/ 128
1.078

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 74

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người. Mời xem đoạn thứ 61 trong Cảm Ứng Thiên.

Xạ phi trục tẩu, phát trập kinh thê. Điền huyệt phúc sào, thương thai phá noãn” (Săn bắt chim thú; Phá lỗ hang loài vật, làm kinh động chỗ chim đậu; Lấp lỗ hang và lật úp tổ chim; Phá thai hại trứng)

Đây là đoạn thứ tư nói về tội ác sát sanh trong phần Ác báo. “Phi” là chỉ loài chim bay, “tẩu” chỉ loài thú chạy, “trập” tức là động vật [côn trùng] nhỏ bé vẫn chưa sanh ra. “Thê” tức là nghỉ ngơi, chỉ cho chim chóc nghỉ ngơi trên cây, các loài thú nghỉ ngơi trong hang động. “Thương thai phá noãn”, “thai” là chỉ các loài thú, “noãn” tức là phi cầm (chim).

Con người thời xưa sống cuộc sống du mục nên sát sanh cũng là hành vi bất đắc dĩ. Thế nên thời xưa, cổ Thánh tiên Vương khi đi săn bắt thì thường “mở lưới trống ba phía”, đây là nhân từ, tuyệt đối không phải đuổi cùng giết tận trong một lần. Cái tâm đó, hành vi đó thật quá tàn nhẫn, cho nên “mở lưới trống ba phía”.

Con người nhất định phải có tâm từ bi, nhất định không nên sát hại bất kỳ động vật nào. Chúng ta tự đặt mình vào đó mà nghĩ xem, khi người khác tổn thương chúng ta, trong tâm chúng ta có cảm nhận như thế nào? Người khác giết hại người thân của chúng ta, thậm chí là giết hại chính chúng ta, nhất định chúng ta sẽ ôm thâm thù đại hận, tâm báo thù vĩnh viễn không phai nhạt. Người học Phật đều hiểu, con người chết đi không phải là hết. Nếu chết đi là hết, vậy chuyện này dễ dàng rồi. Người hiện nay mê tín khoa học, nói người có tôn giáo tín ngưỡng là mê tín, lời nói này thật quá võ đoán. Chúng ta bình tĩnh mà tư duy thì thấy lời này nói không thông.

Phật nói với chúng ta một chân lý “nhất thiết pháp từ tâm tưởng sanh” (tất cả pháp từ tâm tưởng sanh ra). Trong lòng các vị nghĩ đến Thần thì Thần sẽ xuất hiện, trong lòng các vị nghĩ tới ma thì ma sẽ xuất hiện, tất cả pháp từ tâm tưởng sanh mà! Trong tâm chúng ta có rất nhiều suy nghĩ mà chính mình không thể phát giác.

Suy nghĩ vi tế từ đâu mà có? Từ vô lượng kiếp tích lũy mà có. Phật đã nói rõ với chúng ta, A-lại-da thức giống như một cái kho vậy, ý niệm từ vô lượng vô biên kiếp đến nay của các vị đều trồng xuống hạt giống, hạt giống này gặp được duyên thì khởi hiện hành, vô cùng vi tế. Thập pháp giới từ đâu mà có? Từ tâm tưởng sanh. [Nếu] “tôi không nghĩ tưởng” thì còn có nữa không, hay là vẫn có? “Tôi không nghĩ tưởng” là cái tôi hiện tại không nghĩ, cái tôi đời này không nghĩ, vậy đời trước có nghĩ hay không?

Người hiện tại mê tín khoa học, không tin vào báo ứng của thiên địa quỷ thần. Nhưng trên thực tế ở phương Tây, những chuyện báo ứng của quỷ thần, chúng ta thường nghe, thường thấy ở trên tin tức báo chí. Họ nói chuyện này khoa học không thể lý giải. Chuyện khoa học không thể lý giải rất nhiều. Điều này cho thấy khoa học không phải là vạn năng, khoa học vẫn chưa đạt đến cảnh giới cứu cánh viên mãn. Ngày nay [khoa học] vẫn còn đang tìm tòi, vẫn còn đang suy đoán. Lĩnh vực tri thức không có bờ bến còn thành tựu của khoa học ngày nay thì có giới hạn.

Không chỉ Phật pháp mà các nhà tôn giáo khác thực sự đều có trí huệ, rất nhiều nhà tôn giáo khác cũng có công phu định ở mức độ khá cao. Mặc dù họ không giống như Thiền Tông ngồi quay mặt vào tường tọa thiền, nhưng tâm địa của họ thanh tịnh, thanh tâm quả dục, đối với danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian vô cùng lợt lạt, người như vậy có công phu thiền định.

Định là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh có thể đột phá chướng ngại của thời gian, không gian. Trong lục đạo họ có thể nhìn thấy được cõi trời, có thể nhìn thấy được cõi ngạ quỷ, có thể nhìn thấy được địa ngục. Đó là gì? Đột phá chiều không gian. Công phu càng sâu thì mức độ đột phá càng lớn, càng sâu càng rộng, sâu rộng không biên giới. Sự thù thắng của Phật pháp, công phu định của Phật đã đạt tới chỗ rốt ráo, đột phá được chiều không gian rồi. Phật nói với chúng ta, công phu như vậy, kiến giải trí huệ như vậy, không phải chỉ mình Ngài có, Ngài không thể nào độc chiếm. Ngài nói “tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng của Như Lai”, Phật pháp là bình đẳng. Vấn đề là tâm của các vị hiện tại đã loạn rồi, chỉ cần các vị có thể khôi phục lại sự an ổn, thanh tịnh cùng cực giống như Phật thì các vị sẽ hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Cho nên Phật Bồ-tát bảo chúng ta đi chứng minh, chứng thực. Chúng ta có thể chứng thực lời Ngài nói không phải là giả. Làm thế nào chứng thực? “Diệt trừ tham sân si, siêng tu giới định huệ” thì các vị sẽ hiểu được chân tướng sự thật, hiểu được nhân quả báo ứng trong lục đạo, oan oan tương báo không bao giờ dứt.

/ 128