THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 81
Các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 73:
“Cô mãi hư dự. Bao trữ hiểm tâm.” (Mua bán danh hão, ôm lòng sâu hiểm)
Ý nghĩa của hai câu này dùng ngôn ngữ hiện tại để miêu tả thì gọi là đánh bóng tên tuổi. Trong chú giải có trích dẫn hai câu nói rất hay của Mạnh Tử và Trang Tử. Mạnh Tử nói: “Hữu chư nội, tất hình chư ngoại” (Bên trong thật có ắt biểu hiện ra bên ngoài). Trang Tử nói: “Danh giả, thật chi tân giả” (Danh là khách của thực). Đó chính là kiến giải của cổ Đại đức. Đã gọi là “Thực chí danh quy” (Có thực tài thì ắt có danh tiếng) thì đâu cần tìm cầu danh hão làm gì chứ, có tâm đi tìm cầu danh hão thì tâm này đã không thiện rồi. Vì vậy dụng ý của câu : “Ôm lòng sâu hiểm” là nói ẩn chứa cái tâm bất thiện ở bên trong.
Đối với chữ “danh”, chính mình cảm thấy đôi khi là việc tốt, thế nhưng trên thực tế nếu danh tiếng không đúng với thực chất thì quỷ thần sẽ đố kỵ, cũng có thể nói đó là nguồn gốc của tất cả chướng nạn. Vì vậy người xưa mong cầu gây dựng đức hạnh chứ quyết không mong cầu sự nổi tiếng. Chư Phật Bồ-tát vì giáo hoá chúng sanh nên các Ngài cũng không tuyên dương bản thân. Chúng ta thấy trong kinh điển, trong sách xưa, những vị Thánh Hiền thế xuất thế gian không có vị nào là không khiêm tốn, không cung kính người khác, mà đều xem trọng người khác. Chúng ta hãy suy nghĩ thật kỹ đạo lý ẩn sâu trong đó, nếu quả nhiên có thể thấu hiểu được thì chúng ta đã học được đạo làm người rồi.
Tâm thiện, hạnh thiện thì quả báo mà chúng ta đạt được sẽ là thiện quả, nếu tâm hạnh bất thiện mà chúng ta muốn được quả báo tốt thì làm gì có chuyện đó. Thế gian này vì sao lại trở thành trược ác như vậy? Vì sao lại có nhiều tai nạn đến như vậy? Người học Phật hiểu được: “Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh”, tất cả tai nạn đều do tâm tưởng của chúng ta biến hiện ra. Nếu chúng ta ẩn chứa một cái tâm bất thiện thì tự nhiên sẽ có quả báo bất thiện. Chúng ta học Phật, Phật Bồ-tát dùng tâm gì vậy? Tâm các Ngài dùng chính là “tâm Bồ-đề” mà trong kinh Phật thường nói. Tâm Bồ-đề là tâm chân thành, tâm hiếu thiện hiếu đức, tâm thành tựu cho người khác. Đó mới là chân thiện, cũng gọi là “Chỉ ư chí thiện” (đến mức chí thiện), trong các quả báo thì đó cũng là quả báo thù thắng nhất. Chúng ta cần phải hiểu, cần giác ngộ, cần chăm chỉ nỗ lực tìm cầu. Có câu: “Trong cửa Phật, có cầu tất có ứng”. Hy vọng chúng ta có thể lĩnh hội sâu sắc đạo lý này.
Phải tránh xa danh văn lợi dưỡng, những thứ này đều không tốt. Những điều mà người thế gian truy cầu đều là mê hoặc điên đảo. Chúng ta hãy xem những vị Thánh Hiền thế xuất thế gian trong và ngoài nước từ trước đến nay chưa từng truy cầu danh văn lợi dưỡng, từ trước đến nay chưa từng tìm cầu sự hưởng thụ của ngũ dục lục trần. Do đó đạo đức của các Ngài có thể được thành tựu, công đức được viên mãn. Công đức này chính là giúp đỡ xã hội, giúp đỡ hết thảy chúng sanh, kiến công lập nghiệp. Tuy rằng có công đức thù thắng nhưng các Ngài không để ở trong lòng. Các Ngài luôn luôn thị hiện khiêm tốn, luôn luôn tiết kiệm, luôn luôn cung kính khi đối người, đối việc, đối vật. Đó chính là điều chúng ta nên học tập các Ngài.
Hai câu tiếp theo: “Tỏa nhân sở trường. Hộ kỷ sở đoản” (Ém tài người khác, giấu giếm sự kém cỏi của mình). Đây cũng là một căn bệnh lớn. Bệnh này từ đâu mà ra vậy? Là do tâm đố kỵ chướng ngại mà ra. Khi thấy người khác có điểm tốt hơn mình thì tìm mọi cách chướng ngại họ, còn nhược điểm của mình thì ra sức che đậy giấu giếm. Đây là điều đại ác, bạn có thể lừa dối người thế gian nhưng không thể lừa dối Phật Bồ-tát, không thể lừa dối quỷ thần. Nói tóm lại, tất cả đều do bản thân chúng ta mê hoặc điên đảo mà ra. Ý niệm sai rồi, sai ở tự tư tự lợi. Từ những điểm này chúng ta mới có thể thể hội được sự kiên cố của ngã chấp, hết thảy đều là vì cái ngã.
“Ngã” là gì? Trong Phập pháp đã nói rất rõ ràng: “ngã kiến”. “Ngã kiến” chính là chấp chước, chúng ta nói là thành kiến. Chấp chước có cái ta, chấp chước cái thân thể này là ta. Đây chính là cội nguồn của hết thảy sai lầm, từ đây sanh khởi “ngã ái”, “ngã si”, “ngã mạn”. Kinh luận tông Duy Thức nói: “Tứ đại phiền não thường tương tuỳ ” (bốn phiền não lớn thường theo nhau), bốn thứ này chính là thứ người thế gian chấp chước cho là mình. Chúng ta suy nghĩ xem có đúng như vậy không?