1.374

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 70

 

Các vị đồng tu, xin chào mọi người.

Câu “Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi” (biết lỗi mà không sửa, biết điều thiện mà không làm) trong sách Vựng Biên trích một đoạn khai thị của thiền sư Thiên Như thời nhà Nguyên làm thí dụ. Đoạn khai thị này rất dài, ý chính là nói về một bài kệ của người xưa: “Tôi thấy người khác chết, lòng tôi nóng như lửa, chẳng phải xót kẻ chết, mà sẽ đến phiên tôi”.

Bài kệ này cảnh giác cao độ người tu hành, những lời này cũng là lời mà người già thường hay nói: “Có ai mà không biết chứ? Có ai mà không biết nói?” Nhưng Thiền sư nói rất hay: “Chư Đại đức hiện tiền đa phần là do hạ công phu mà được”.

Tào Hàn thời nhà Tống, đời trước thời nhà Đường ông từng nghe Pháp sư giảng kinh một lần. Nhà Phật nói “nhất tọa” tức là một lần, sau khi nghe xong ông vô cùng hoan hỷ, thiết trai cúng dường đại chúng. Nhờ chút việc thiện đó đã khiến ông trải qua mấy đời không mất thân người, đều có được cuộc sống rất tốt. Đến thời nhà Tống thì ông làm tướng quân.

Từ đó cho thấy, người phú quý trên thế gian hiện nay nhất định là đời trước đã từng tu phước báo chân thật. Cơ duyên tu phước báo chân thật thì khó gặp. Có khi gặp được cơ duyên nhưng lại không biết tu phước, thật là đáng tiếc. Phật trong kinh có nói với chúng ta, chúng ta tin tưởng lời của Phật là chân thật. Những người tu hành đều là người đời đời tu hành nghe pháp, bố thí cúng dường từ vô lượng kiếp tới nay. Nếu không có thiện căn phước đức nhân duyên như vậy thì trong cõi ngũ trược ác thế này, các vị làm sao có được thân người nghe được chánh pháp chứ? Duyên phận này thật hiếm có. Các vị đại đức xưa tán thán rằng: “Vô lượng kiếp đến này, thật hiếm có khó gặp”, lời này không hề nói quá mà vô cùng chân thật. Thế nhưng chúng ta lại không để ý đến.

Tại sao công phu tu hành của chúng ta vẫn mãi không tiến triển vậy? Nguyên nhân là do không triệt để buông xuống. Mặc dù ngày ngày công phu, ngày ngày tu tập, sai ở chỗ nào? Sai ở chỗ không tinh tấn, không dũng mãnh, không kiên định, không trường kỳ, không có tâm trường kỳ. Không thể nói các vị không phát tâm, nhưng sau khi phát tâm thì rất dễ thoái chuyển, thói xấu của chúng ta là ở chỗ này. Sai ở chỗ nào có biết không? Biết. Biết nhưng không thể sửa. Thiện có biết hay không? Biết. Biết nhưng không chịu làm.

Vì sao biết mà các vị không chịu làm? Điều này chúng tôi cũng thường kể, khi tôi mới học Phật, khoảng hai mươi mấy tuổi đã từng thỉnh giáo với Chương Gia Đại sư việc này. Chương Gia đại sư nói với tôi rằng: “Là do biết không triệt để”. Tôi ngẫm thấy rất đúng, Ngài nói với tôi, giáo học của nhà Phật “biết khó hành dễ”. Tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc về lời nói này.

“Biết”, thật sự là quá khó. Thế Tôn thuyết pháp 49 năm, chính là mong muốn mọi người biết được chân tướng sự thật này, hiểu rõ đạo lý này. “Hành” thực ra chỉ cách nhau một niệm, ý niệm vừa xoay chuyển thì ngay lập tức thành Phật. Thế Tôn đã làm tấm gương cho chúng ta, chúng ta nhìn thấy Thiện Tài Đồng Tử một đời thành tựu. Trong Kinh Pháp Hoa, Long nữ tám tuổi thành Phật, điều này cho thấy hành không khó. Vì sao các vị lại không chịu thực hành? Là do biết không thấu triệt, chỉ nửa hiểu nửa không. Nếu như hiểu thấu triệt, sáng tỏ rồi thì làm gì có đạo lý không buông xả được? Người thực sự thông suốt thì triệt để buông xuống, vĩnh viễn không thay đổi. Trong kinh điển Phật tán thán người như vậy thật sự là bậc trượng phu, đại trượng phu! Chân thật là anh hùng hào kiệt.

Thế nhưng chúng ta tỉ mỉ quan sát người tu hành trên thế gian này, có mấy người có thể duy trì không thay đổi? Thiền sư Thiên Như nói rất hay: “Trong mười người thì có chục người đều thối thất đạo tâm.” Ngài nói thối thất đạo tâm là nguyên nhân gì? Có nhân duyên của thối thất.

“Nhân” chính là điều khi nãy nói, họ đối với đạo lý của vũ trụ nhân sanh, chân tướng sự thật không thực sự hiểu thấu, đó là nhân. “Duyên” là bên trong có phiền não tham sân si, tự tư tự lợi; bên ngoài thì có sự mê hoặc của ngũ dục lục trần, đây đều là duyên. Nội duyên ngoại duyên đều bất thiện thì họ làm sao có thể không thối chuyển?

Thiền sư ở nơi này giảng cho chúng ta ba loại duyên, thảy đều là sự tướng chân thật. Ngài nói thứ nhất là “Vi thân khẩu sở lụy” (trói buộc vì thân, miệng), vì để ăn ngon hơn một chút, trải qua tháng ngày thoải mái. Chúng ta ngày nay nói là hưởng thụ vật chất, truy cầu danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, bị những thứ này liên lụy. Tại gia hay xuất gia cũng đều có ở trong đó.