/ 128
503

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 93

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người! Hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục trả lời các vấn đề của các đồng tu.

Vấn đề thứ nhất, vị này hỏi là thể nghiệm thấy việc dụng công học Phật có ma chướng, là sự việc vô hình, xin hỏi sư phụ đến lúc nào thì ma mới rời đi, không chướng ngại chúng ta nữa? Ma chướng là nhất định có, ma từ đâu mà có vậy? Bạn nói đây là việc vô hình, vô hình có hai chữ, nói cách khác, bạn không nhìn thấy, bạn cũng không nghe thấy, bạn cũng không tiếp xúc được, nhưng nó thật sự gây ra chướng ngại cho bạn. Một loại ma là từ chính mình mà ra. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác Thế Tôn đã nói với chúng ta, ma có bốn loại lớn. Ngũ ấm ma, phiền não ma là từ trong ý thức của bản thân chúng ta mà sản sinh ra. Đây thuộc về nghiệp chướng, chính là từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã tự tạo ra rất nhiều nghiệp bất thiện nên mới có hiện tượng này. Đây là 50 loại ấm ma mà Kinh Lăng Nghiêm đã nói, 50 loại này phân phối ở trên “sắc, thọ, tưởng, hành, thức”, mỗi một cái Phật nói 10 loại, tổng cộng là 50 loại, đều là thuộc về bên trong. Loại thứ hai là oan gia trái chủ, việc này là thuộc bên ngoài, oan thân trái chủ là từ đâu mà đến? Cũng chính là chúng ta từ đời đời kiếp kiếp trước đã kết oán thù với vô vàn chúng sanh, sự việc này rất phiền phức, số lượng rất nhiều, không cùng tận. Lần trước, chính là mấy ngày trước, Pháp sư Minh Hư nói với tôi, ông nói lão Hòa Thượng trên núi của ông có định công, những thứ trong thế giới vô hình ông có thể nhìn thấy được, những gì ông nhìn thấy chính là oán thân trái chủ của mỗi một người đều xếp thành hàng rất dài, không thể nào nhìn thấy được người đứng ở cuối hàng. Những lời này tôi suy nghĩ thấy có thể tin được. Trong đời này thôi đã không biết là kết oán với bao nhiêu chúng sanh rồi, huống gì đời đời kiếp kiếp vô lượng kiếp đến nay, bạn làm sao lại không có oán thân trái chủ chứ? Khi bạn tu hành chưa có công phu thì họ không có gì để nói, những người này sẽ đợi bạn. Khi bạn đang thời vận tốt, họ không đến, nhưng khi thời vận của bạn suy rồi, họ sẽ đến gây phiền phức, sẽ đến báo thù. Do đây có thể biết, đời người tại thế gian này nhất định không nên gây thù chuốc oán với chúng sanh, được vậy thì xem như bạn rất thông minh, bạn nhất định phải có sự cảnh giác cao độ. Cho dù gặp phải một số việc không như ý thì cũng phải có công phu nhẫn nại, quyết không khởi tâm oán hận, hóa giải oán thù này, “oan gia nên giải không nên kết”, kết oán thù không có gì tốt cả, sau cùng vẫn là tự gây phiền phức cho chính mình. Cái phiền phức này đời đời kiếp kiếp không ngừng dứt, vô cùng đáng sợ. Đời người tại thế gian này rất ngắn tạm, có gì mà phải trở ngại gây khó khăn với nhau chứ? Phật ở trong kinh nói rất hay, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “vạn pháp giai không nhân quả bất không”. Cho nên cần phải buông xuống, không nên chấp trước, vậy thì ma chướng của bạn liền ít đi. Trước mắt khi chúng ta dụng công, gặp phải những cảnh giới này, Phật cũng dạy chúng ta làm thế nào để giải quyết những vấn đề này. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, khi cảnh giới hiện tiền, không nên để ý nó, cứ công phu miên mật như vậy, không để gián đoạn thì ma sẽ rời xa thôi. Bất luận là ma dùng phương thức gì đối với bạn mà bạn có phản ứng vậy thì thế lực của ma sẽ lớn, bạn không có phản ứng thì nó liền đi mất, vì nó dùng pháp thuật này đối với bạn không có hiệu quả. Tôi năm xưa ở San Francisco, có một tỳ-kheo ni xuất gia bị một người ngoại đạo dùng pháp thuật, sau khi tiếp xúc với người này trở về thì cảm thấy trong người không được khỏe, bị đau đầu. Vào lúc này bà nhận được một cú điện thoại, người ấy nói “Bà hiện tại có phải đang đau đầu hay không?” Bà lập tức cảnh giác được người ta đang dùng pháp thuật với mình, bà liền trả lời “đâu có đâu có, tôi đang rất khỏe, rất bình thường mà”, pháp thuật của người ấy liền không linh nghiệm nữa. Cho nên, nếu bạn không tiếp nhận thì họ đành phải đi thôi, bạn mà tiếp nhận thì sẽ khởi tác dụng. Cho nên Kinh Lăng Nghiêm nói, khi cảnh giới hiện tiền, bạn mặc kệ nó là cảnh giới tốt, bạn mà quan tâm để ý nó thì thành cảnh giới ma. Cho nên đều không thể sanh ý niệm, căn bản là không để ý đến, vậy thì tốt. Không những không để ý đến cảnh giới ma mà cảnh giới Phật cũng không nên để ý. Nếu bạn thường hay ưa thích cảnh giới Phật thì ma sẽ biến cảnh giới Phật ra để dụ hoặc bạn, để lừa gạt bạn, bạn liền bị mắc lừa. Cho nên dù Phật cảnh hay ma cảnh thì hết thảy đều không để ý, nhất định y theo giáo huấn của kinh điển mà dụng công cho thật tốt.

/ 128