/ 128
431

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 98

 

Chư vị đồng học, xin chào mọi người.

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 85:

Khuể nộ sư phó. Để xúc phụ huynh.” (Oán giận thầy dạy của mình. Xung đột với cha anh).

Trong chú giải đã nói rất rõ ràng về hai câu này. Điều này so với lỗi ‘mạn kỳ tiên sinh’ (khinh thường thầy dạy) có khác biệt. “Mạn” là khinh mạn, thông thường chúng ta nói là không xem sư phụ ra gì, “mạn” là vô cớ mà ngạo mạn. Câu “oán giận thầy dạy của mình”, đó là “[do thầy] dạy dỗ quở trách mà nổi giận”. Thầy dạy dỗ học trò, học trò không phục, trong tâm phẫn nộ, trong tâm căm hận. “Nộ” là biểu hiện ở bên ngoài. “Cổ nhân sự sư chi đạo, vô phạm vô ẩn” (Đạo thờ thầy của người xưa là không xúc phạm, không che giấu). Đây là thái độ mà người đi học đối đãi với thầy của mình vào thời xưa, “phàm là người dạy ta thì đều phải dùng tâm khiêm tốn và hòa khí để tiếp nhận, lẽ nào lại có thể sân nộ, người sân nộ thì nhất định phước phần của mình sẽ bị mỏng đi hoặc vô phước mà thôi”. Đoạn này chúng ta phải nên ghi nhớ.

Hiện tại nếp sống xã hội mỗi ngày mỗi khác, sư đạo đã không còn tồn tại nữa, không những sư đạo không còn, thực tại mà nói thì hiếu đạo cũng không còn. Xã hội ngày nay chúng ta có thể nhìn thấy, hoặc nghe thấy tình trạng phổ biến là con cái bất hiếu với cha mẹ, học trò bất kính với thầy, việc này đã trở thành nếp sống rồi. Chúng ta sống trong xã hội này phải làm thế nào? Vậy phải hỏi chính mình trước, phải chăng muốn thành tựu đạo nghiệp? Nếu muốn thành tựu đạo nghiệp thì vẫn phải tuân thủ giáo huấn của cổ Đức. Nếu không muốn thành tựu đạo nghiệp thì có thể tùy thuận theo nếp sống, thế nên chính mình phải có điểm dừng. Bản thân chúng ta phải chọn đi theo con đường nào? Những lời giáo huấn của Thầy, nếu chúng ta cảm thấy Thầy đã sai, người xưa rất có tu dưỡng, họ không dám mạo phạm, sự tu dưỡng của chúng ta chưa đủ, có thể thỉnh giáo với Thầy về sự quở trách của Thầy, xem mình đã phạm những sai lầm gì? Bản thân con cảm thấy mình không phạm sai lầm, Thầy cho rằng con đã phạm sai lầm, vậy con phạm sai ở chỗ nào? Có thể thưa hỏi để Thầy nói cho rõ ràng, minh bạch. Tuổi tác của Thầy nhất định lớn hơn chúng ta, kinh nghiệm và học thức phong phú hơn chúng ta, nhìn nhận vấn đề cũng sâu sắc hơn chúng ta, nhìn xa rộng hơn chúng ta, đây là thực tế. Có những lúc chúng ta tự cho mình là đúng, chỉ nhìn vào việc trước mắt, nếu nhìn một cách xa rộng thì mới thấy có lỗi lầm, đây là việc mà chúng ta luôn luôn không thể lý giải. Hơn nữa lại còn oán hận Thầy, các vị phải biết, nếu các vị oán hận Thầy của mình thì Thầy có dạy cho mình nữa không? Nhất định là không? Thầy sẽ rất khách sáo với bạn, sẽ không dám dạy bảo bạn thêm nữa. Vì sao vậy? Bởi vì đức độ của bạn quá nhỏ bé, bạn không thể nào dung nạp được, thế là Thầy sẽ không dạy bạn nữa.

Khi tôi còn trẻ thân cận với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, học trò tùy tùng đi theo Thầy rất nhiều, Thầy giáo huấn học trò có sự khác biệt. Người nào có thể tiếp nhận sự trách mắng, thật sự là họ không dám mạo phạm thì Thầy trách mắng giáo huấn người đó đặc biệt nhiều. Dường như thường xuyên gặp mặt thì cũng thường xuyên nghe Thầy răn dạy trách mắng. Nếu một đến hai lần biểu hiện ra dáng vẻ không sẵn lòng tiếp nhận, Thầy nhìn ra được từ đó về sau Thầy sẽ không nói người đó nữa, dù có lỗi cũng không nói nữa. Vì sao vậy? Vì không muốn kết oán với học trò. Bạn thường hay nói mà họ lại không thể tiếp nhận, hơn nữa lại còn oán hận, vậy đây không phải là kết oán thù rồi sao? Cho nên vị lão sư thông minh thì sẽ không kết oán thù với người. Bạn có thể tiếp nhận thì tôi sẽ dạy bạn. Việc này Đại sư Ấn Quang có nói, bạn có một phần thành kính thì dạy bạn một phần, có hai phần thành kính thì dạy bạn hai phần, bạn không có tâm thành kính thì không dạy bạn nữa, lên lớp dạy học, bạn ngồi bên cạnh nghe là được rồi. Tuyệt đối sẽ không xem bạn là đối tượng để dạy bảo. Từ đây có thể thấy, tổn thất là ai vậy? Tổn thất là chính mình.

Câu kế tiếp: “xung đột với cha anh”. Trong nhà Phật có nói tám chữ, là căn bản của Phật pháp, việc dạy học của Phật pháp là từ hiếu kính mà bắt đầu. Các vị cũng biết câu đầu tiên của Tịnh Nghiệp Tam Phước là “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Phật Pháp là từ đâu mà bắt đầu? Là từ đây mà bắt đầu. Phật pháp cũng từ chỗ này mà viên mãn, thành Phật. Thành Phật nghĩa là gì? Nghĩa là hiếu thân tôn sư đạt đến cứu cánh viên mãn, đây gọi là thành Phật. Cho nên Phật Pháp là từ đây mà bắt đầu, mà cũng kết thúc ở tại chỗ này.

/ 128