/ 128
460

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 97

 

Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Xin mời xem “Cảm Ứng Thiên” đoạn thứ 83: “Kiến tha thất tiện, tiện thuyết tha quá. Kiến tha thể tướng bất cụ nhi tiếu chi. Kiến tha tài năng khả xưng nhi ức chi.” (Thấy người khác sa chân lỡ bước, bèn rêu rao lỗi lầm của họ. Thấy người khác hình hài chẳng vẹn toàn bèn chê cười. Thấy người khác có tài năng đáng ca ngợi bèn chèn ép).

Trong phần chú giải của đoạn này nói rất hay. Nếu dùng lời hiện nay để nói thì “thất tiện” nghĩa là lỗi lầm, hoặc giả là khi họ gặp chuyện thất bại, gặp phải hoàn cảnh khốn cùng, hầu hết người thế gian lúc này luôn luôn nói ra các loại lỗi lầm của họ. Lỗi lầm có thể là có, nhưng đa số là chuyện bịa đặt, là chuyện phỏng đoán, suy tưởng, tuyệt chẳng có căn cứ thực sự, nên gây oan uổng cho người ta. Trong Chu Tử có mấy câu nói rằng: “Mọi sự trong thiên hạ vốn dĩ bại thì dễ mà thành thì khó”, thế nên việc tốt thì lắm giày vò trắc trở, thành tựu được là vô cùng khó khăn. Chúng ta tỉ mỉ mà quan sát xã hội hiện nay, thậm chí là tự mình tỉ mỉ mà suy nghĩ những điều gặp phải trong cuộc đời này, những việc tốt như việc lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, nhất định không phải là việc chỉ lợi ích cho bản thân mình, những việc tốt như vậy có thể thành tựu hay không? Cũng chưa chắc. Chúng ta biết được vì sao, vì việc này phải cần phước báo của chúng sanh, chúng ta tự mình phát tâm vì chúng sanh mà phục vụ, vì chúng sanh làm một chút việc tốt, chúng sanh có phước báo hay không? Nếu không có phước báo, thì sự phát tâm của chúng ta, hành vi của chúng ta rất dễ bị người khác phá hoại, hiện tại như vậy, trong quá khứ cũng là như vậy.

Chúng ta nhìn thấy trong lịch sử, một thí dụ rõ ràng nhất trong lịch sử Trung Quốc đó là Nhạc Phi tận trung báo quốc thời Nam Tống. Ông đích thực là vì quốc gia, vì dân tộc, vì nhân dân, nhưng vẫn bị Tần Cối và Tống Cao Tông giết hại. Có thể là trên mặt lịch sử thì người đời sau vĩnh viễn tưởng nhớ ông, nhưng khi đó ông đã không được toại nguyện, đây là ví dụ điển hình rõ ràng nhất của “việc tốt thì lắm giày vò”. Từ đây có thể thấy, chúng ta muốn phát tâm thay xã hội, thay chúng sanh làm một chút việc tốt, nếu muốn không có chướng ngại thì thật sự không có việc này. Chướng ngại từ đâu mà đến vậy? Nếu không phải là nghiệp chướng của bản thân mình thì nghĩa là chúng sanh không có phước báo lớn như vậy, họ đáng phải bị nạn, đáng chịu tội, chư Phật Bồ-tát đến thị hiện cũng không thể cứu nổi họ. Tương tự sự việc như vậy, thì xưa nay trong và ngoài nước có rất nhiều những nhân sĩ có lòng và có ý chí. Bất kỳ thời đại nào, bất kỳ một địa phương nào cũng đều có, thường thì hơn một nửa trong số họ đều không được toại nguyện, những người không được toại chí này ẩn dật trong các rừng núi.

