cùng! Việc này không cần thiết phải có học vấn thật cao thâm, cũng không cần phải có kiến thức rất sâu rộng, chỉ cần chúng ta bình tâm mà quan sát, đều ở ngay trước mắt chúng ta.