THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 76
Các vị đồng tu, xin chào mọi người.
Hôm qua tôi ở Cư Sĩ Lâm, tình cờ xem được một tờ báo của Los Angeles. Trong đó có một bảng thống kê, con số thống kê quả thật khiến chúng ta cảm thấy vô cùng lo lắng. Cũng khiến chúng ta lập tức thể hội rằng tai nạn của thế gian này không thể tránh khỏi. Chúng ta làm thế nào trong thời đại này tự cầu đa phước và còn phải giúp đỡ người khác? Đây là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt của chúng ta.
Phật dạy chúng ta đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh. Không chỉ là Phật, Bồ-tát dạy chúng ta như vậy. Khi chúng ta đọc kinh của những tôn giáo khác, hầu như bất kỳ tôn giáo nào cũng đều giáo huấn như vậy. Dùng nhãn quang của Phật Pháp để quan sát, chúng ta khẳng định giáo chủ của mỗi một tôn giáo đều là Phật, Bồ-tát đến thị hiện. Giống như trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy rất nhiều chư thần, thiên chúng thần chúng, tất cả đều là chư Phật Như Lai hóa thân thị hiện. Tuy cách nói của các Ngài không giống nhau, nhưng nếu bạn quan sát kỹ lưỡng thì là tương đồng. Không vị nào không dạy người đoạn ác tu thiện. Những lời dạy về việc đoạn ác tu thiện cũng hầu như tương đồng.
Tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn của phương Tây là Cơ Đốc Giáo và Thiên Chúa Giáo. Mười điều răn của họ và ngũ giới thập thiện của chúng ta, có thể nói là hoàn toàn tương đồng. Phụng thờ Đức Chúa trời, những nguyên tắc tu học của họ cùng với trong Phật Pháp chúng ta nói về “tịnh niệm tương tục” là hoàn toàn tương đồng. Chúng ta nói rằng “không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn”, bên họ cũng có yêu cầu như vậy. Tuy nhiên Phật Pháp giảng rất thấu triệt, giải thích hết thảy nguyên cớ nguyên do một cách rõ ràng khiến chúng ta có thể tin sâu không hoài nghi.
Tại sao lại có nhiều tai nạn đến như vậy? Thế gian tại sao xảy ra nhiều việc bất hạnh như thế? Sáng sớm nay cư sĩ Truyền nói với tôi, phía Nam New Zealand xảy ra lũ lụt, vành đai phía ngoài châu Úc xảy ra động đất mức độ hơn 6,5 độ richte. Khắp nơi trên toàn thế giới đều nhìn thấy tai nạn, chúng ta phải đề cao cảnh giác.
Giáo dục của Thánh Hiền không ngoài ba sự việc, chúng tôi đã giảng rất nhiều lần rồi: Việc thứ nhất nói rõ quan hệ giữa người với người. Hiện tại chúng ta không hiểu, không biết cách làm người. Ngạn ngữ nói rất hay: “Thiên thời không bằng địa lợi. Địa lợi không bằng nhân hòa”. Chỉ cần xử lý tốt quan hệ nhân hòa thì bất cứ việc gì cũng có thể thuận buồm xuôi gió. Tại sao chúng ta không thể chung sống với người khác được, không thể chung sống tốt được? Đây là vấn đề lớn. Thế nhưng từ trước đến nay chưa có ai suy nghĩ nghiêm túc cẩn thận việc này. Đây thực sự là một vấn đề học vấn, là công phu thực sự.
Nếu bạn thật sự là người thiện thì ai ai cũng muốn gần gũi bạn, mọi người đều yêu mến bạn, nương tựa vào bạn. Trong Phật Pháp thường nói đến điều này. Nếu chúng ta nhiệt tình phục vụ mọi người mà họ lại từ chối, vậy chúng ta phải quay đầu nghiêm túc kiểm điểm. Nếu không kiểm điểm, không phản tỉnh thì chúng ta vĩnh viễn không bao giờ biết được lỗi lầm của bản thân. Chúng ta không biết phải sửa lỗi từ đâu nên không thể sửa được. Sửa lỗi thì có thể nâng bản thân lên thêm một nấc mới, là cải tiến, tiến là tiến bộ, siêu phàm nhập Thánh.
Sự khác nhau giữa phàm và Thánh, nói đơn giản nhất là phàm phu chỉ chuyên nhìn thấy lỗi của người khác, không thấy lỗi của chính mình. Thánh nhân hoàn toàn ngược lại, chỉ nhìn thấy lỗi của chính mình, không nhìn thấy lỗi của người khác. Đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay “người chân thật tu hành không nhìn lỗi thế gian”. Gặp một số chuyện trên thế gian, Ngài liền tự mình phản tỉnh. Lỗi lầm nhất định là ở nơi mình mà ra, Phật pháp như vậy, thế gian pháp cũng như vậy.
Mỗi lần tôi giảng pháp thường nhắc đến vua Thuấn trong Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Trong Nhị Thập Tứ Hiếu, vua Thuấn được xếp thứ nhất. Người Trung Quốc nói đến hiếu đạo không thể không nhắc đến vua Thuấn. Vì sao Vua Thuấn là tấm gương hiếu thảo tốt nhất cho chúng ta? Đó là do Ngài không nhìn lỗi người. Chúng ta từ ghi chép trong lịch sử thấy được hoàn cảnh Ngài rơi vào là nghịch cảnh, là hoàn cảnh cực kỳ ác nghiệt. Phụ thân Ngài nghe theo lời của mẹ kế, người em trai mà mẹ kế sinh ra luôn rắp tâm tìm cách hại chết Ngài. Nhưng trong tâm của Ngài luôn cảm thấy cha, mẹ kế, em trai đều không có lỗi lầm mà lỗi lầm ở bản thân ngài. Vì sao mình lại khiến người khác ghét bỏ, ngay cả cha mẹ huynh đệ đều ghét mình? Ngày ngày đều phản tỉnh, ngày ngày đều kiểm điểm, ngày ngày đều sửa lỗi. Cuối cùng cha mẹ, em trai đối với Ngài đều rất tốt. Ngài không những cảm hóa được cả gia đình mà còn cảm hóa cả hàng xóm láng giềng, đến cuối cùng cảm động đến quốc vương. Vua Nghiêu nghe thấy có chuyện hiếm có như vậy đã đem con gái gả cho Ngài. Ngôi vua cũng nhường cho Ngài. Đây là Thánh nhân. Khác biệt giữa phàm và Thánh là ở chỗ này. Người phàm hay nói là: “Tôi là đại ca, tôi không có lỗi, tất cả đều là lỗi của người khác.” Đó là phàm phu. Thánh nhân sẽ nói là “tôi đầy tội lỗi, tội nghiệp là của tôi, người khác đều không có lỗi.” Đây là sự khác biệt giữa phàm và Thánh.