/ 128
1.577

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 68


Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Mời xem đoạn thứ 57 trong Cảm Ứng Thiên.

Tri quá bất cải. Tri thiện bất vi.” (Biết lỗi mà không sửa; Biết điều thiện mà không làm)

Đây là phần thứ ba trong chương ác báo. Trong đoạn văn này, từ đoạn 57 đến đoạn 60, đến câu “xâm lăng đạo đức” (xâm hại hủy nhục người đạo đức). Tôi đọc đoạn kinh văn này, cảm khái vô cùng sâu sắc. Sau khi đọc xong, tỉ mỉ suy ngẫm lại thì không còn giảng kinh được nữa. Công phu của Thánh Hiền không có gì khác ngoài việc sửa đổi lỗi lầm. Trong chú giải nói rất hay, đoạn mở đầu nói “Văn Thù Bồ-tát bạch với Phật là: tuổi trẻ tạo nghiệp, về già tu hành thì có thể thành Phật chăng? Phật trả lời: Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”.

Quay đầu là sửa đổi lỗi lầm. Viên Ngộ thiền sư nói: “Con người ai mà không có lỗi, biết sai mà sửa thì không việc gì thiện bằng. Nếu kẻ quân tử có thể sửa đổi lỗi lầm, làm việc thiện thì đức hạnh ngày một tăng trưởng”. Thế nào là quân tử? Trong Phật pháp, người chân thật phát tâm tu hành, người này chính là quân tử. Tu học Phật pháp có ba giai đoạn, trong “Lục tức Phật” của tông Thiên Thai thì địa vị thứ hai “Danh tự vị” là chưa thể sửa đổi lỗi lầm, hữu danh vô thực, nhất định chưa thể sửa sai hướng thiện, người như vậy là giả bộ học Phật, không phải là học Phật chân thật. “Quán hành vị” là thực hành, làm theo lời Phật Đà dạy bảo, là y giáo phụng hành. Chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh, phải làm được Quán hành vị thì mới nắm chắc vãng sanh, sanh cõi phàm Thánh đồng cư. Nếu là “Tương tự vị” thì quý vị sẽ sanh nơi Phương tiện hữu dư; “Phần chứng vị” thì sanh Thật báo trang nghiêm độ. Cho nên phải sửa, biết sai chính là giác ngộ, người này giác ngộ rồi; sửa sai chính là dụng công, công phu được thực hành rồi.

Tôi đọc mà cảm thấy rất buồn, vừa rồi tôi có nói không muốn giảng kinh nữa, tôi chỉ muốn về sống nơi lều tranh mà bế quan tịnh tu. Vì sao vậy? Người theo tôi học tập đều không biết sửa lỗi, không biết làm lại cuộc đời, vậy thì việc giảng kinh thuyết pháp của tôi hoàn toàn thất bại. Tôi hiểu rõ, tôi biết rất rõ, tại vì sao vẫn còn trơ trơ ở đây giảng tiếp vậy? Người không có cơ duyên thân cận với tôi, có không ít người muốn học, chúng tôi lợi dụng mạng Internet, lợi dụng video ghi hình để truyền bá ra ngoài, đưa tới những người chân thật có tâm muốn học, vì họ cho nên tôi đành ở đây làm tiếp, không sợ người khác chê cười. Từ xưa tới nay, chỉ có hiếu học mới xứng đáng với lão sư, mà lão sư một đời có thể thu nhận được vài người học trò như thế thật là khó! Người hiện nay hiểu được chân tướng sự thật, cho nên cũng có thể tha thứ cho tôi, không còn sỉ nhục tôi nữa.

Trước đây tôi ở nhiều nơi trên thế giới, nói dễ nghe một chút là làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, chính mình luôn cảm thấy vô cùng cô độc, vô cùng vất vả khổ cực, không có bạn chí đồng đạo hợp. Cho nên mỗi lần trở về Đài Loan, tôi nhất định phải đi thăm thầy tôi, tôi luôn khuyến thỉnh thầy, hi vọng thầy có thể bồi dưỡng vài học trò nữa, chúng tôi ở hải ngoại cũng có thêm trợ thủ. Thầy tôi cũng cảm thán, đúng vậy! Bao nhiêu năm như vậy, mỗi một lần gặp thầy tôi đều nói vấn đề này, đại khái là nói bảy, tám lần rồi. Cuối cùng thầy nói với tôi: “Thầy không phải không bồi dưỡng học trò, con giúp thầy tìm học trò đi.”

Từ đó về sau tôi không dám nói nữa, vì sao vậy? Tôi không tìm được học trò, tôi mới hiểu được thầy không phải là không dạy, mà là không có người học. Học thì phải thật sự nghe lời, thật sự y giáo phụng hành. Bằng mặt không bằng lòng, chúng ta còn làm những chuyện lừa gạt thầy của mình, thầy có biết không? Biết chứ, đều rõ ràng. Người nghe Lý lão sư giảng kinh ở Đài Loan vượt hơn năm trăm ngàn người, chúng thường tùy ở bên cạnh thầy có hơn hai mươi người, từ sớm đến tối không rời thầy nửa bước. Hai mươi mấy người này, người nào thực sự học, người nào giả bộ học, trong lòng Lý lão sư đều rõ ràng, đều minh bạch. Thầy biết, thì tôi cũng biết. Lão sư Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung, nửa đời sau đều cống hiến cho nơi đó, người chân thật theo thầy học có mấy người? Chỉ có ba người mà thôi, thầy cũng đã cảm thấy an ủi lắm rồi.

Về sau tôi đến Bắc Kinh ghé thăm Hoàng Niệm lão, là người mà tôi liên hệ được lúc ở Mỹ. Khi đó tôi là hội trưởng của giáo hội Phật giáo nước Mỹ, hội trưởng hữu danh mà vô thực. Bên đó đồng tu rất tôn trọng tôi, nói họ muốn mời một vị thượng sư Mật tông đến đó truyền pháp, muốn bàn bạc với tôi. Tôi không đồng ý, tôi nói tổ tiên chúng ta đời đời tương truyền, một môn thâm nhập trường kỳ huân tu, không nên làm những cái khác nữa. Sau đó tôi hỏi họ, vị thượng sư này ở đâu tới? Họ nói ở Bắc Kinh. Tôi liền hỏi tên của vị ấy. Họ nói là “Hoàng Niệm Tổ”. Tôi vừa nghe cái tên Hoàng Niệm Tổ, tên của vị này đối với tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Trước đây Lý lão sư thường nhắc với chúng tôi về ngài. Tôi liền hỏi một câu: “Có phải là cháu của ngài Mai Quang Hi hay không? Họ nói: “Đúng vậy”, tôi nói: “Vậy thì mời ngài ấy đến đây.” Ngài Mai Quang Hi là lão sư của cư sỹ Lý Bỉnh Nam, chúng tôi là học cùng một thầy, học cùng một thầy thì cho dù là pháp môn gì thì cũng sẽ không đi sai đường, không chỉ sai đường. Chúng tôi không phải là bài xích bất kỳ pháp môn nào mà chúng tôi sợ làm loạn pháp môn mình đang tu học. Đây là vị truyền thừa cho chúng tôi, ngài ấy là truyền nhân của ngài Hạ Liên Cư, cháu của Mai đại sư. Tôi tuy chưa từng gặp qua ngài nhưng tri kiến của ngài nhất định không sai lầm, tôi hoan nghênh ngài ấy đến.

/ 128