/ 128
1.268

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 62


Các vị đồng tu, xin chào mọi người!

Trong Cảm Ứng Thiên nói đến “thị phi” (lẽ đúng sai), “hướng bối” (điều nên theo và điều trái nghịch) chúng ta nhất định phải lưu ý. Mỗi chữ, mỗi câu trong phần văn tự này đối với sự tu học và đời sống của chúng ta đều vô cùng quan trọng. Đề xướng của Ấn Tổ chính là bảo chúng ta phải tôn trọng, học tập thiên văn chương này giống như là đối với kinh Phật vậy.

Kiến lập của Phật pháp mọi người đều biết, trong Quán Kinh đã nói rất rõ ràng, “tam phước” chính là nền tảng của Phật pháp. Những giải thích và dẫn chứng trong Cảm Ứng Thiên, đặc biệt là Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, chúng ta phải chăm chú tỉ mỉ mà đọc, vì đây nói rõ tường tận về tam phước. Trong tam phước đặc biệt nhất là điều đầu tiên. Điều đầu tiên là căn bản của căn bản, là nền tảng của nền tảng, nếu như không có những điều này thì những điều khác đều vô ích.

Mỗi một người chúng ta đời đời kiếp kiếp đều học Phật. Chúng ta phải hiểu rõ thí dụ trong kinh Vô Lượng Thọ. Các vị cùng theo A Xà Vương tử trong đời quá khứ học Phật đã từng cúng dường 400 ức Phật mà hiện tại vẫn là phàm phu. Chúng ta thấy họ thì có thể nghĩ đến chính mình, tự mình cũng là trong vô lượng kiếp không biết đã cúng dường bao nhiêu ức chư Phật Như Lai rồi, hiện tại vẫn là phàm phu, nguyên nhân do đâu? Không quay đầu, không giác ngộ, những gì tu học, tu được trong nhiều đời nhiều kiếp đều là phước báo nhân thiên, vẫn mặc tình tạo tội như cũ, học Phật mà vẫn còn chướng ngại Phật pháp, phá hoại Phật pháp. Chúng ta có làm như vậy hay không? Đều đang làm mà không hay không biết, vẫn cho rằng mình đang hộ trì Phật pháp. Đây chính là không quay đầu.

Chúng ta đã đọc qua rất nhiều kinh giáo, Phật Bồ-tát nhất định là tùy duyên chứ không phan duyên. Phan duyên thì sẽ mất đi tâm thanh tịnh. Nhất định phải làm tấm gương tốt cho xã hội đại chúng. Cho nên, có người chướng ngại thì Phật Bồ-tát mặc họ chướng ngại, có người phá hoại thì tùy họ phá hoại. Phật độ chúng sanh là thời gian lâu dài, không phải trong thời gian ngắn. Bạn chướng ngại, phá hoại, tạo tội nghiệp thì bạn phải chịu thọ báo, Phật Bồ-tát vì sao không lập tức chỉnh sửa lại? Chẳng qua là thị hiện sự tùy duyên. Chúng ta có thể học được sự tùy duyên của Phật Bồ-tát thì tâm địa của mình sẽ thanh tịnh, thường sanh trí huệ. Cho nên ý nghĩa này rất sâu, rất rộng.

Phật Bồ-tát nếu như vì một người mà dạy bảo họ thì sẽ sinh ra tác dụng phụ với rất nhiều người, vậy thì sai lầm này sẽ rất lớn, cho nên vì toàn bộ đại chúng mà có thể hy sinh một số ít người, để cho số ít đó từ từ thành tựu sau. Tóm lại là để cho họ tự mình giác ngộ, quay đầu, vậy mới tốt. Miễn cưỡng khuyên họ quay đầu thì chưa chắc thật sự quay đầu, ngoài mặt thì không thể không phục, nhưng trong tâm thì không phục. Phật Bồ-tát làm việc là phải khiến người tâm phục khẩu phục, không có chút miễn cưỡng nào. Làm không thành công thì đời sau lại tái lai, đời tiếp theo không thành công thì đời sau nữa, kiếp này không thành công thì vô lượng kiếp sau học tiếp. Phật Bồ-tát không giống chúng ta. Có những lúc tâm từ bi của chúng ta quá mức, quá khẩn thiết, hy vọng lập tức được thành tựu. Thực ra là không thể lập tức thành tựu. Khuyên giải chúng sanh vẫn là chúng sanh có thiện căn, thời tiết, nhân duyên phải chín muồi. Vừa nghe thì họ hiểu, họ giác ngộ, họ sẽ quay đầu. Họ không chịu quay đầu vậy thì tùy họ. Nhất định phải hiểu đại đạo lý này.

Nhất định phải hiểu được “thị phi” (lẽ đúng sai) thật rõ ràng, minh bạch thì chúng ta mới tránh khỏi tạo tác lỗi lầm. Những điều mà chúng tôi đã làm tại Singapore, các vị ở bên cạnh đều nhìn thấy rất rõ ràng, nhưng trong xã hội vẫn có một số người hiểu lầm, cho nên đã đặt điều thị phi rất nhiều. Chúng tôi đề xướng bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư, người phản đối cũng không ít. Việc này Lý lão sư sớm đã nói với tôi, vì sao lại phản đối? Không buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; chẳng rõ đúng sai nên “hướng bối quai nghi” (hành xử không thích đáng). Cho nên những điều mà những người này làm chúng ta phải nên tha thứ cho họ. Họ phát biểu ở trên báo, trên tạp chí, tôi đều xem thấy, người ta đem đến cho tôi xem. Rất nhiều đồng học nói chúng ta phải đi biện bác. Không cần thiết, không cần phải rước lấy những phiền phức đó. Nếu có nhiều thời gian như vậy thì hãy lão thật niệm Phật, không nên đi kiện tụng tranh luận với người ta, không quan tâm đến thì được rồi. Chúng ta nhất định nắm chắc phần vãng sanh Cực Lạc là được rồi, tùy ý họ hủy báng như thế nào, tôi vẫn là đến Thế Giới Cực Lạc, tôi vẫn là thân cận A Di Đà Phật, còn bạn đi đến nơi đâu? Điều này tôi không biết. Như vậy thì tốt.

/ 128