/ 128
1.471

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 73


Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Buổi giảng sáng nay của chúng ta đã dời từ lầu ba lên lầu tám, do nơi này thiết bị đầy đủ hơn lầu ba, hiệu quả đương nhiên sẽ tốt hơn. Đối với vấn đề của hai bên, chúng tôi gần đây đã cải thiện rồi, nghe nói lầu tám lại lắp thêm một đường dây điện thoại, vậy hai bên của chúng ta có thể khôi phục rồi. Các vị đồng tu ở Mỹ rất hi vọng có thể khôi phục lại liên lạc giữa hai bên, chúng tôi sẽ tận lực xử lý sớm vấn đề này.

Nội dung của chú giải trong Cảm Ứng Thiên Vựng Biên vô cùng phong phú, bởi vì vấn đề thời gian nên chúng tôi không thể chia sẻ với mọi người từng chỗ đặc sắc ở trong chú giải được. Tuy nhiên quyển sách này được lưu thông rất rộng rãi, hi vọng mọi người có thể tự mình nghiêm túc nỗ lực học tập. Đặc biệt là phải thường xuyên làm theo lời dạy bảo của cổ Thánh tiên Hiền, nghiêm túc phản tỉnh, sửa đổi làm mới chính mình thì chúng ta mới có thể giúp đỡ chính mình thoát ly khổ nạn. Không những là khổ nạn hiện tiền, người thông thường thường xem trọng việc trước mắt, sao biết được khổ nạn về sau còn nghiêm trọng hơn việc trước mắt biết bao nhiêu lần, điều này đáng để chúng ta cảnh giác.

Đoạn sau kết luận là “Sùng tín Thánh Hiền giả, vị hữu bất hoạch Thánh Hiền chi báo giả” (Những người kính trọng tin tưởng bậc Thánh Hiền, chưa từng có ai lại không được quả báo làm Thánh làm Hiền), câu kết này rất hay, khích lệ chúng ta phải sùng kính lời dạy bảo của Thánh Hiền. Thế nào là sùng kính? Thế nào là tín ngưỡng? Đều ở y giáo phụng hành thì chúng ta mới có thể được quả báo chân thật mà Thánh Hiền đã nói.

Trong đoạn thứ 60:

Xâm lăng đạo đức” (Xâm hại hủy nhục người đạo đức.) Mở đầu chú giải đã nói với chúng ta về “người đạo đức trên thế gian”, ai mới là người đạo đức? “Như bậc Nho sĩ đọc sách hiểu đạo lý” là nói nhà Nho, và “Tăng đạo khắc khổ tu hành”, đây là những người có đạo đức. Nói cách khác, đạo là hiểu đạo lý, đức là có thể thực hành những đạo lý đã hiểu vào trong cuộc sống thì gọi là đức hạnh.

Phía dưới có nói “lời nói là pháp tắc, hành vi là tấm gương”, chính là câu mà chúng ta nói “học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học để làm thầy người khác, hành động để nêu gương cho đời) , người như vậy là người có đạo đức. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của họ là vì xã hội, vì chúng sanh, không phải vì bản thân. Cho nên nói “siêu đẳng xuất luân” (siêu việt hơn tất cả), họ đã siêu việt người thông thường, siêu việt ở điểm nào? Người thông thường khởi tâm động niệm không cái nào không vì chính mình, tâm lượng nhỏ hẹp. Người có đạo đức, tâm lượng rộng lớn, trong Phật pháp nói là “phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo”. Cho dù hiện tại chúng ta có thân phận gì, làm ngành nghề nào, đều phải hiểu được đạo lý này, đều nên tu học. Cho nên tâm phải lớn, ngạn ngữ thường nói “lượng lớn phước lớn”. Người người đều mong cầu đại phước báo, đại phước báo từ đâu mà có? Không biết! Lời dạy bảo của người xưa rất nhiều mà chúng ta lại lơ là bỏ qua. Tuy cũng thường nghe thấy, thậm chí là chính mình cũng thường nói nhưng nói rồi nghe rồi đều không để ý. Không để ý là không thực sự đặt ở trong tâm, không thực sự đặt ở trên hành vi, cho nên chính mình không đạt được quả báo thù thắng.

Hôm qua tôi gặp phải hai sự việc, việc thứ nhất là Lý hội trưởng nói với tôi công việc ở Đường Thành đang được tiến hành, đây là một chuyện tốt. Tối qua họ đến thảo luận với chúng tôi, hai bên gặp mặt thảo luận. Chúng tôi đã bày tỏ thái độ của mình một cách rõ ràng minh bạch, chúng tôi không vì chính mình mà vì xã hội, vì đất nước này, vì cả thế giới, làm một tấm gương tốt, chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau. Cho nên công việc ở Đường Thành chúng tôi có thể tranh thủ được, chúng tôi sẽ rất vất vả, thế nhưng vất vả này rất xứng đáng, không phải vì chính mình mà là vì xã hội an định, thế giới hòa bình. Dân tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau nhưng có thể tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình, chúng tôi là vì điều này. Nếu như không tranh thủ được thì cũng cảm ơn trời đất. Vì sao vậy? Chính chúng tôi vui vẻ vì không có nhiều chuyện phiền não như vậy. Cho nên đối phương nhất định phải hiểu được thái độ của chúng tôi, chúng tôi không phải là nhất định phải làm. Việc này đối với chúng tôi không có chút lợi ích gì mà là lợi ích của xã hội đại chúng, là lợi ích của hết thảy chúng sanh. Cho nên yêu cầu [của họ] đối với chúng tôi không thể quá đáng, quá đáng thì chúng tôi sẽ không đồng ý, chúng tôi không vì bản thân mà là vì chúng sanh. Nếu như chẳng may không có cơ hội, tôi nói với Lý Mộc Nguyên và mọi người, công đức của chúng ta đã viên mãn rồi. Vì sao vậy? Tâm chúng ta phát ra là chân tâm, chân tâm phục vụ cho chúng sanh, cho xã hội nhưng không có cơ hội! Mặc dù không có cơ hội nhưng công đức của chúng ta vẫn viên mãn, không làm được cũng là viên mãn. Nếu như có thể lấy được thì phải làm được mới viên mãn; thế nên cho dù không lấy được nhưng hễ chúng ta phát tâm thì không làm cũng viên mãn rồi. Tôi nói thái độ của chúng tôi rất rõ ràng, rất minh bạch, để đối phương nghĩ xem làm cách nào để xử lý.

/ 128