THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 77
Các vị đồng tu, xin chào mọi người. Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 66:
“Hình nhân chi xú, yết nhân chi tư.” (Phô bày những điều xấu của người khác. Rêu rao chuyện riêng tư của người).
Trong chú giải của sách Vựng Biên đoạn đầu tiên nói rất hay: “Đối với hạnh xấu của kẻ khác, gọi là nói ra sẽ khiến cho người ta bị nhục nhã, chớ nên để người khác nghe thấy, người lại phô bày, bộc lộ, ắt lòng đôn hậu bị tổn thương, âm chất cũng bị tổn hại theo.” Đoạn này đã đem những việc ác nói rõ cho chúng ta biết rồi.
Người xưa thường nói “Con người nào phải Thánh Hiền, ai mà không mắc lỗi?”. Thử hỏi người thế gian, không chỉ là người ở thế gian này mà lục đạo chúng sanh, bao gồm cả cõi trời thì vẫn là phàm phu, kiến tư phiền não chưa đoạn dứt thì ai mà không có lỗi, ai mà không có chuyện riêng tư? Vì vậy bàn đến việc xấu và chuyện riêng tư của người khác là việc làm rất không có đạo đức. Nói cách khác là việc gây tổn thương tình cảm, đánh mất tâm nhân hậu của chính mình, đánh mất âm đức của chính mình và còn kết oán thù sâu nặng với người khác. Điều này chúng ta cần phải hiểu rõ.
Lời nói gây tổn thương người khác đều ở trong vô tri vô giác mà kết thành oán thù sâu nặng. Oan oan tương báo không biết bao giờ ngừng dứt. Những người đọc sách trước đây hiểu rõ đạo lý này nên hết sức cẩn thận giữ gìn. Các vị Đại đức thời xưa thường nói điều đại kỵ lớn nhất của người tu hành chính là nói việc xấu tốt của người khác. Thậm chí đối với hết thảy những việc thế gian không liên quan đến bản thân thì “Miệng không được nói, tâm không được suy tư, nếu miệng nói tâm suy tư, thì mình đã bị mê muội rồi”. Chữ “muội” ở đây chính là mê muội lương tâm của chính mình.
Câu sau nói cũng rất hay: “Nếu chuyên tâm tu hành và tìm lỗi của chính mình thì đâu có thời gian để lo chuyện người khác”. Điều này chính là Đại sư Lục Tổ Huệ Năng thường nói: “Nếu là người chân thật tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Không phải là không có mắt hoặc là không nhìn thấy mà là không có thời gian để thấy lỗi người khác. Chính mình là một thân đầy tội nghiệp, một thân đầy lỗi lầm, tự mình sửa đổi còn không kịp thì làm gì có thời gian để lo việc của người khác. Cho nên đạo nghiệp của người tu hành có thành tựu trong đời này hay không, điều này vô cùng quan trọng. Nếu thích nói lỗi lầm của người khác, thích thăm dò lỗi lầm của người khác, người này nhất định không phải là người tu hành. Người như vậy nhất định sẽ đọa vào tam đồ. Cho nên tương lai của bản thân chúng ta trong lục đạo như thế nào, chính chúng ta đều rõ hơn ai hết.
Trước đây có người từng hỏi tôi: “Con liệu có bị đọa địa ngục không ?” Tôi trả lời: “Câu này bạn không cần phải hỏi tôi, bạn hãy tự mình kiểm điểm thì sẽ biết ngay”. Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh nói với chúng ta, hủy báng Tam Bảo, hủy báng người tu hành, tội hủy báng đều đọa địa ngục A-tỳ. Chúng ta cần phải tin tưởng rằng phá hòa hợp Tăng, phá hoại đạo tràng, đặc biệt là phá hoại một đạo tràng chánh pháp, nếu bạn có một niệm tán thán thì sẽ được vô lượng vô biên phước báo; một ác niệm hủy báng, đố kỵ, chướng ngại nổi lên liền tạo tội nghiệp đọa địa ngục A-tỳ. Do vậy họa phước chỉ trong một niệm. Con người vốn là ngu si [không chịu nhận biết] như vậy.
Chúng ta thử nghĩ xem chính chúng ta có tạo tác những tội nghiệp như vậy không? Chúng ta không phải là Thánh Hiền thì nhất định đã tạo những nghiệp tội đó rồi. Chỉ là tội nặng hay nhẹ, lớn hay nhỏ mà thôi. Rất nhiều người học Phật thậm chí là người xuất gia oán trách Thích-ca Mâu-ni Phật, phê bình Tổ sư Đại đức, phê bình kinh giáo, phê bình ngôn luận tác phẩm của cổ Đại đức. Điều này chúng ta thường xuyên nhìn thấy. Họ không suy nghĩ kỹ, chúng ta chưa cần nói đến kinh Phật mà chúng ta hãy xem những lời của Tổ sư Đại đức xưa đã nói trong Ngữ Lục. Vì sao các Ngài lại nói như vậy? Đối tượng Ngài nói đến là những ai? Dụng ý của các Ngài nằm ở đâu? Chúng ta không chịu nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng mà tùy tiện phê bình nên tạo ra tội nghiệp này. Chúng ta không hiểu dụng ý của các Ngài, không hiểu hoàn cảnh đương thời của các Ngài.
Khi Phật thuyết pháp, Ngài thường nói với chúng ta: “Phật vô hữu pháp khả thuyết” (Phật không có pháp nào để nói). Tổ sư Đại đức cũng vô pháp khả thuyết. Nhưng vì sao các Ngài lại thuyết pháp, đó là vì chữa bệnh cho chúng sanh. Cho nên khi thuyết pháp nhất định phải có đối tượng. Đối tượng đó có khuyết điểm gì? Nếu đối tượng đó chấp trước “không”, thì Phật Bồ-tát sẽ nói là “có”. Nếu chấp trước “có”, Phật Bồ-tát liền nói “không”. Do vậy nói thuyết pháp thực ra là để đối trị những khuyết điểm tật xấu và tiêu trừ những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Thật ra các Ngài đâu có pháp nào để thuyết mà thường nói pháp chứ. Chỉ là phá chấp trước của hết thảy chúng sanh mà thôi.