/ 128
1.458

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 69


Kính chào chư vị đồng học, lần trước tôi giảng đến câu:

Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi” (Biết lỗi mà không sửa; Biết điều thiện mà không làm)

Hai câu này thực sự là mấu chốt quan trọng của tu hành thế gian và xuất thế gian. Vấn đề chính là “tri”, “tri” trong Phật pháp chính là giác ngộ, trong Phật pháp gọi là khai ngộ, giác ngộ. Thế nào là khai ngộ? Thế nào là giác ngộ? “Tri quá, tri thiện” (biết điều lỗi, biết điều thiện) đều là giác ngộ. Sửa đổi lỗi lầm, hành thiện là tu hành, nếu như không giác ngộ thì tu hành sẽ khó khăn, không biết bắt đầu học từ đâu, cho nên “tri” (đạt đến chỗ biết) không hề dễ dàng.

Thế Tôn thuyết pháp cho chúng ta 49 năm, mục đích cũng chính là dạy “tri” này cho chúng ta, để cho chúng ta có thể biết được hết thảy pháp chân vọng, tà chánh, đúng sai, thiện ác, lợi hại của thế gian và xuất thế gian, không gì khác hơn là giúp chúng ta kiến tánh. Kiến tánh là biết hết thảy, là không cần phải có người dạy. Phàm phu thì chưa kiến tánh. Các vị xem trong kinh điển, phàm phu có nội phàm, có ngoại phàm, đều gọi là phàm phu. Phàm phu trong lục đạo gọi là nội phàm, ngoại phàm là tứ Thánh pháp giới. Nói cách khác, các vị không siêu vượt ra khỏi thập pháp giới thì đều là phàm phu. Trong Nhất Chân pháp giới thì mới được gọi là Thánh nhân, đã kiến tánh rồi. Chưa minh tâm kiến tánh thì đều là phàm phu, nhận thức của phàm phu đối với chân tướng sự thật không rõ ràng, cho nên Phật Bồ-tát từ bi dạy bảo, giúp đỡ chúng ta nhận thức.

Thực tại mà nói, về cấp độ giảng những câu này có sâu cạn không như nhau. Sâu xa nhất đó là phân biệt chân vọng, hạ xuống một cấp nữa đó là tà chánh, thị phi, thiện ác. Cạn cợt nhất là nói về lợi hại, đây là mức độ cạn nhất. Cái gì có lợi đối với chúng ta, cái gì có hại đối với chúng ta, người có thể phân biệt được điều này không nhiều. Do đó trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, đối với người, đối với vật, đối với việc, cử chỉ lời nói hành vi, phạm phải những lỗi lầm này thì đều có hại cho chính mình.

Cử chỉ lời nói hành vi nào có lợi, có hại đối với chúng ta, người biết được điều này không nhiều. Lợi là cái gì? Lợi chính là người khác hoan hỷ tán thán, dùng lời hiện nay mà nói chính là có ấn tượng tốt đối với chúng ta. Người khác có ấn tượng tốt đối với chúng ta, chúng ta làm việc sẽ thuận tiện hơn, sẽ được nhiều người giúp đỡ hơn. Hại là gì? Người khác có ấn tượng xấu đối với chúng ta, khiến cho người khác có ấn tượng xấu, tương lai chúng ta làm chuyện tốt cũng không được người khác giúp đỡ, sẽ gặp rất nhiều chướng ngại, phải hiểu đạo lý này.

Đạo lý này ở nơi nào dạy vậy? Các vị tỉ mỉ mà xem, hiện tại ở Canh Tâm Viên dạy Đệ Tử Quy. Gần đây Canh Tâm Viên muốn may quần áo cho các em nhỏ, muốn mời tôi viết cho họ vài chữ, họ cầm Đệ Tử Quy tới, tôi xem một lượt từ đầu đến cuối. Chúng ta ngay đến thường thức này cũng không có, là dạy điều gì? Là dạy lợi hại, dạy các vị hiểu được cái gì là thiện, cái gì là ác, cái gì là lợi, cái gì là hại.

Trong Đệ Tử Quy chỉ dạy bốn chữ, “thiện ác lợi hại”, chúng ta chân thật phải học lại từ đầu. Tôi bảo thầy Nhẫn lấy thêm nhiều quyển Đệ Tử Quy một chút, hãy đem phát cho mỗi người chúng ta một quyển, mỗi ngày đều đọc tụng. Các em nhỏ đã học rồi, học xong thì phải dạy chúng, chúng biết đọc, chúng thuộc lòng, chúng biết hát nhưng ý nghĩa là gì chúng không hiểu, việc này không được, phải dạy chúng. Dùng ngôn từ đơn giản nhất để các em nhỏ có thể nghe hiểu được, sau khi học xong chúng có thể làm được, giáo dục như vậy mới xem là thành công. Chỉ dạy các em nhỏ biết đọc, biết thuộc lòng nhưng làm không được, giáo dục như vậy là thất bại rồi, cũng như là không dạy.

Cho nên chúng ta không thể xem thường việc biết lỗi, biết thiện này, đây là chuyện lớn. Đẳng Giác Bồ-tát vẫn còn lỗi lầm, vẫn phải biết lỗi, vẫn phải biết thiện. Các Ngài có lỗi lầm gì? Chúng ta đọc trong kinh điển xem thấy, các Ngài vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, các Ngài vẫn có lỗi lầm, vẫn phải cầu học cầu biết. Làm thế nào loại bỏ một phẩm sanh tướng vô minh sau cùng đó? Đến quả vị Như Lai mới không còn lỗi lầm nữa, lỗi lầm không còn, thiện mới viên mãn. Cho nên thiện của Đẳng Giác Bồ-tát vẫn chưa viên mãn, vẫn còn lỗi lầm chưa được loại bỏ. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này, khiêm tốn cầu học. Trong Kinh Hoa Nghiêm các vị nhìn thấy đức Văn Thù, đức Phổ Hiền vẫn khiêm tốn ở đó cầu học, chúng ta làm sao có thể tự cho là ta học cũng không tệ, tự cho là mình đã thành tựu rồi. Thể hiện ở thái độ bên ngoài, cống cao ngã mạn, vậy thì sai rồi.

/ 128