/ 128
1.410

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 71


Các vị đồng tu, xin chào mọi người.

Lần trước giảng Cảm Ứng Thiên đến câu: “Tự tội dẫn tha. Ủng tắc phương thuật.” (Tự mình phạm tội làm liên lụy người khác. Cản trở tài năng người khác)

Mỗi câu mỗi từ đều hàm ý vô cùng sâu rộng. Phần chú giải trong Vựng Biên có rất nhiều thí dụ về câu nói trong kinh điển và những lời dạy bảo của Thánh Hiền xưa, nội dung vô cùng phong phú. Bởi vì thời gian có hạn, không thể nào giới thiệu hết với mọi người được. Đây là bộ sách hay, được Ấn Quang Đại Sư giám định, chúng ta nên thường đọc tụng.

Học Phật trước tiên phải học làm người. Làm người phải học làm người tốt trước. Nếu như người còn làm không tốt thì Phật pháp chắc chắn chỉ là hữu danh vô thực. Đại sư Thiên Thai từng nói: “Danh tự vị”, ý nghĩa của nó chính là hữu danh vô thực, không được lợi ích chân thật của Phật Pháp, thế nên nhất định phải làm người tốt trước.

Ấn Quang Đại sư không những là Tổ sư Đại đức một đời. Truyền thuyết nói Ngài còn là Đại Thế Chí Bồ-tát của thế giới Tây Phương Cực Lạc tái lai, chuyện này có thể tin. Vì sao Ngài lại dùng Cảm Ứng Thiên, Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư để giáo hóa hết thảy đại chúng, mà không dùng kinh điển Phật Pháp? Chuyện này chúng ta phải suy ngẫm nhiều một chút, dụng ý của Đại sư là ở đâu?

Hơn hai mươi năm trước, năm 1977 tôi giảng kinh ở Hồng Kông, thư viện Phật Giáo Trung Hoa thu thập không ít sách mà Hoằng Hóa Xã của Ấn Quang Đại sư in. Sách do Ngài in đều rất đẹp, hiệu đính tương đối nghiêm túc, ít chữ sai, có thể nói là bản tốt nhất thời cận đại. Từ trong đó tôi phát hiện, Ngài in ba loại sách này số lượng nhiều nhất, tôi tính đại khái một chút là hơn ba triệu bản. Kinh điển Phật giáo khác được in rất ít, so với ba loại sách này thì chiếm không tới một phần mười. Thế là tôi liền nghĩ vì sao Ngài lại làm như vậy? Hiện tại thực tế đã chứng minh rồi, thế gian có kiếp nạn rất lớn.

Kiếp nạn được tạo thành như thế nào? Kinh Phật đã nói vô cùng rõ ràng, vô cùng minh bạch. Kinh Hoa Nghiêm nói “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (chỉ do tâm hiển hiện, chỉ do thức biến hóa). Hai câu này của Phật đã nói ra cho chúng ta nguồn gốc của hết thảy chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới, là do “tâm hiện thức biến”.

Tâm của ai? Là tâm của chính chúng ta. Tâm là nói chân tâm, thức là nói vọng tâm. Chân tâm của chúng ta hiển hiện, vọng tâm biến hóa mà ra. Một câu này đã nói tường tận nguồn gốc của vụ trụ nhân sanh cho chúng ta. Trong kinh điển Đại thừa Phật nói: “Tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh”. Câu nói này hoàn toàn giống với hai câu trong Kinh Hoa Nghiêm. “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, tâm là duy tâm sở hiện (do tâm hiển hiện), tưởng là duy thức sở biến (do thức biến hóa). Nói cách khác, chúng ta và chúng sanh trên thế gian này tưởng cái gì? Hoàn cảnh sống của chúng ta biến hóa dựa theo tư tưởng của chúng ta.

Người hiện nay trên thế gian không còn tiếp nhận giáo dục Thánh Hiền nữa. Nghiêm túc mà nói, Trung Quốc từ thời Hán Vũ Đế cho đến những năm cuối triều Thanh, mặc dù trong hơn 2000 năm có sự thay đổi triều đại, nhưng chính sách giáo dục của quốc gia không hề thay đổi, cho dù là triều đại nào. Thời nhà Nguyên người Mông Cổ vào Trung Quốc, thời nhà Thanh người Mãn Châu vào Trung Quốc, chính sách giáo dục không hề thay đổi, một mạch tương truyền.

Giáo dục chính quy của quốc gia đều tuân theo Khổng Tử, Mạnh Tử. Đây là từ thời Hán Vũ Đế đã định ra, 2000 năm nay đều tuân theo. Giáo dục xã hội áp dụng theo Phật gia, Đạo gia, cho nên Nho Thích Đạo ở Trung Quốc được gọi là Tam giáo, đây là giáo dục Thánh Hiền. Thế nên, 2000 năm qua đất nước ổn định và hòa bình lâu dài là có đạo lý của nó. Từ sau khi Dân Quốc thành lập thì bắt đầu đánh đổ Nho giáo. Đều xem Phật giáo, Đạo giáo thành mê tín, thế là chính sách giáo dục truyền thống bị phế bỏ, mê tín văn minh vật chất của phương Tây, mê tín chủ nghĩa công danh lợi lộc của phương Tây. Đạo đức nhân nghĩa mà chúng ta nói từ xưa đến nay đều không cần nữa, vì vậy đã tạo nên hoàn cảnh khó khăn của đất nước ngày nay, xã hội loạn lạc bất an. Ấn Tổ đối với việc này rất rõ ràng, minh bạch. Nếu dùng phương pháp của nhà Nho để dạy học thì chính sách hiện nay không cho phép. Giáo dục của nhà Phật, Đạo gia mặc dù tốt nhưng mọi người trong xã hội hiện nay khó mà tiếp nhận, thế nên trước hết phải dạy các vị làm người, làm người tốt.

/ 128