/ 128
1.118

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 63


Các vị đồng học, xin chào mọi người. Xin mời mở sách Cảm Ứng Thiên, câu thứ bốn mươi bảy.

“Thọ ân bất cảm, niệm oán bất hưu.” (Chịu ân [người khác mà] chẳng cảm kích, luôn ôm lòng oán hận chẳng dứt.)

Đây đều là đại ác trong ác nghiệp. Ba hàng đầu tiên trong chú giải nói rất hay: “Ân đức của một bữa cơm, người xưa nhất định báo đáp, nếu như không có khả năng báo đáp nhất định phải nhớ kỹ trong lòng, niệm niệm nhớ đến, không được phép quên”. Đây là cổ Thánh tiên Hiền không những dạy bảo chúng ta mà còn làm cho chúng ta xem. Trong Trí Độ Luận có nói: “thụ ân bất cảm, thậm ư súc sanh” (chịu ân không cảm kích còn thua cả súc sanh). Đây là trong kinh Phật nói. Nhận ân huệ của người khác mà không có tâm cảm niệm thì không bằng cả súc sanh. Những con thú cưng mà rất nhiều người nuôi trong nhà như chó, mèo đều biết cảm ân. Trong Đại Trí Độ Luận, Thế Tôn có giảng bốn môn tu học của Nhị địa Bồ-tát, trong đó có một điều là “tri ân báo ân”. Bốn chữ mà ông Triệu Phác Sơ làm tựa đề cho tạp chí, sau khi tôi xem xong thì cắt chúng ra rồi phóng lớn, làm thành một bức hoành, mọi người đều nhìn thấy rồi đó.

Chúng ta phải đặc biệt đề xướng câu nói này trong xã hội hiện tại. Một người có thể “tri ân báo ân”, cho dù không học Phật, không cầu thoát khỏi tam giới, đời sau cũng nhất định được đại phước báo trời người; ngược lại nếu vong ân phụ nghĩa thì nhất định ở trong tam ác đạo. Trong rất nhiều sự tích cảm ứng nhân quả, quý vị đều thấy rồi. Một đời của tôi thực sự mà nói không có đại trí huệ, cũng không có công phu tu hành chân thật, tôi chỉ có một chút thành tâm, chân thành, tri ân báo ân. Những nơi tôi đã đi qua, những người tôi đã gặp qua, cả đời tôi đều niệm niệm không quên, một đời đích thực là sống trong thế giới cảm ân. Người khác đối tốt với chúng ta, chăm sóc chúng ta chu đáo, chúng ta chỉ nhớ đến điểm tốt của họ, tuyệt đối không nhớ khuyết điểm của họ. Các vị đồng học ở cùng tôi thời gian dài chắc là có thể nhận ra được.

Trước đây tôi ở thành phố Dallas nước Mỹ, pháp sư Ngộ Bổn ở cùng tôi, có người hỏi ông ấy cảm nhận gì về tôi. Pháp sư Ngộ Bổn nói với họ là pháp sư Tịnh Không tuyệt đối không nhớ oán hận. Ông ấy nói có thể đắc tội với tôi nhưng tôi sẽ không ghi hận, sẽ không báo thù, ông ấy nói pháp sư Tịnh Không là một người quân tử. Chuyện này là những tín đồ khác nói cho tôi biết. Tôi gật đầu, pháp sư Ngộ Bổn cũng biết nhìn người, nhưng câu phía sau thì không được tốt lắm. Có thể ức hiếp quân tử, bởi vì họ sẽ không báo thù, đắc tội với họ thì cũng không cần lo lắng, không sao cả. Nhưng không thể đắc tội với tiểu nhân, đắc tội với tiểu nhân thì họ sẽ báo thù. Cho nên, cả đời tôi thành thực mà nói đều chịu rất nhiều oan ức sỉ nhục, nhưng không để ở trong lòng, thế nên chúng tôi rất vui vẻ, tháng ngày trôi qua rất tự tại. Từ ngày bắt đầu học Phật thì đều bị đố kị, đố kị đương nhiên sẽ có sỉ nhục, thậm chí là hãm hại, ngày tháng khổ sở như thế nào tôi cũng đều có thể vượt qua.

Một đời của tôi không hề tỏ vẻ kiêu ngạo, thông thường người trong xã hội hay nói vinh dự, tôi không có cảm giác vinh dự. Có cảm giác vinh dự thì liền có tâm cao thấp, ngày nay nói người đó là giai cấp đặc quyền, có tâm cao thấp. Có tâm cao thấp thì tâm không còn bình đẳng nữa, “tôi ở trên người khác, người khác đều không bằng tôi”. Chúng ta học Phật, Phật là tâm bình đẳng, Phật là tâm thanh tịnh. Chúng ta học Khổng Lão phu tử, tâm của Khổng Lão phu tử cũng thanh tịnh bình đẳng giống như Phật vậy, điều này phải biết. Đại Thánh Hiền thế gian, xuất thế gian dạy bảo chúng ta chỉ có một điều, đó là chân thật phát tâm, phát tâm này nhà Phật gọi là “phát Bồ-đề tâm”. Cái gì là Bồ-đề tâm? Tâm phục vụ cho hết thảy chúng sanh. Nhà Nho nói “Lễ”, tinh thần của Lễ là gì? Hạ mình mà tôn trọng người, không phải là ngạo mạn. Quý vị xem Phật pháp, Thiện Tài đồng tử năm mươi ba lần tham vấn, mỗi một vị thiện tri thức đều nói mình không bằng người khác, trong vô lượng pháp môn chính mình chỉ biết một môn. Ví dụ tỳ-kheo Kiết Tường Vân tu một môn pháp môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật cũng có nhiều loại. Trong pháp môn niệm Phật, Ngài chỉ biết một loại, không bằng người khác, trí huệ đức hạnh đều không bằng người, đó là biểu hiện của chư Phật Như Lai. Nếu cảm thấy cái nào cũng giỏi hơn người khác, đáng để kiêu ngạo, vậy thì hoàn toàn trái ngược với đại đạo của Phật giáo và Nho giáo.

/ 128