/ 128
1.245

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 75


Quý vị đồng học, xin mời xem đoạn thứ 62 trong Cảm Ứng Thiên.

Nguyện nhân hữu thất. Hủy nhân thành công” (Mong người khác thất bại; Phá hoại sự thành công của người khác)

Từ đây đến tám đoạn sau đều nói về “nhu ác” (điều ác ẩn giấu trong lòng). Ác có hai loại cương và nhu (ác bộc lộ bên ngoài qua hành vi và ác ẩn chứa trong tâm). Trong phần chú giải có nói với chúng ta “nhân chi hữu thất” (người có lỗi lầm, thất bại), đây là chuyện không may mắn. Chữ “thất” này nghĩa là lỗi lầm, cũng có nghĩa là gặp phải tổn thất nào đó.

Khi người gặp phải những chuyện không may, Hiền nhân hay quân tử nhìn thấy, nghe thấy đều luôn có tâm thương xót, nhất định không vui mừng khi người gặp tai họa. Nếu có tâm lý vui mừng thì chính là bất thiện. Thái Thượng ở đây nói với chúng ta đó cũng là điều ác, mặc dù không thể hiện ra hành vi nhưng khởi tâm động niệm này cũng là bất thiện.

Con người trên thế gian không thể tránh khỏi tai họa, là do nguyên nhân gì? Vô lượng kiếp đến nay, chúng sanh trong lục đạo khởi tâm động niệm, tạo tác hành vi nhất định đều là ác nhiều thiện ít. Trong kinh điển Phật giáo, tôi thường hay đọc nhất là Bách Pháp Minh Môn Luận, trong Bách Pháp Minh Môn Luận nói với chúng ta, tâm phiền não của chúng sanh có 26 loại, tâm thiện chỉ có 11 loại. Có thể thấy phiền não là ác tâm sở nhiều gấp đôi thiện tâm sở. Hơn nữa, tập khí ác lại mạnh hơn tập khí thiện, cho nên nếu không nhận được giáo dục tốt, không có công phu tu trì tốt thì “khởi tâm động niệm, không gì là không tội”, điều trong Kinh Địa Tạng nói là chân thật. Không những Phật pháp nói như vậy, các tôn giáo khác cũng có cách nói này, cũng có cách nhìn giống như vậy.

Thế nên vui mừng khi người gặp họa là một thói quen không tốt. Nhìn thấy người khác gặp nạn, nhìn thấy người khác gặp chuyện không may còn ở đó vỗ tay cười lớn. Những tình cảnh này, từ các em nhỏ chúng ta cũng có thể nhìn thấy, đối với thành tựu và thiện hạnh của người khác, chúng ta ít tán thán; nhìn thấy người khác gặp chuyện không may thể hiện ra tâm thái vui mừng như vậy thì vô cùng nhiều. Chúng ta tự mình suy ngẫm tỉ mỉ lại xem, khi chúng ta còn nhỏ, lúc còn đi học có phải là cũng thường có hiện tượng này không? Khi chúng ta gặp chuyện không may, người khác dùng tâm thái như vậy nhìn chúng ta, chúng ta lúc đó có cảm nhận thế nào? Nếu có thể nghĩ đến mức độ này thì mới biết được sự tổn thương của những trò đùa quái ác đối với tâm linh, tinh thần của con người, chúng ta không nên làm chuyện này.

Hủy nhân thành công”, “hủy” ở đây có hai ý, thứ nhất là hủy hoại, thứ hai là hủy báng. Thành công, không quan trọng thành công lớn nhỏ. Đối với người đang tổ chức sắp xếp công việc, hết thảy đều mong họ có thành tựu, đặc biệt là công việc vì xã hội, vì chúng sanh, đương nhiên nhân duyên trong công việc này vô cùng phức tạp. Sự nghiệp kinh doanh của một người, có ai mà không hi vọng có thành tựu chứ? Nếu chúng ta hủy hoại [công việc của họ], đó là tạo nghiệp.

Sự nghiệp thành tựu nhất định có nhân đời trước, người hủy hoại chỉ là tăng thượng duyên, giúp đỡ họ cũng là tăng thượng duyên. Thực tình mà nói đối với người kinh doanh sự nghiệp, rốt cuộc [sự hủy hoại đó] có tổn hại lớn bao nhiêu? Chỉ là sự cản trở thôi, còn muốn phá hoại thì trong Phật pháp nói là không thể được. Các vị trì hoãn thành tựu của họ, việc này thì có thể, nhưng thực sự không thể nào cản trở được, vì đó đi ngược lại với định luật nhân quả rồi.

Cho nên nếu chân thật thông đạt đạo lý nhân quả báo ứng và chân tướng sự thật thì con người sẽ bình tâm lại. Nhân tốt mà họ trồng trước đây, đời này nhất định có quả báo thiện, quả báo thiện hiện tiền nếu bị người khác chướng ngại thì có thể là sau năm năm, mười năm, quả báo thiện của họ vẫn sẽ hiện hành, phải biết đạo lý này. Nếu như chúng ta dùng thiện hạnh mà thành tựu điều thiện cho người, thành tựu cái đẹp cho người, đây là tu đức cho chính chúng ta. Hà tất phải tạo nghiệp, thành tựu điều xấu cho người chứ? Chướng ngại chuyện tốt của người, giúp đỡ chuyện xấu của người khác là tạo nghiệp. Như vậy là chúng ta tự mình tạo nghiệp rồi.

Nếu có người tạo phước cho xã hội, làm lợi ích cho chúng sanh, vậy thì các vị phải xem mức độ ảnh hưởng của nó, thời gian ảnh hưởng của nó. Nếu như tầm ảnh hưởng lớn, thời gian dài, vậy thì tội nghiệp [phá hoại] này nặng rồi. Ngàn vạn lần không nên cho rằng, chúng ta hữu ý hay vô ý tạo nghiệp này thì đại khái không quá nghiêm trọng, vậy chúng ta đã nghĩ sai rồi. Nghĩ sai thì thường sẽ làm sai, cho đến khi quả báo hiện tiền, hối hận cũng đã muộn rồi. Cho nên con người nhất định phải có tâm từ bi, phải có tâm đồng cảm. “Điều gì mình không thích thì đừng làm cho người khác”, khởi tâm động niệm phải thường xuyên cảnh tỉnh quán sát, chúng ta có nên suy nghĩ như vậy không? Có nên nói những lời này không? Có nên làm những việc này không?

/ 128