/ 128
1.653

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 82


Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Mời mọi người xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 76 và đoạn thứ 77: “Vô cố tiễn tài, phi lễ phanh tể” (Không duyên cớ mà may quần áo mới. Không đúng lễ mà giết mổ súc vật). Câu này ý nói là không biết trân quý vật lực.

Hai câu tiếp theo nói: “Tán khí ngũ cốc, lao nhiễu chúng sanh” (Vung vãi hoang phí ngũ cốc. Làm nhọc sức chúng sanh). Đây là bốn câu trong kinh văn.

Hết thảy chúng sanh sanh đến thế gian này đều có nghiệp nhân. Nhà Phật nói rõ cho chúng ta chân tướng sự thật này. Phàm phu trong lục đạo đều chịu sự chi phối của nghiệp lực, những cơ hội ở trong một đời này như vinh hoa phú quý, thọ mạng ngắn hay dài, tất cả đều có định số. Do đó, những người xem tướng đoán mệnh giỏi đều tiên đoán tương đối chuẩn xác. Giống như đoạn mở đầu của Liễu Phàm Tứ Huấn, tiên sinh Viên Liễu Phàm đã thuật lại cho chúng ta: Thời trẻ ông được Khổng tiên sinh đoán mạng, tiên đoán vận mạng lành dữ của cả cuộc đời ông hầu như không mảy may sai chạy, đích thực chứng minh là không sai sót một chút nào. Đây không phải là những thầy bói toán thông thường trong xã hội, lời nói của những thầy bói này không đáng tin và không có trách nhiệm. Khổng tiên sinh đích thực có học vấn, ông có kiến thức cũng có tu dưỡng, cho nên ông mới có thể tiên đoán một cách chính xác như vậy.

Từ đó chúng ta biết được: Cuộc đời của một con người quả thật là giống như người phương Tây từng nói. Tôi trước đây từng xem qua những lời tiên tri của nhà tiên tri người Pháp Nostradamus, trong đó ông rất nhiều lần nói đến: Cuộc đời của một người giống như một kịch bản đã được viết sẵn, họ sống theo kịch bản này, không có ai có thể thay đổi kịch bản này. Điều này đều là quan niệm về số mạng. Phật pháp thừa nhận vận mạng là có thật, thế nhưng vận mạng nhất định có thể thay đổi được, tuyệt đối không phải là cố định.

Trước tiên chúng ta cần hiểu vận mạng từ đâu mà có? Là do chính mình tạo ra, nghiệp nhân quả báo ở trong đó vô cùng phức tạp. Nghiệp nhân có liên quan đến vô lượng kiếp trước, do tích luỹ phiền não tập khí trong đời đời kiếp kiếp và kết ân oán nợ nần với hết thảy chúng sanh, đến những đời tiếp theo khi nhân duyên hội tụ thì phải trả nợ. Do đó nợ mạng phải trả mạng, nợ tiền phải trả tiền. Những nghiệp nhân trong quá khứ nếu như chúng ta bình lặng mà tư duy quan sát cuộc đời của chính mình thì sẽ tự chứng minh được. Trong cuộc đời này, tất cả những người mà chúng ta gặp, hết thảy việc, hết thảy vật, suy nghĩ thật tỉ mỉ sẽ thấy có người đối với mình tốt, đó là vì trước đây chúng ta có ân huệ với họ。 Nếu có người đối với mình không tốt, chung sống không tốt là do trước đây chúng ta có oán với họ. Khi chúng ta đạt được tài vật thì trong tâm nên hiểu là do người khác trả nợ cho chúng ta, khi chúng ta bị tổn thất thì biết là chúng ta trả nợ họ. Nhà Phật nói rất rõ ràng, người sống ở thế gian chẳng qua cũng chỉ là báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ mà thôi, tất cả đều vì những điều này mà đến.

Cho nên Phật tổng kết thành một câu: Nhân sanh có ý nghĩa gì? Là “nhân sanh thù nghiệp”. Chữ “thù” nghĩa là đền đáp, chữ “nghiệp” có nghĩa là nghiệp đã tạo trước đây, nếu trước đây tạo nghiệp thiện thì đời này bạn sẽ hưởng phước, nếu kiếp trước bạn tạo ác nghiệp thì đời này cuộc sống sẽ khó khăn vất vả. Thế nhưng nghiệp thì luôn không ngừng tạo, quả cũng không ngừng nhận. Nhân quả tuần hoàn, khi bạn hưởng phước nhất định sẽ lại tạo nghiệp.

Chúng ta không nói người khác, trong lịch sử Trung Quốc có “thập toàn lão nhân”, nói về phước báo thì từ xưa đến nay không ai có thể sánh được với hoàng đế Càn Long: Phước đức, thông minh trí huệ, khoẻ mạnh trường thọ, ông đều có đầy đủ cả. Đó quả thật là phước báo do ông tu được từ vô lượng kiếp đến nay mà có. Ông làm hoàng đế sáu mươi năm, sau đó bốn năm làm thái thượng hoàng, thế nhưng trong cuộc đời mình, ông cũng đã tạo không ít ác nghiệp. Khi phước báo hưởng hết rồi thì ác báo sẽ hiện tiền. Cho nên chúng ta quan sát từ chỗ này, Phu Tử nói với chúng ta: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi” (Nguy thay lòng người, vi diệu thay tâm đạo), hai câu này nói rất có đạo lý, nếu như người không giác ngộ thì không thể không tạo nghiệp. Phước báo càng lớn thì càng dễ dàng tạo nghiệp, hơn nữa lại càng tạo ác nghiệp rất nghiêm trọng. Những người bình dân trên thế gian không có uy đức, không có quyền thế, cho nên tội nghiệp cả đời tạo ra tương đối ít, tương đối nhỏ, chúng ta bình lặng quan sát tỉ mỉ thì sẽ biết.

/ 128