/ 128
1.392

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 66

 

Các vị đồng tu, xin chào mọi người! Mời xem đoạn 52 trong Cảm Ứng Thiên.

Lăng cô bức quả.” (Bức hiếp cô nhi, người góa bụa)

Đoạn thứ 53:

“Khí pháp thụ lộ.” (Bỏ qua pháp luật, nhận của hối lộ)

Trên thế gian này không ai khổ bằng cô nhi, quả phụ. Cổ Thánh tiên Hiền dạy bảo chúng ta, đối với những người này phải vô cùng thông cảm, đặc biệt chăm sóc. Phước điền ở trong Phật pháp thì những người này là bi điền ở trong phước điền.

Chúng ta nhìn thấy chúng sanh gặp nạn nhất định phải nghĩ tới trước đây chúng ta cũng từng gặp phải tai nạn này. Trong tương lai chúng ta nhất định còn gặp rất nhiều cảnh khó khăn tai nạn như vậy, chỉ cần không thoát khỏi lục đạo luân hồi thì nhất định không thể tránh khỏi. Chúng ta làm sao biết được? Nhìn ra được điều này từ trong nhân quả. Quý vị đọc rất thuộc Liễu Phàm Tứ Huấn, “một miếng ăn, một hớp nước, không gì không định sẵn”, ai định ra vậy? Là do nghiệp nhân chính chúng ta tạo tác đã tạo ra sự định sẵn này, cho nên điều này vô cùng công bằng. Không phải Thượng Đế định đoạt, không phải Diêm Vương định đoạt, cũng không phải Phật Bồ-tát định đoạt mà chính mình tự tạo, tự làm tự chịu, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

Gặp những người khổ nạn, chúng ta cũng phải rất rõ ràng, rất minh bạch đây là nghiệp nhân mà trước đây họ nhất định đã tạo ra do vô tri! Chúng ta ngày nay may mắn gặp được Phật pháp, có thể nhận được sự dạy bảo của Thánh Hiền nhân, chúng ta phải hiểu. Sau khi hiểu rồi thì đối với những chúng sanh khổ nạn nhất định phải giúp họ, phải cứu độ, chăm sóc họ, sao có thể ức hiếp, bức bách họ được chứ? Ức hiếp, bức bách những người này thì tội nghiệp còn nặng hơn gấp bội phần so với người bình thường, quả báo không thể tưởng tượng được.

Hôm qua chúng tôi đi thăm viếng đạo Cơ Đốc, tham quan tổ chức từ thiện phúc lợi xã hội mà đạo Cơ Đốc đang làm. Chúng tôi thấy viện dưỡng lão của họ, họ chăm sóc người già, chăm sóc cô nhi, công đức này rất lớn. Trong Phật pháp nói, nếu họ chấp tướng thì những công việc từ thiện này là phước báo trong tam giới; nếu lìa tướng mà tu thiện thì những hành vi của họ là vô lượng công đức. Sự khác biệt giữa công đức và phước đức: một cái là tu chấp tướng, một cái là tu lìa tướng, khác biệt ở chỗ này; về mặt sự tướng tuy không có sai biệt nhưng dụng tâm thì không như nhau. Kinh nghiệm trong công việc của họ rất phong phú, rất nhiều điểm đáng để chúng ta học tập. Chúng tôi đến chỗ họ tham quan một lần chính là học một buổi học.

Hôm qua Giám Mục trong giáo hội của họ, vị này có địa vị cao nhất trong giáo hội; phía dưới họ có hội trưởng, có Mục Sư, trong tổ chức của họ từng cấp một phân biệt rất rõ ràng. Vị Giám Mục này trò chuyện với cư sĩ Lý về những điều hết sức quan trọng thiết yếu! Đây là trọng tâm cuộc viếng thăm của chúng tôi, là khóa học để chúng tôi học tập. Chúng ta có thể xem nhiều lần, nghe nhiều lần, các bạn mới học có thể mở cho họ xem, là tài liệu vô cùng tốt. Hôm qua tôi xem xét bốn phía, không có người nào quay lại, điều này cho thấy những người học Phật chúng ta không có trí huệ, không có tâm từ bi, đi tới đâu cũng chỉ là xem qua loa rồi thôi, không biết là mỗi một nơi chúng ta đi tham quan đều là đang đi học, đều là đang lên lớp. Học ưu điểm của người khác, loại bỏ khuyết điểm của người khác thì chúng ta mới có tiến bộ.

Phật dạy chúng ta tinh tấn, tinh tấn từ đâu mà có? Tinh tấn từ những điểm này mà có. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba lần tham bái thiện tri thức, ghi chép lại đều là kinh điển. Hôm qua chúng ta đi viếng thăm hỏi đáp đều không ai ghi chép. Hiện tại nhờ vào khoa học kỹ thuật nên không cần ghi chép nữa, chúng ta quay phim, ghi âm lại, quay lại hoàn cảnh, đó là tài liệu tốt nhất, vậy mà chúng ta còn không biết sử dụng. Những chỗ này chúng ta phải tiếp thu kinh nghiệm mấy mươi năm của họ, người xưa gọi là “nghe giảng một lúc còn hơn mười năm đọc sách”. Những tư liệu quý báu này, chúng ta phải biết thu thập. Chúng ta thường phát tâm phải phổ độ chúng sanh, lấy cái gì để phổ độ chúng sanh đây? Chúng ta dùng nguyên lý nguyên tắc của người xưa và phương pháp cách làm hiện nay, sự kết hợp như vậy là khế lý khế cơ. Những phương pháp thời xưa tuy hiện nay không thích hợp sử dụng nhưng nguyên lý nguyên tắc nhất định phải tuân thủ, đó là khế lý! Phương pháp, cách làm mà người ngày nay sử dụng, chúng ta học theo là khế cơ! Tôi ở nơi này đặc biệt nhắc nhở các vị đồng tu, không chỉ là chúng ta chính thức viếng thăm các tôn giáo khác mà người biết học sẽ giống Thiện Tài Đồng Tử, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, bất cứ người nào, bất cứ việc gì, bất cứ vật nào đều là giáo trình học tập, đều là chỗ để Bồ-tát học tập.

/ 128