/ 128
822

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 80

 

Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Hôm nay tại đây có các đồng tu đến từ tỉnh Hắc Long Giang- Trung Quốc, cũng có các đồng tu đến từ Đài Loan. Lần tụ hội này thật là hiếm có. Lần này hội trưởng Lý vừa trở về từ Trung Quốc, hiện nay mọi người đều ý thức được sứ mạng hoằng pháp lợi sanh mà người xuất gia đảm nhận, vì vậy việc tu dưỡng đức hạnh vô cùng quan trọng. Vậy thì công việc này nên bắt đầu thực hiện từ đâu? Ngày xưa khi chúng tôi còn đi học ở trường, có thời khoá gọi là giáo dục tinh thần. Buổi sáng hằng ngày làm lễ chào cờ, nghe lời dặn dò của thầy hiệu trưởng và các thầy cô, nội dung là dạy bảo chúng tôi cách làm người. Chúng tôi nhờ những lời giáo huấn hằng ngày của thầy cô nên lãnh hội được ít nhiều đạo lý làm người, đạo lý xử thế.

Ngày nay tứ chúng đồng tu chúng ta tụ hội tại nơi đây, sáng sớm mỗi ngày họp mặt nửa tiếng, mục đích cũng là như trên, nửa giờ đồng hồ này vô cùng quan trọng. Yêu cầu của các đồng tu là muốn tôi lợi dụng thời gian của buổi sáng sớm này để giảng lại một lần nữa Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Nội dung của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chính là giúp chúng ta thành tựu việc giáo dục đức hạnh của chính mình. Hiện tại vấn đề này quả thực vô cùng bức thiết. Ấn Quang Đại sư đã nhìn ra vấn đề này rất rõ ràng, rất minh bạch. Cho nên cả cuộc đời Ngài cực lực đề xướng giáo dục nhân quả.

Thực chất của giáo dục nhân quả chính là giáo dục đức hạnh. Điều này chúng tôi trong khi giảng kinh cũng đã nhiều lần báo cáo với các bạn rồi. Phật trong Kinh luận thường nói: “Muốn biết nhân đời trước, xem quả báo đời này. Muốn biết quả tương lai, xét nhân gieo hiện tại.” Đây là đại đạo lý của nhân quả. Chúng ta muốn biết tiền đồ của mình là tươi sáng hay là đen tối thì ngay trong khởi tâm động niệm, cử chỉ hành vi của mình đại khái sẽ biết được. Chúng ta muốn biết thế gian này là loạn thế hay là an ổn thì chúng ta chỉ cần xem người trong xã hội này nghĩ những điều gì, nói những điều gì, làm những điều gì. Xã hội hiện nay là như thế nào, xã hội trong tương lai sẽ diễn biến ra sao, chúng ta sẽ biết rất rõ ràng, rất tường tận. Thế nhưng nếu chúng ta tự mình phản tỉnh, cẩn thận quan sát xã hội này thì tiền đồ quả thật khiến chúng ta lo lắng. Đó chính là hiện tượng phổ biến của việc tự tư tự lợi. Tất cả cử chỉ hành vi đa phần đều là tổn người lợi mình.

Xã hội ngày nay chúng ta thường nghe đến hai chữ “cạnh tranh”, cạnh tranh chính là không nhường nhịn lẫn nhau, như vậy thì xã hội làm sao không loạn được, làm sao có thể an định, làm sao có thể hoà bình được? Ngày nay hoà bình trở thành một khẩu hiệu, hoà bình biến thành một cái danh nghĩa rồi. Rất nhiều người đều đang kêu gọi hoà bình, hô hào hoà bình, thế nhưng hai chữ “hoà bình” diễn nói thế nào họ cũng không biết. Trong Ấn Độ giáo có nghi thức cầu nguyện hoà bình với ba mức độ ý nghĩa khác nhau. Tôi đã từng giải thích sơ lược qua với các bạn rồi. Chữ “hoà” chính là mọi người chung sống hoà mục, chữ “bình” là đôi bên bình đẳng đối đãi lẫn nhau.

Ý nghĩa đầu tiên của hai chữ “hoà bình” chính là chúng ta cầu nguyện người và người có thể chung sống hoà mục với nhau, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt quốc gia dân tộc, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo. Hết thảy mọi người đều có thể chung sống hoà mục, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, cùng nhau giúp đỡ, hợp tác và đối đãi bình đẳng. Đây chính là ý nghĩa đầu tiên của “hoà bình”.

Ý nghĩa thứ hai của “hoà bình” là mong cầu nhân loại chúng ta chung sống hoà mục với hoàn cảnh tự nhiên. Trong môi trường sống của chúng ta có động vật, có thực vật, có khoáng vật, chúng ta cần yêu thương chúng và cũng cần chung sống bình đẳng với chúng. Ý nghĩa thứ ba của “hoà bình” là chúng ta mong cầu chung sống hoà mục với chư thần trong trời đất, giữa thần với thần, giữa người với thần cũng đều đối đãi bình đẳng. Chúng ta kính trọng thần thánh, trong mỗi một tôn giáo đều đặc biệt nhấn mạnh việc kính yêu thần thánh. Chúng ta cần đem tâm hạnh tôn kính thần, kính yêu thần áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày như đối với tất cả người, đối với tất cả việc và đối với tất cả vật. Điều này mới là thật sự tôn kính đối với chư thần.

Ba ý nghĩa của “hoà bình” rất sâu sắc. Chúng ta hiểu rõ, chúng ta có thể làm được và áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, như vậy xã hội mới có sự an định, thế giới mới có hoà bình, chúng sanh mới được hạnh phúc. Những điều này cần phải được xây dựng trên sự tu dưỡng đức hạnh của chúng ta. Trong bốn khoa mục giáo học của nhà Nho, điều đầu tiên là đức hạnh, điều thứ hai là ngôn ngữ, tiếp theo mới là chánh sự và văn học. Sự giáo dục này có thứ tự, có trước sau. Chúng ta lại tỉ mỉ quan sát giáo dục của mỗi tôn giáo cũng đều đem giáo dục đức hạnh xếp ở vị trí thứ nhất. Do vậy chúng ta không thể không xem trọng, không thể không chăm chỉ học tập.

/ 128