/ 128
1.932

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 67


Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 54, đoạn này chỉ có hai câu:

Dĩ trực vi khúc, dĩ khúc vi trực.” (Lấy thẳng làm cong, lấy cong làm thẳng)

Đoạn thứ nhất trong chú giải có ghi, “Hai bên kiện tụng, đúng sai chưa quyết định, sanh tử định đoạt đều ở một lời của phán quan, há có thể qua loa. Nay đúng sai điên đảo, nhận hối lộ phi pháp, nếu không phải nhận hối lộ thì làm việc theo cảm tính, nếu không thì làm sao lại lỗ mãng làm theo ý mình, kẻ có một trong những hành vi kể trên, há có thể làm quan đứng trên muôn dân hay sao”. Đây là ví dụ dành cho kẻ làm quan phán án. Thực ra những chuyện này trong xã hội hiện nay gần như mỗi một người đều phạm phải lỗi lầm này. “Thẳng”, “cong” cũng là thị phi, nếu như không có trí huệ chân thật thì rất khó mà đoán định được. Đặc biệt là những cái tưởng đúng mà lại sai, tưởng sai mà lại đúng, nếu như không có trí huệ năng lực, không có học vấn thì không dễ gì mà phán đoán; thông thường phán đoán sai lầm thì tạo tội nghiệp rất nặng, chính mình còn không biết.

Các vị đọc qua Liễu Phàm Tứ Huấn, đối với những chuyện này đã nói vô cùng chi tiết, vô cùng rộng, vô cùng thấu triệt. Nguyên tắc nêu ra trong sách này chúng ta phải học tập, phải có thể nắm vững được, đó là vấn đề “đúng sai”, “cong thẳng”. Không chỉ là hiện tiền, còn phải xét đến ảnh hưởng sâu rộng của vấn đề. Có một số việc trước mắt dường như bất lợi thế nhưng lợi ích trong tương lai rất lớn; vào thời điểm này nơi này bất lợi nhưng ở nơi khác lợi ích lại rất lớn. Chúng ta có suy ngẫm đến vấn đề này chưa?

Phật nói hết thảy pháp, về mặt không gian mà nói, theo chiều ngang là trọn khắp mười phương, Ngài muốn đem lại lợi ích cho mười phương hết thảy chúng sanh; theo thời gian mà nói, theo chiều dọc thì tột cùng ba đời [quá khứ, hiện tại và tương lai], đây mới là lợi ích chân thật, lợi ích vĩnh hằng. Phàm phu không suy nghĩ tường tận được như vậy, chỉ nghĩ đến lợi ích ở nơi đây, vào lúc này. Nghĩ đến nơi này, nơi này vẫn còn rất nhỏ, thậm chí chỉ nghĩ đến một đời của chính mình, trước mắt tôi có lợi ích gì hay không? Lợi ích về sau của chính mình không hề nghĩ tới, tầm nhìn như vậy có thể nói là nông cạn đến cùng cực. Các vị đại đức xưa dạy bảo các đồng tu học Phật phải có “tiền hậu nhãn” (mắt nhìn trước sau). Phật ở trong kinh điển dạy chúng ta “ngũ nhãn viên minh”(năm loại mắt sáng suốt trọn vẹn), chúng ta đối với sự việc mới có thể nhìn được rõ ràng.

Chúng ta thường nói, thường nêu dẫn Phật pháp. Vậy Phật pháp là gì? Chân thật hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh thì gọi là Phật pháp. Nhân sinh là chính mình, vũ trụ là môi trường chúng ta sinh sống. Các vị có thể nhận thức chính mình, nhận thức môi trường sống thì các vị là Bồ-tát, các vị là Phật. Một người nếu như không nhận thức chính mình, không hiểu rõ được hoàn cảnh sống của chính mình, người này gọi là phàm phu. Có mấy người từng nghiêm túc suy ngẫm qua việc này?

“Ta” là cái gì? Cái gì là “ta”? Chỉ có người học Phật chân thật mới nghĩ đến việc này. Thân thể này có phải là của ta? Thân không phải là ta, phàm phu trong lục đạo đều chấp trước cái thân này là ta, điều này sai rồi. Do sự chấp trước đó, trong Kinh Kim Cang mới nói: “Ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng”, thảy đều khởi lên. Căn bản của bốn tướng này chính là ngã tướng, căn bản của ngã tướng là chấp trước. Tướng tông nói rất hay: “Mạt-na thức chấp trước, tứ đại phiền não liền đi theo.” “Ta” là cái gì? Đó là ngã ái (ái luyến của ta), ngã kiến (kiến chấp của ta), ngã si (si mê của ta), ngã mạn (kiêu mạn của ta). Ái, kiến, si, mạn (ái luyến, kiến chấp, si mê, kiêu mạn) đó là “ta”.

Nếu như Phật không nói rõ ràng cho chúng ta, chúng ta làm sao mà biết được chứ? Cả ngày đều sống trong “ái, kiến, si, mạn” này. “Ái, kiến, si, mạn” chính là “tham sân si mạn” mà chúng ta thường nói, hóa ra những thứ này là “ta”. Người người đều mong muốn thỏa mãn tham sân si mạn, tham sân si mạn thỏa mãn rồi thì vào A-tỳ địa ngục, xuống tầng thấp nhất trong lục đạo. Nói cách khác, tham sân si mạn càng nhẹ thì càng lên cao; tham sân si mạn càng nặng thì càng đọa lạc, lục đạo chính là hiện tượng như vậy. Trong cõi trời, tham sân si mạn giảm nhẹ, cõi trời Vô Sắc Giới là nhẹ nhất. Cõi trời Sắc Giới nặng hơn Vô Sắc Giới một chút, cõi trời Dục giới thì càng nặng hơn một chút. Cõi A-tu-la và cõi người so với cõi trời Dục Giới thì càng nặng hơn, càng nặng thì càng đọa lạc xuống dưới; nặng nhất chính là địa ngục, A-tỳ địa ngục. Thế nên có còn muốn tham sân si mạn nữa không?

/ 128