/ 128
838

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 79

 

Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn kinh văn thứ 69:

Sính chí tác uy, nhục nhân cầu thắng” (Phô trương oai thế cho thỏa chí. Làm nhục người khác để giành phần thắng).

Câu tiếp theo: “Bại nhân miêu giá.Phá nhân hôn nhân.” (Hủy hoại mùa màng của người khác. Phá hoại hôn nhân của người khác).

Chúng ta xem hai câu này trước. Chú giải của Vựng Biên có nói một đoạn nhỏ như sau: “Bậc quân tử chánh trực, nghiêm khắc với chính mình, đối đãi ôn hòa, gia ân cho người khác; người khác tuy sợ nhưng yêu mến”. Đây là cổ Thánh tiên Hiền dạy chúng ta nguyên tắc làm người, cũng là bổn phận làm người.

Nhà Nho chia người đọc sách, người có đức hạnh làm ba cấp độ: Thánh nhân, Hiền nhân và Quân tử. Danh xưng Quân tử chính là nói học vấn của bạn đã có thành tựu, giống như ngày nay học tập tại trường đã được bằng cấp, học vị. Do đó, Quân tử chính là học vị đầu tiên, giống như học vị cử nhân hay đã tốt nghiệp đại học. Người thời xưa gọi đây là Quân tử. Tiêu chuẩn làm người của họ là chánh trực, đoan chánh. Tâm chánh trực, hành vi chánh trực. Hai chữ này trong Phật pháp chúng ta thường nói là: như lý như pháp. Hợp với lý luận, hợp với đạo lý, hợp với phép tắc, hợp với nhân tình. Tình, lý, pháp đều có thể làm được rất viên dung. Đó chính là đối đãi với chính mình thì nghiêm khắc, đối đãi với người khác thì hòa huệ. Hòa là hòa bình, huệ là ân huệ. Chung sống với người khác nhất định phải hòa thuận, nhất định phải bình đẳng, nhất định phải giúp đỡ người khác. Chữ “huệ” ở đây chính là giúp đỡ người khác, có thể thành tựu cho người khác. Đó chính là đức hạnh của Quân tử.

Tiêu chuẩn của nhà Nho là như vậy. Tiêu chuẩn của nhà Phật cũng như vậy. Trong Phật pháp nói càng rõ ràng hơn. Đó là tam phước, lục hòa, tam học, lục độ. Các khoa mục của nhà Phật đều không xa rời bốn chữ này: Chánh, Trực, Hòa, Huệ.

Các bạn đồng tu học Phật chúng ta đặc biệt cần chú ý, nếu như người còn không làm được thì làm sao có thể thành Phật được chứ? Hai câu này của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, ý nghĩa trên thực tế là khuyên chúng ta đối nhân xử thế phải khiêm tốn, cung kính. Mặc dù có tranh chấp, chúng ta có lý và dùng lý lẽ thuyết phục người khác, nhưng e rằng có thể khiến người khác khởi lòng oán hận. Huống hồ nếu như lý do của chúng ta không đầy đủ thì sẽ tạo tội nghiệp. Đó gọi là ỷ thế ức hiếp người khác.

Phạm vi chữ “thế” ở đây rất rộng. Người ngày nay thông thường đa phần đều tự cho rằng mình đúng. Cho nên, họ phô trương thanh thế, thỏa thích làm hùm làm hổ. “Làm nhục người khác để dành phần thắng” thì càng không thể chấp nhận được, đó là cố ý sỉ nhục người khác. Vì sao họ muốn làm như vậy? Là vì họ muốn đề cao bản thân. Chúng ta đã từng nghe nói: có một số người gặp những người có địa vị tương đương họ hoặc là cao hơn họ, họ phê bình, làm nhục những người đó trước đại chúng. Mục đích của họ là gì? Là để cho người khác thấy bản thân họ cao hơn những người đó. Cách làm này trên thực tế chỉ là tự dối mình gạt người. Người chân thật có đức hạnh, có học vấn, có tu dưỡng nhìn thấy, nghe thấy rồi sẽ hiểu rõ ngay. Tiền đồ tương lai của bạn thế nào họ nhìn thấy rất rõ ràng, rất minh bạch. Nhưng thật ra mà nói điều này chính là tự làm nhục bản thân mình. Người khác có bị tổn hại không? Không hề!

Trong chú giải nói tiếp: “Nếu hở ra liền phô trương oai thế, ỷ thế bức hiếp người khác thì dẫu được kẻ khác nín chịu, nhưng người ta chẳng mến mộ đức, làm sao có thể cao hơn kẻ khác cho được”. Đối với hành vi này, người khác tuy bề ngoài có vẻ bị khuất phục bởi uy đức của bạn nhưng kỳ thực tâm họ không phục. Như vậy, bạn làm sao có thể lãnh đạo người khác được? Làm sao có thể lãnh đạo quần chúng được? Một nhà lãnh đạo thành công nhất định sẽ hết sức khiêm tốn, biết nhịn nhường, lấy lễ đối người.

Chú giải chỗ này nói rất hay, “lấy chánh trực đối đãi bản thân, lấy ôn hòa, ân huệ đối đãi người khác”. Người như vậy bất luận trong thế pháp hay Phật pháp nhất định sẽ thành tựu. Nhà Nho nói “chánh tâm, thành ý”, tuân thủ giáo huấn của Thánh hiền. Giáo huấn cơ bản của Thánh Hiền nhân đối với hết thảy chúng sanh hầu như đều tương đồng. Nhà Nho dạy người giữ lễ, nói năm chữ: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Đây chính là nền tảng để làm người, căn bản để làm người. Nếu có thể tuân thủ theo thì chính là chánh trực đối đãi với bản thân mình.

/ 128