Bạn xem, trong Nhị Thập Ngũ Sử của Trung Quốc, mỗi một bộ đều có phần “Ẩn dật chí”, trong phần này đều ghi chép về những nhân sĩ sống ẩn dật. Họ có đạo đức, có tài năng, họ không phải là không chịu bước ra xã hội để làm việc cho xã hội cho đất nước, mà không có cơ hội, mới vừa bước ra thì đã bị người khác chướng ngại rồi, quá nhiều chướng duyên, bất đắc dĩ đành phải thối lui vào rừng núi. Thậm chí còn có một số người xuất gia, một số người tu đạo ở trong nhà Phật, trong các Đạo quán, người thông thường trong xã hội nói ở những nơi này có ngọa hổ tàng long. Thật vậy, đó không phải là giả, tuy những người này chân thật có học vấn, có đạo đức nhưng họ không đạt được ý muốn. Họ chỉ có thể an phận giữ mình, họ biết tu tâm dưỡng tánh, cuộc sống tinh thần của bản thân cũng không ngừng được nâng cao, họ không bao giờ làm càn làm bậy, vì sao vậy? Vì họ không vì chính mình, họ vì chúng sanh, nếu có duyên thì họ làm lợi ích cho thiên hạ, không có duyên thì họ chăm lo tu dưỡng chính mình.

Đây là thông thường chúng ta quan sát thấy, 50 năm trở lại đây trong thời đại chúng ta, chúng tôi đã gặp phải, kinh nghiệm của chúng tôi cũng chẳng thể nào khác như vậy. Những người thân cận với tôi thời gian lâu một chút thì đều biết, nếu chúng tôi không gặp được Hàn Quán Trưởng thì cuộc đời này của chúng tôi sẽ không có gì đáng để nói nữa, cũng chỉ có thể ẩn cư mà thôi. Chính mình tu dưỡng bản thân nhưng đối với xã hội, đối với Phật giáo thì không thể có sự cống hiến, chướng duyên quá nhiều, may gặp được một vị hộ pháp đắc lực. Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, chướng ngại của chúng tôi liền đến, nếu không tiếp tục gặp được sự hộ trì của cư sĩ Lý Mộc Nguyên thì chúng tôi cũng không thể làm được gì. Cho nên tôi thường nói, hết thảy công việc trong Phật pháp mà chúng tôi làm cho xã hội, có phải là công lao của chính chúng tôi hay không? Không có, công lao là của ai? Của những người hộ pháp. Tôi thường nói, công đức hộ pháp siêu vượt hơn công đức hoằng pháp không biết là bao nhiêu lần. Những bậc long tượng trong hoằng pháp, tôi tin rằng có rất nhiều, nhưng những người này không được những người có đủ sức lực hộ trì, nên đức hạnh năng lực của họ cũng hết đường xoay trở, không thể phát huy. Tôi tin tưởng việc này sâu sắc, người có năng lực và trí huệ vượt hơn tôi rất nhiều, đáng tiếc là không gặp được người hộ trì đắc lực. Cho nên chúng tôi đến mỗi một nơi đều khuyên bảo tứ chúng đồng tu phải biết hộ pháp. Phật pháp có thể thường trụ ở thế gian này hay không, có thể lợi ích quảng đại quần chúng hay không hoàn toàn là ở việc hộ pháp. Người hoằng pháp có năng lực thế nào đi chăng nữa, có đức hạnh có học vấn có trí huệ thế nào đi nữa, nếu không có một người hộ pháp đắc lực thì người đó cũng chỉ là một người rất bình thường mà thôi, không có tiếng tăm gì, không ai biết đến họ. Hầu hết người thế gian tự tư tự lợi, không buông xả, phàm khi nhìn thấy có sự tổn hại đến lợi ích cá nhân thì họ nhất định đứng lên phản kháng, nhất định đứng lên chướng ngại. Đây là việc thường tình của con người, xưa nay trong ngoài nước đều không thể tránh khỏi. Cho nên tôi thường khuyên bảo các đồng tu, các vị phát tâm hoằng pháp thì các vị nhất định phải tôn trọng hộ pháp, phải kết pháp duyên, nếu cứ tự cho mình là đúng, cống cao ngã mạn, trong mắt không có một ai thì pháp duyên của bạn sẽ bị đoạn dứt, không người nào hộ trì bạn. Bạn dù có năng lực cao hơn nữa thì bạn cũng không cách nào để phát huy.

/ 128