/ 128
920

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 64

 

Các vị đồng tu, xin chào mọi người.

Xin mời mọi người xem đoạn thứ 48 của Cảm Ứng Thiên, quyển thứ ba của sách Vựng Biên. “Khinh miệt thiên dân, nhiễu loạn quốc chính.” (Khinh miệt quần chúng, làm rối loạn, quấy nhiễu quốc chính)

Đây là điều ác thứ tư của người làm quan. Trong phần chú giải nói rất hay “Sứ mệnh của trời, chính là ở lòng dân, phàm là người dân thì đều là con của trời, nên gọi là con trời, trời rất thương yêu dân chúng vậy”.

Những câu nói này chúng ta phải thường xuyên đọc tụng, thường xuyên để ở trong tâm. Trong Phật pháp, mối quan hệ giữa chúng ta với hết thảy chúng sanh được nói thấu triệt hơn. Đạo lý này, người xưa hiểu rất rõ ràng. Chúng ta thường nghe câu nói: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, ta và người là một, đều cùng một pháp thân. Nhà Phật gọi là pháp thân, nghĩa là cùng một thể với tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, người và ta đều là một thể. Nói cách khác, nếu chúng ta xem thường người khác tức là xem thường chính mình, tôn trọng người chính là tôn trọng mình, phải hiểu đạo lý này, đây là chân tướng sự thật.

Con người không thể không có sự tôn nghiêm, sự tôn nghiêm này kiến lập từ đâu? Tôn nghiêm chính là tôn trọng người khác, tôn nghiêm không phải là ngông cuồng tự đại, như vậy thì sai rồi. Tự cho mình là đúng, tự cao tự đại, khinh thường người khác thật ra là phá hoại nghiêm trọng sự tôn nghiêm của chính mình. Một người ở nơi nào cũng khiến người khác khiếp sợ thì người này coi như xong rồi. Nếu một người nơi nơi đều nhận được sự tôn kính của người khác thì người đó thành công rồi. Sự tôn kính từ đâu mà đến, tuyệt đối không phải có được từ việc ra oai tác quái mà có được từ sự chân thành tôn trọng người khác. Người xưa nói rằng: “Kính người thường được người kính”. Bạn không tôn kính người thì người làm sao tôn trọng bạn chứ? Nếu đắc tội với tất cả chúng sanh, cho dù là cố ý hay vô ý thì hậu hoạn vô cùng.

Những đạo lý này nói ra chúng ta đều có thể lý giải, cũng có thể tiếp nhận, nhưng trong cuộc sống, khi chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật vẫn tái phạm lỗi cũ, nguyên nhân do đâu? Là do chưa hiểu thấu triệt, chưa đủ triệt để. Khi cảnh giới hiện tiền thì chính mình không xoay chuyển được. Cho nên, chúng ta phải rõ việc này, chúng ta cần phải học. Chúng ta hiện nay cầu học, chính là lời người xưa nói “mất bò mới lo làm chuồng”. Lúc nhỏ không được học, không có người dạy, đến tuổi thanh niên cũng không được học, hiện tại học đã quá muộn rồi nhưng không thể không học, nếu không học thì sẽ tạo nghiệp trùng trùng, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm thảy đều tạo nghiệp, như vậy làm sao được? Cho nên không thể không học.

Hôm nay tôi thực sự không sợ đắc tội với người khác, tuy tôi nói những lời hơi khó nghe nhưng lại hữu ích với mọi người. Năm xưa khi tôi cầu học, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là thầy của tôi. Lúc tôi học với thầy, tôi chỉ mới 31-32 tuổi, thầy đã 71-72 rồi, thầy dạy chúng tôi thật ý tứ dè dặt. Thầy nhiều lần nói với tôi, dạy người chưa đến 20 tuổi thì có thể nghiêm khắc dạy dỗ, đối với người 20 tuổi trở lên thì không thể như vậy, người hơn 20 tuổi thì dạy bằng cách nào? Phải khuyên bảo một cách dè dặt, uyển chuyển, chỉ nói me mé mà thôi, để họ nghe rồi sẽ giác ngộ. Còn người 40 tuổi trở đi thì không dạy được nữa, họ có lỗi gì mình cũng không được nói ra, họ đã có tuổi rồi, không thể dạy được nữa. Cho nên, trước đây thầy dạy người thì dạy những người 20 tuổi trở xuống, còn đối với người 30-40 tuổi thì đều dùng cách ám chỉ gợi ý, tuyệt đối không nói thẳng ra. Hiện nay, đừng nói người 40 tuổi, đối với người 60-70 tuổi có ám chỉ gợi ý họ cũng không hiểu, phải làm thế nào? Đành phải nói thẳng, mà nói thẳng thì đắc tội với người ta, nhưng không nói thì không được, vì quá khứ họ không được học. Người khác ám chỉ gợi ý cho tôi thì tôi hiểu. Do đó có thể biết, bất luận là thế gian pháp hay Phật pháp, nói đến việc học là phải học từ nhỏ. Lúc còn trẻ mà thất học đến trung niên không gặp được thiện tri thức, sau 40 tuổi là tuổi xế chiều rồi, “người sống đến 70 xưa nay hiếm có”, có bao nhiêu người chưa đến 60 đã chết rồi. Nếu mọi người lưu ý một chút thì có thể hiểu rõ, mỗi ngày các bạn xem các cáo phó đăng trên báo, các bạn thấy những người qua đời là bao nhiêu tuổi, các bạn thống kê thì sẽ biết thôi. Cho nên 40 tuổi trở đi là đã già rồi.

/ 128