THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 92
Các vị đồng học, xin chào mọi người. Hôm nay có một số vị là bạn cũ của chúng ta đến từ nước Mỹ, đến từ Bắc Kinh, đến từ Cát Lâm. Nghe nói các đồng học đến từ Cát Lâm chiều nay phải trở về rồi. Thời gian tuy rất ngắn, nhưng chúng tôi đã giao lưu vô cùng vui vẻ, đối với việc tu học Phật pháp nhất định phải nhận thức cho rõ ràng. Hôm qua chúng ta đã dùng thời gian hai giờ đồng hồ để tóm tắt một cách đơn giản và nói rõ cương lĩnh của việc tu học. Nội dung vô cùng phong phú, nếu nói chi tiết thì phải cần thời gian rất dài, hai giờ đồng hồ chỉ nêu ra được cương lĩnh để chúng ta biết phải học tập như thế nào.
Ngạn ngữ xưa có câu “sống đến già, học đến già, học không hết”, thế gian và xuất thế gian pháp đều không ngoại lệ, chúng ta học Phật thì vĩnh viễn không có chỗ cùng tận. Trong kinh Phật đã nói với chúng ta, từ sơ phát tâm đến quả địa Như Lai, thời kiếp rất dài, không có cách nào tính đếm. Trong kinh Đại Thừa thường nói ba đại A-tăng-kỳ kiếp, cách tính đó là bắt đầu tính từ ngày chứng đắc Viên Giáo Sơ Trụ đến pháp Vân Địa Bồ-tát, giai đoạn này là ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Từ đó có thể thấy, quãng thời gian trước khi đắc sơ trụ là không tính và quãng thời gian sau khi đắc Pháp Vân Địa thì cũng không tính. Điều này chứng tỏ việc học tập của chúng ta vĩnh viễn không có chỗ cùng tận.
Buổi tối hôm qua tôi tin rằng rất nhiều đồng học và tôi đều là lần đầu tiên tham gia buổi lễ thắp sáng đêm bình an của Thiên Chúa giáo do tổng Giám mục làm chủ trì. Chúng ta cũng học được rất nhiều điều. Họ có rất nhiều sở trường và điểm mạnh đáng để chúng ta học theo. Chúng ta cũng có rất nhiều sở trường cần phải phát dương quang đại hơn. Cho nên giờ giờ phút phút đều đang học tập, nhất định không nên quên việc học tập, học tập chính là tu hành mà nhà Phật thường hay nói. Nhất định phải hiểu được hàm nghĩa chân thật của hai chữ “tu hành” này. Tu là tu chính, hành là hành vi, tư tưởng, kiến giải, ngôn ngữ, tạo tác của chúng ta đều là thuộc về hành vi. Hành vi có chỗ sai cần phải sửa đổi trở lại, hành vi không viên mãn thì cũng phải tăng cường tu sửa thêm, phải đạt đến tận thiện tận mỹ, đây gọi là tu hành. Cho nên vạn lần không nên hiểu sai việc tu hành là phải nhất định ở trong chùa tụng kinh lạy Phật, phạm vi đó quá nhỏ hẹp. Tu hành là ở trong cuộc sống thường ngày, là trong khởi tâm động niệm chúng ta phải sâu sắc mà thể hội.
Hôm qua tôi đã nhận được một bản fax, Chương Quân Phong là một cư sĩ nổi tiếng, ông gửi đến qua mạng Internet. Bức thư này của ông tôi xin đọc qua cho mọi người nghe, ông nói: “Thưa Pháp sư Tịnh Không, A Di Đà Phật, sau khi chúng con nghe xong băng giảng của Ngài, trở lại xem một số sách của Phật giáo, đối với Phật pháp đã có được một số hiểu biết. Chúng con đã quen biết một số người trẻ tuổi, họ đối với Phật pháp cũng có hứng thú, mỗi lần họ đến tự viện, trong tự viện có rất nhiều cư sĩ phát tâm phục vụ với thái độ vô cùng ngạo mạn, lên mặt ức hiếp người. Rất nhiều người dù rất ưa thích Phật pháp nhưng đã mất đi lòng tin đối với Phật pháp. Một số người còn chuyển sang những tôn giáo khác, một số người thì hủy báng Phật pháp. Nếu muốn hoằng dương mở rộng thì sẽ vô cùng khó khăn, người chịu đến chùa rất ít. Trong đây cũng bao gồm rất nhiều Pháp sư và cư sĩ tâm huyết, nhưng sau khi đến tự viện, do biểu hiện của những cư sĩ đó khiến họ rất khó bước vào cửa Phật. Chúng con vô cùng lo lắng những điều như vậy sẽ đoạn đi huệ mạng của chúng sanh. Những cư sĩ chúng con khẩn cầu Pháp sư có thể giảng một bài về “cư sĩ làm thế nào để phục vụ nơi tự viện”, và “làm thế nào đối đãi với chúng sanh”. Vấn đề này đã tồn tại trong các tự viện ở Đại Lục một cách nghiêm trọng, vì huệ mạng của chúng sanh, vì giúp nhiều chúng sanh đi vào cửa Phật hơn, giúp những cư sĩ phát tâm không tiếp tục tạo nghiệp trong sự vô tri như vậy, khẩn thỉnh Ngài thành toàn ước nguyện của chúng con”.
Tôi nghe nói ngày 29 này ông Dương là phó cục trưởng cục tôn giáo quốc gia sẽ đến Singapore để tham gia đại hội mừng thiên niên kỷ mới của chúng ta, tôi sẽ đem bức thư này giao lại cho ông Dương. Bạn hỏi tôi cư sĩ nên phục vụ trong cửa Phật như thế nào? Tấm gương tốt nhất là cư sĩ Lý Mộc Nguyên, cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã từng diễn giảng cho chúng ta nghe hai lần rồi, tổng cộng là bốn giờ đồng hồ. Trong bốn giờ này là báo cáo sự phục vụ của chính ông trong cửa Phật. Hai cuộn băng ghi hình này chúng tôi cũng làm thành đĩa VCD rồi, đang cho lưu thông một cách rộng rãi. Bức thư này không có ghi địa chỉ, chỉ có trên mạng, hy vọng các bạn đem địa chỉ gửi cho tôi, tôi sẽ đem những tư liệu của Lý Mộc Nguyên gửi về cho các bạn, các bạn có thể làm tham khảo. Cư Sĩ Lâm Phật giáo Singapore và Tịnh Tông Học Hội, hai đạo tràng này không xem là lớn, nhưng cư sĩ phát tâm làm thiện nguyện ở những nơi này thì vô cùng nhiều, họ cũng đều rất nhiệt tình, không giống như những gì mà bạn nhìn thấy. Tuy nhiên những tình trạng mà bạn nhìn thấy tôi rất thấu hiểu, tôi thấy cũng rất nhiều, làm thế nào để tạo ra một sự chuyển biến? Vậy thì phải nhờ giáo dục, nếu tự mình không tiếp nhận giáo dục Phật-đà cho tốt, thì sẽ rất khó tránh khỏi những phiền não tập khí này. Cho dù là ngày ngày nghe kinh nghe pháp, khuyết điểm vẫn không ngừng khởi phát.