/ 128
909

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 65

 

Các vị đồng tu, xin chào mọi người.

Xin xem đoạn thứ 49 trong Cảm Ứng Thiên:

Thưởng cập phi nghĩa, hình cập vô cô.”

(Tưởng thưởng không đúng nghĩa, gia hình phạt cho người vô tội.)

Hai câu này chính là nói việc thưởng phạt bất minh, đúng sai điên đảo. Trong phần chú giải giảng rất hay, chúng ta nên thường xuyên đọc, thường xuyên ghi nhớ: “Ban thưởng cho người cũng có đạo lý, nhằm ghi công cho người có đức tốt. Triều đình khuyến khích lòng dân sống theo phép tắc. Người đáng thưởng không thưởng, người không đáng thưởng lại được thưởng đều trái với điều nghĩa”. Bất nghĩa là việc không nên làm, không đáng thưởng mà lại ban thưởng, đây gọi là phi nghĩa, “nghĩa” là việc nên làm. Đây chính là không biết đúng sai, không tôn trọng pháp luật, hành vi này nhất định sẽ tăng trưởng tự tư tự lợi. Trong xã hội, từ xưa đến nay, chúng ta nhìn thấy rất nhiều người kết bè đảng để mưu lợi riêng, phá hoại thể chế quốc gia, nhiễu loạn xã hội, tổn hại người dân lương thiện, đều là do những người này làm ra.

Hai câu sau cùng này nói rất hay: “Nếu cất nhắc, khen thưởng sai sót sẽ khiến trời nổi giận”. Câu nói này là lời chân thật, nhưng người thế gian nghe thấy thì cho là mê tín. Thời xưa, Thánh nhân không thường bàn đến các việc sau: “Tử bất ngữ quái lực loạn thần” (Khổng Tử không bàn đến những chuyện: quái dị, bạo lực, phản loạn và quỷ thần). Khổng Phu Tử không nói nhiều về thiên đạo nhưng không phải là không nói. Người Trung Quốc đối với những lý luận và sự thật về thiên địa quỷ thần cùng nhân quả báo ứng biết được rất nhiều. Trong các sách xưa chúng ta dường như chỗ nào cũng đều có thể xem thấy. Nhưng Thánh nhân đối với những sự việc này các Ngài không đề xướng, không đề xướng là có lý do của việc không đề xướng. Các Ngài hy vọng trí huệ và trình độ tri thức của chúng ta càng được nâng cao hơn. Những việc liên quan đến thiên địa quỷ thần, người thế gian chỉ xem đó là đương nhiên chứ không biết tại sao lại như vậy. Trong Kinh Luận, Phật đã nói rất rõ đạo lý tại sao như vậy. Ngài nói rất rõ ràng, nói rất thấu triệt, cho nên Kinh Phật không thể không đọc. Chỉ có chân thật hiểu được triệt để thì mới có thể làm được sự chuyển đổi lớn về mặt ý niệm.

Phật pháp dạy người từ lúc sơ phát tâm cho đến quả địa Như Lai, tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của việc tu học chính là điều đã nói trong kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (Từ chỗ vô trụ mà khởi sinh tâm). Đại sư Lục Tổ Huệ Năng ở Tông Môn khai ngộ từ câu nói này. Câu kinh văn này cùng với câu sau cùng mà đức Phật nói: “Ly nhất thiết tướng, tu nhất thiết thiện” (Lìa tất cả tướng, tu tất cả điều thiện) là cùng một ý nghĩa. “Ưng vô sở trụ” chính là “ly nhất thiết tướng”, “nhi sanh kỳ tâm” chính là “tu nhất thiết thiện”. Có thể nói hai câu sau cùng chính là chú giải cho hai câu ở phía trước. Điểm khác nhau giữa chư Phật Bồ-tát với hết thảy phàm phu chính là: phàm phu thì tu thiện nhưng chấp tướng, cho nên quả báo có hạn, tuyệt đối không ngoài những gì họ chấp trước.

Chín pháp giới gọi là chúng sanh, chúng sanh trong chín pháp giới đều phân biệt, chấp trước nên có quả báo rộng hẹp, sâu cạn khác nhau. Chấp trước là tổn thất rất lớn, nếu chấp trước quá sâu thì phước báo sẽ càng nhỏ. Cho dù có tu điều thiện lớn đến đâu, phước có được cũng đều rất nhỏ. Vì sao vậy? Vì sự phân biệt chấp trước của bạn đã vẽ thành một cái vòng (giới hạn) rồi, bạn không thể ra khỏi cái vòng (giới hạn) đó. Từ chín pháp giới hướng lên trên nữa thì ý niệm phân biệt chấp trước càng nhạt bớt, cho nên tâm lượng càng mở rộng thì phước báo do tu thiện có được càng lớn hơn, hoàn toàn tỉ lệ với mức độ chân thành của tâm lượng. Trên quả địa Như Lai, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều xả được sạch sẽ, cho nên việc thiện dù nhỏ đến đâu thì phước báo đều viên mãn tận hư không, khắp pháp giới. Phật đã dạy chúng ta như vậy, đây chính là chân tướng sự thật. Chúng ta vì sao lại không chịu học mà vẫn còn chi li chấp trước, niệm niệm không chịu buông xuống vậy? Không những buông xuống danh lợi, buông xuống ái dục, buông xuống sở thích, mà chúng ta thường nghe trong nhà Phật nói: “Buông xuống hết thảy thân tâm thế giới”.

Buông xuống không phải là không làm việc gì, sau khi buông xuống thì vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ, tu hết thảy thiện, lợi ích tất cả chúng sanh, lợi ích còn phải chú ý đến nhiêu ích nữa, dùng cách nói hiện nay là lợi ích lớn nhất, lợi ích viên mãn nhất, lợi ích rốt ráo nhất thì mới gọi là nhiêu ích. Khởi tâm động niệm, tất cả hành vi việc làm đều vì quảng đại chúng sanh, vì hết thảy chúng sanh, tuyệt đối không có một niệm vì lợi ích bản thân. Vì chính mình, tức là chưa thể buông xuống bản thân. Đây chính là điểm khác biệt giữa Phật và chúng sanh.

/ 128